26/05/2011 | 17:27:00
EU là đối tác nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ hai của Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)
Chiều 26/5, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam công bố Sách Xanh 2011, tổng quan về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2010 và quý 1 năm 2011.
Phát biểu tại buổi công bố, ngài Jean-Jacques Bouflet, Tham tán Công sứ, Trưởng ban kinh tế và thương mại Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết EU tự hào là đối tác chiến lược của Việt Nam trên tất cả các phương diện thương mại, đầu tư, kinh tế, chính trị và văn hóa.
Quan hệ thương mại Việt Nam-EU đã tăng ấn tượng trong năm 2010 với xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 37% đạt mức trên 9 tỷ euro, đem lại cho Việt Nam 4,9 tỷ euro thặng dư trong quan hệ thương mại song phương với EU.
Khẳng định sức bật trong quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam, ngài Jean-Jacques Bouflet nhấn mạnh EU vẫn tiếp tục là thị trường nước ngoài quan trọng nhất của Việt Nam cho các mặt hàng giầy dép (kim ngạch xuất khẩu 2010 đạt 1,75 tỷ euro), thủy sản (739,2 triệu euro), càphê (794,2 triệu euro) và đồ gỗ (720,5 triệu euro).
Đồng thời EU cũng là đối tác nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ hai của Việt Nam (1,43 tỷ euro) trong năm 2010. EU là thị trường nước ngoài lớn thứ hai cho tất cả hàng hóa Việt Nam, tiêu thụ gần 20% tổng số hàng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2010.
Trong năm 2009 và đầu năm 2010, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động quyết đoán nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên ngài Jean-Jacques Bouflet cho rằng tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã vươn tới một giai đoạn quan trọng đòi hỏi Chính phủ quyết định một cách rõ ràng việc triển khai các chính sách ủng hộ kinh doanh nhằm tăng cường lòng tin và theo đuổi các nỗ lực tự do hóa thương mại hướng tới việc duy trì một cách bền vững động lực phát triển.
Cuốn Sách Xanh 2011 là ấn phẩm do các Tham tán thương mại EU thực hiện và cống bố hàng năm. Cuốn sách bao gồm phần mở đầu về tổng quan tình hình kinh tế Việt Nam năm 2010 và quý 1 năm 2011, cùng với chương riêng biệt về các khu vực kinh tế chủ chốt bao gồm dệt may, giầy dép, thủy sản, nông sản, dược phẩm, máy móc, ngân hàng và tài chính, giao thông, công nghệ và viễn thông, năng lượng, môi trường, bất động sản và xây dựng.
Cuốn sách nhận định nền kinh tế Việt Nam đã phát triển khá tốt trong năm 2010, nhưng cũng chỉ ra những yếu kém của nền kinh tế, khiến Chính phủ phải định hình lại chính sách kinh tế vĩ mô của mình vào đầu năm 2011, tránh không lặp lại cách tiếp cận truyền thống là thúc đẩy tăng trưởng.
Cụ thể hơn, Chính phủ đã áp dụng chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, tăng cường khu vực ngân hàng và tiếp sinh lực cho tiến trình cổ phần hóa và tài khóa các doanh nghiệp nhà nước./.
Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam+)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét