Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á - Nóng bỏng vấn đề biển Đông

SGGP Online
Thứ bảy, 04/06/2011, 02:59 (GMT+7)

Ngày 3-6, Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á hay Đối thoại Shangri-La đã khai mạc tại Singapore. Hội nghị được kỳ vọng là cơ hội để nâng cao sự minh bạch các chính sách quốc phòng và hiện đại hóa quân sự trong khu vực. Đặc biệt trong bối cảnh tình hình biển Đông liên tục có những căng thẳng trong thời gian gần đây.

  • Thu hẹp khoảng cách bất đồng

Tham dự Đối thoại Shangri-La 10 có đại diện từ 28 quốc gia gồm Tổng thống, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Quốc vụ khanh Quốc phòng, Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao và các học giả. Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu, tham dự hội nghị.

Ra đời từ năm 2002, đây là diễn đàn an ninh cấp cao uy tín, giải quyết được hàng loạt vấn đề tranh chấp và xây dựng các liên minh an ninh, tạo điều kiện cho các bộ trưởng quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương đối thoại, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác an ninh. Các phiên họp của hội nghị sẽ tập trung vào những vấn đề an ninh đang nổi lên, các học thuyết quân sự mới, ngân sách quốc phòng các nước, tranh chấp chủ quyền, sự phát triển vũ khí hạt nhân, vấn đề an ninh hàng hải.

Cuộc hội đàm quân sự giữa Mỹ và Nhật tại Shangri-La.

Trong thời điểm diễn ra hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tiến hành các cuộc hội đàm với những người đồng cấp Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt, ông Robert Gates tuyên bố, quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang chuyển biến “theo chiều hướng tích cực hơn” sau những diễn biến căng thẳng mới đây giữa hai bên. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng hai nước cần nỗ lực nhiều hơn để tăng cường quan hệ và phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề khu vực.

Quan hệ Mỹ-Trung thời gian qua nảy sinh mâu thuẫn trong nhiều lĩnh vực: chính sách kinh tế và thương mại, các vấn đề khu vực và thế giới, chính sách quốc phòng... Vụ tranh cãi mới đây nhất liên quan đến những cáo buộc cho rằng các tin tặc ở Trung Quốc đã xâm nhập hệ thống thư điện tử Google và tài khoản cá nhân Gmail của hàng trăm người, trong đó có tài khoản của các quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố cáo buộc trên rất nghiêm trọng và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đang tiến hành điều tra. Hãng tin AFP nhận định, cuộc hội đàm với Nhật Bản nhằm củng cố mối quan hệ quốc phòng đồng minh. Còn đối với cuộc gặp với Trung Quốc là nhằm thu hẹp khoảng cách bất đồng.

  • Trung Quốc không tuân thủ Công ước LHQ về Luật biển

Chủ đề liên quan đến biển Đông dự đoán sẽ được nhắc đến nhiều trong chương trình nghị sự. Trước thời điểm diễn ra hội nghị, phía Philippines đã lên tiếng phản đối việc các tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ tại biển Đông. Bộ Quốc phòng Philippines đang xem xét lại hệ thống an ninh dọc theo bờ biển của nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin cho biết, Bộ Quốc phòng Philippines đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc về các vụ việc mới nhất xảy ra.

Trong khi đó, hãng tin Kyodo cho biết, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố, Manila sẽ nộp đơn phản đối lên LHQ về một loạt vụ xâm nhập của Trung Quốc vào lãnh hải quốc gia Đông Nam Á này. Ông Aquino cho rằng, từ hôm 25-2, Trung Quốc đã xâm nhập lãnh hải Philippines trên biển Đông ít nhất 6 hoặc 7 lần. Theo ông Aquino, việc Trung Quốc đang tuân theo cái gọi là đường 9 đoạn đã không tuân thủ Công ước LHQ về Luật biển.

THANH HẰNG



Dư luận quan ngại tình hình biển Đông

Dư luận nước ngoài cho rằng, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông sẽ là chủ đề lớn được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á. Giáo sư Peter Dutton thuộc Viện Nghiên cứu hàng hải Trung Quốc (Đại học Hải quân Mỹ) nhấn mạnh tuyên bố về khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với Công ước LHQ về Luật biển.

Trong khi đó, Tiến sĩ Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), cho rằng những vụ việc đã và đang xảy ra cho thấy tình hình ở biển Đông đang diễn tiến đáng quan ngại.

Theo nhà nghiên cứu về an ninh hàng hải khu vực Iskander Rehman, cách hành xử của Trung Quốc đã dẫn tới sự căng thẳng không chỉ với tàu Việt Nam mà cả các tàu của Mỹ, Nhật Bản và Philippines.

Cũng liên quan tới tình hình biển Đông, trả lời phỏng vấn báo chí, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, Mỹ phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ bên nào ở biển Đông, ủng hộ Tuyên bố của ASEAN và Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở biển Đông và khuyến khích các bên đạt được bộ quy tắc ứng xử đầy đủ. Người phát ngôn nói: “Mỹ ủng hộ tiến trình ngoại giao mang tính cộng tác của tất cả các bên nêu yêu cầu chủ quyền nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải mà không có sự áp đặt”.

Người phát ngôn nêu rõ, Mỹ chia sẻ với cộng đồng quốc tế một số lợi ích quốc gia tại biển Đông, bao gồm ổn định khu vực, tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và thương mại không bị cản trở trong điều kiện hợp pháp.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy của Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Robert Willard, cũng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng tại biển Đông, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực bảo đảm các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua đối thoại và không xảy ra xung đột.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino cảnh báo, các vụ đụng độ trong vùng biển tranh chấp có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang. Tổng thống Aquino cũng khẳng định lại quan điểm rằng, các nước trong khu vực cần tháo gỡ căng thẳng và tập trung thúc đẩy sự thịnh vượng chung.

Cuộc hội thảo quốc tế “Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở biển Đông” vừa tổ chức tại Jakarta khẳng định, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải với “Đường 9 điểm” trên bản đồ (đường lưỡi bò) chiếm tới 80% diện tích biển Đông là không phù hợp và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích. Tuyên bố kêu gọi các bên liên quan duy trì cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ và pháp lý ở biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc, luật pháp quốc tế.

P.NAM (Theo TTXVN)



Thứ Bẩy, 04/06/2011 - 07:17
(Dân trí) - Quan hệ Mỹ - Trung - Đông Nam Á và tình hình tại Biển Đông sẽ là những vấn đề nổi bật tại Diễn đàn Shangri-la lần thứ 10 vừa khai mạc tại Singapore. Hôm qua, mọi chú ý đều dồn vào cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc và Trung Quốc-Mỹ.
Đối thoại Shangri-La là sự kiện có tầm quan trọng lớn.

Biển Đông “là vấn đề phức tạp”

Trong bài diễn văn khai mạc diễn đàn tối qua, Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Mohd Najib Tun Abdul Razak đã đề cập tới tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, gọi đây là vấn đề “vô cùng phức tạp”. Ông nói: “Các bên liên quan nhìn chung đã rất kiềm chế. Các bên cần tìm giải pháp hòa bình và không để bất đồng leo thang”.

Thủ tướng Malaysia cũng bày tỏ hy vọng như mọi lần rằng Trung Quốc và ASEAN sẽ tiến tới một cơ chế pháp lý chặt chẽ hơn cho tranh chấp Biển Đông.

Được bắt đầu từ năm 2002 và tổ chức hàng năm, Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies -IISS), trụ sở chính tại London, chủ trì.

Đối thoại Shangri-La tuy là sự kiện không chính thống nhưng có tầm quan trọng lớn vì là cơ hội hiếm có cho các bộ trưởng quốc phòng các quốc gia trong khu vực gặp gỡ và trao đổi ý kiến; và các phát biểu tại diễn đàn luôn được trích dẫn rộng rãi như quan điểm của các nước.

Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia cuộc họp kéo dài ba ngày từ 3 - 5/6 lần này. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh dư luận trong nước vô cùng bức xúc trước các vụ gây hấn mới của Trung Quốc trong các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo dư luận quốc tế, việc Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ phản đối vụ tàu hải giám Trung Quốc gây hấn tàu khảo sát địa chấn của Tập đoàn Dầu khí PetroVietnam cũng như uy hiếp tàu cá của Việt Nam cho thấy Việt Nam đã không thể im lặng trước các hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc.

“Việt Nam đã tận dụng được cơ hội để cất tiếng nói của mình”

Diễn đàn an ninh khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La lần thứ 10 vừa khai mạc tại Singapore, với sự tham dự của đại diện quốc phòng 35 nước châu Á-Thái Bình Dương.

Hãng tin BBC hôm qua cho rằng như tại những lần diễn đàn trước, Việt Nam được trông đợi sẽ mang tranh chấp Biển Đông ra bàn thảo với các nước liên quan, nhằm thúc đẩy cách tiếp cận đa phương cho tiến trình phức tạp này. Ngay ngày đầu tiên tại diễn đàn, đoàn Việt Nam đã có tiếp xúc song phương với đoàn Trung Quốc để thảo luận các vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và người đồng cấp Trung Quốc Lương Quang Liệt chiều qua đã có cuộc gặp và thảo luận sâu rộng về quan hệ giữa hai nước bên lề Đối thoại Shangri-La.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh chúc mừng ông Lương Quang Liệt lần đầu tiên dự Đối thoại Shangri-La. Ông đánh giá quan hệ Việt - Trung đang phát triển tốt đẹp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh trong quan hệ giữa hai nước còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ sự việc tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 ngày 26/5 đã bị tàu Hải giám của Trung Quốc cắt cáp khi tàu Bình Minh 02 đang hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam “đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại”.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị các cơ quan cấp dưới của hai bên chấp hành nghiêm chỉnh những cam kết của lãnh đạo hai nước; hai bên cần tích cực hợp tác, hết sức kiềm chế để không xảy ra những vụ việc tương tự, điều sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương và hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh sẽ có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể về chủ đề “Đối phó với những thách thức an ninh biển mới”. Ông cho biết bài phát biểu sẽ đề cập đến sự việc tàu Bình Minh 02 một cách khách quan để khu vực và thế giới hiểu đúng.

Về phần mình, ông Lương Quang Liệt nhất trí với đánh giá của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh về quan hệ Việt - Trung đang phát triển tốt đẹp và cũng cho rằng vấn đề còn tồn tại giữa hai nước là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ông cho biết quan điểm của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông là giải quyết thông qua đàm phán ngoại giao; Trung Quốc “cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và thực thi đầy đủ DOC”.

Thượng tướng Lương Quang Liệt nhất trí với ý kiến của Đại tướng Phùng Quang Thanh về việc hai bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các văn kiện khác. “Quân đội hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Chúng tôi không mong muốn sự việc tương tự xảy ra trong tương lai”, ông Lương Quang Liệt khẳng định.

Vẫn theo BBC, lần đầu tiên, Việt Nam cũng sẽ tổ chức họp báo vào sáng 5/6 “để Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh giải thích thêm với giới quan tâm về các điểm trong bài phát biểu của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh với chủ đề 'Phản hồi trước các Đe dọa An ninh Hàng hải mới'”. Dư luận nhận xét đây là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã tận dụng được cơ hội để cất tiếng nói của mình.

Mỹ-Trung và quan hệ với Đông Nam Á

Đoàn Trung Quốc cũng đã có tiếp xúc với đoàn Mỹ ngay chiều hôm qua. Trái với không khí căng thẳng vào cuộc họp năm ngoái, năm nay, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nhấn mạnh đến chiều hướng cải thiện trong quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates mở đầu cuộc họp, nói với Tướng Lương Quang Liệt rằng ông kỳ vọng vào tương lai của mối quan hệ Mỹ Trung Quốc. Tướng Lương Quang Liệt nói ông cũng thấy những tiến bộ tích cực trong quan hệ giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ.

Dù có những lời thân thiện, cuộc họp hôm thứ Sáu đã diễn ra khi Mỹ đang điều tra những cáo giác của Google rằng các tin tặc từ Trung Quốc đã lấy cắp những mật mã email của các giới chức cao cấp Mỹ. Chính phủ Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc về vụ việc này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại Singapore.
Đây là hội nghị thứ năm và cũng là hội nghị an ninh châu Á cuối cùng mà ông Gates tham dự với tư cách Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, trước khi ông từ chức vào ngày 30/6.

Trả lời báo chí trong chuyến bay đưa ông đến Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã xác nhận rằng lần này ông sẽ cho biết thêm chi tiết về chính sách tiếp cận mới của Mỹ tại vùng Đông Nam Á. Dư luận cho rằng nhìn chung, đó sẽ là việc gia tăng quan hệ quân sự của Mỹ với khu vực để làm phương tiện chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Một phần trong chiến lược Đông Nam Á mới của Mỹ sẽ được ông Gates công bố trong bài tham luận đọc tại cuộc Đối thoại Shangri-La, nhưng trước mắt, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã phác họa những nét chính như tăng cường quan hệ quân sự cũng như quan hệ toàn diện với các nước như Singapore, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Australia, cũng như với các đồng minh truyền thống là Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chính quyền Obama đang chuyển hướng chiến lược châu Á, chú ý nhiều hơn đến khu vực Đông Nam Á, sau khi thấy rằng vùng này càng lớn càng trở nên quan trọng về mặt quân sự, ngoại giao và thương mại. Trung Quốc đã tìm cách tăng cường ảnh hưởng trong khu vực trong những năm gần đây, nhưng thái độ của Bắc Kinh đã khiến cho nhiều nước trong vùng quan ngại.

Trước cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc, ông Gates đã gặp Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Thủ tướng Malaysia. Ông Gates cũng đã hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng, người đã cùng ông Gates lên tiếng ủng hộ sự cam kết của Washington ở châu Á và sự hợp tác của Mỹ trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia cũng như tăng cường an ninh trong khu vực.

Nguyễn Viết



tienphong.vn:
Quốc tế
09:08 | 04/06/2011

Điểm báo quốc tế về vấn đề biển Đông

> Phản đối tàu quân sự Trung Quốc uy hiếp tàu cá Việt Nam

TP - Mấy ngày qua, báo chí quốc tế viết nhiều về vấn đề biển Đông với các nước liên quan. Xin điểm qua vài nét chính của bức tranh toàn cảnh chưa đầy đủ này.

Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam
Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam .

Philippines sẽ phản đối ở cấp Liên Hợp Quốc

Trao đổi với báo chí trong chuyến thăm Brunei ngày 2-6, Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino III, cho biết nước ông đang chuẩn bị văn kiện về 6 hoặc 7 trường hợp Trung Quốc xâm nhập hoặc có hành động khiêu khích ở vùng biển phía tây thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines để gửi lên Liên Hợp Quốc.

“Chúng tôi đang hoàn thiện dữ liệu. Chúng tôi sẽ gửi văn kiện này tới Trung Quốc và sau đó gửi lên một cơ quan thích hợp, gần như chắc chắn là Liên Hợp Quốc”, hãng tin AP của Mỹ dẫn lời ông Aquino.

Tổng thống Philippines cho rằng, giải pháp tốt nhất để khẳng định chủ quyền biển đảo là thông qua ngoại giao. Tuy nhiên, ông Aquino III cũng cảnh báo rằng, không có nỗ lực ngoại giao nào có thể ngăn cản Trung Quốc xâm phạm vùng biển tranh chấp.

Ngoài việc phản đối tàu quân sự Trung Quốc xâm phạm hải phận Philippines hồi tháng trước, Philippines cũng gửi công hàm phản đối việc hai tàu tuần tra của hải quân Trung Quốc ngày 2-3 quấy rối tàu khảo sát MV Veritas Voyager của Philippines đang hoạt động trong hải phận nước này.

Báo Philippine Star hôm 2-6 trích thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, cơ quan này triệu tập đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Philippines hôm 31-5 để phản đối sự việc các tàu hải quân Trung Quốc dựng cột trên biển phía tây của Philippines.

Bộ Ngoại giao Philippines yêu cầu ông Bai Tian giải thích việc một tàu hải giám và tàu hải quân Trung Quốc tiến vào khu vực biển phía tây của Philippines. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines, những tàu này đã dỡ nhiều vật liệu xây dựng, dựng một số lượng cột không xác định và thả một chiếc phao ở vùng biển đó.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, ông Albert del Rosario, nói rằng “bất kỳ công trình xây dựng nào của Trung Quốc trên vùng phụ cận chưa có người sinh sống thuộc Iroquois Bank là vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông-DOC” được ký giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc năm 2002. Gần đây, Philippines cũng gửi công hàm phản đối việc 2 tàu tuần tra của Trung Quốc ngày 2-3 quấy rối một tàu khảo sát của Philippines đang hoạt động trong hải phận nước này.

Cuộc triệu tập ngày 31-5 diễn ra sau cuộc họp hôm 27-5 khi Bộ Ngoại giao Philippines bày tỏ quan ngại với Trung Quốc khi truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết nước này có kế hoạch lắp đặt giàn khoan dầu công nghệ tiên tiến nhất trên biển Đông vào tháng 7.

Trong cuộc họp, phía Philippines yêu cầu Trung Quốc chỉ rõ vị trí lắp đặt giàn khoan dầu quy mô lớn và nhấn mạnh Trung Quốc không được xâm phạm lãnh thổ hoặc lãnh hải của Philippines. Trong cả hai cuộc gặp, Philippines và Trung Quốc nhắc lại cam kết của mỗi nước nhằm duy trì ổn định và hòa bình trên khu vực tranh chấp, cũng như cùng nhau duy trì quan hệ song phương tốt đẹp.

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cách đây 2 tuần, Tổng thống Philippines cảnh báo một cuộc chạy đua vũ trang có thể xảy ra nếu Trung Quốc tiếp tục chọc tức Philippines bằng can thiệp quân sự trên các hòn đảo.

Gần 2 năm sau khi Trung Quốc chính thức công bố bản đồ “đường lưỡi bò” 9 đoạn làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng Biển Đông, Philippines bác bỏ giá trị của bản đồ này trong văn kiện gửi Liên Hợp Quốc đề ngày 5-4.

Theo báo Japan Times của Nhật Bản, một giàn khoan dầu khí mà Trung Quốc sắp lắp đặt có thể là hành động khẳng định tham vọng của Bắc Kinh muốn kiểm soát hầu hết quần đảo, vùng biển và đáy biển ở Đông Nam Á, biến biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc. Được thiết kế để chịu đựng bão lớn, giàn khoan dầu quy mô lớn này thuộc về công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc mang tên CNOOC.

Hãng dầu khí lớn nhất Trung Quốc này cho biết sẽ bắt đầu khoan dầu từ tháng 7. Theo báo Global Times của Trung Quốc, giàn khoan sẽ “giúp Trung Quốc khẳng định sự có mặt quan trọng hơn trên khu vực biển phía nam rộng lớn chưa được khai thác”.

Theo Tân Hoa Xã, CNOOC có kế hoạch đầu tư hơn 922 triệu USD để khoan các giếng dầu khí mới nhằm tăng sản lượng dầu khai thác từ các khu vực nước sâu lên gần 500 triệu tấn vào năm 2020. Lượng đầu tư này được cho là sẽ được đổ vào khu vực biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải và biển Đông.

Bản đồ “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để đòi giành chủ quyền trên 80% vùng biển Đông Nguồn: Tuổi Trẻ
Bản đồ “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để đòi giành
chủ quyền trên 80% vùng biển Đông. Nguồn: Tuổi Trẻ.

Đối trọng cân bằng sức mạnh

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, sự ngang ngược của Trung Quốc đang khiến các bên liên quan ở biển Đông hết sức lo ngại. Vì thế, chính sách mà các quốc gia ASEAN theo đuổi sẽ là tìm đối trọng cân bằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc khi nước này công bố vùng lợi ích của họ bao trùm gần như toàn bộ lãnh thổ vùng biển Đông, cũng như sự tấn công, uy hiếp của các tàu hải quân và hải giám Trung Quốc.

Năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói nước Mỹ có “lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải và sự tôn trọng luật pháp quốc tế tại khu vực biển Đông”.

Theo báo The Nation của Thái Lan, nếu không được giải quyết thỏa đáng, những tranh chấp hiện nay sẽ tác động đến sự ganh đua Mỹ-Trung trong khu vực. Chính phủ Philippines tin rằng, bất kỳ vụ tấn công nào đối với tàu của nước này trong khu vực thuộc sự quản lý của họ cũng giống như tấn công trực tiếp vào Mỹ, như được nêu trong Hiệp ước Quốc phòng đã ký giữa Philippines với Mỹ.

Thông tấn xã Bernama của Malaysia hôm 31-5 nói rằng, hải quân Mỹ có kế hoạch tham dự cuộc đối thoại không chính thức của các nước nhằm tìm kiếm chủ quyền trên biển Đông để giải thích lý do sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi nói rằng, sáng kiến này rất quan trọng vì Mỹ muốn nhấn mạnh sự hiện diện của họ nhằm duy trì ổn định trong khu vực được coi là giàu tài nguyên dầu khí này. “Họ cũng muốn bảo đảm rằng, tài nguyên thiên nhiên được chia sẻ và phục vụ nhu cầu phát triển của các nước”, ông Hamidi nói sau khi đón tiếp Đô đốc hải quân Mỹ Robert Williard hôm 31-5.

Theo báo The Nation của Thái Lan, tranh chấp ở biển Đông đe dọa quan hệ ASEAN - Trung Quốc sau 15 năm thực hiện chính sách ngoại giao thận trọng. Quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục được thử thách mạnh. Nếu không có bộ quy tắc mang tính ràng buộc thì khó dự đoán khu vực biển Đông sẽ có hòa bình và ổn định lâu dài hay không.

* Hoàng Sa là một quần đảo san hô nằm trong khoảng vĩ độ 15o45’ đến 17o15’ Bắc, kinh độ 111o đến 113o Đông, án ngữ ngang cửa vào Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) thuộc tỉnh Quảng Ngãi khoảng 120 hải lý.

Quần đảo gồm trên 30 hòn đảo, bãi đá, cồn san hô và bãi cạn nằm trên một vùng biển rộng từ tây sang đông khoảng 100 hải lý, từ bắc xuống nam khoảng 85 hải lý, chiếm diện tích biển khoảng 15.000-16.000 km2.

* Quần đảo Trường Sa ở về phía đông nam nước ta trong khoảng vĩ độ 6o50’ đến 12o bắc; kinh độ 111o 30’ đến 117o20’ đông, gồm hơn một trăm hòn đảo, đá, cồn san hô và bãi san hô, nằm rải trên một vùng biển rộng từ tây sang đông gần 350 hải lý, từ bắc xuống nam hơn 360 hải lý, chiếm diện tích biển từ 160.000 đến 180.000 km2.

Đảo gần đất liền nhất là đảo Trường Sa, cách vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà) khoảng 250 hải lý. Các đảo của quần đảo Trường Sa thấp hơn các đảo của quần đảo Hoàng Sa. Độ cao trung bình trên mặt nước từ 3 đến 5m.

Việt Nam là nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và là quốc gia duy nhất quản lý liên tục, hòa bình, phù hợp các quy định của luật pháp quốc tế đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

TTXVN


Thái An tổng hợp


Thứ bảy, 4/6/2011, 09:11 GMT+7

Châu Á không cần phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc

Các nước châu Á không nên đặt mình trước sự lựa chọn làm đồng minh của Mỹ hay Trung Quốc, và cần tránh tình trạng đơn cực kiểu Chiến tranh Lạnh trong khu vực, Thủ tướng Malaysia nhấn mạnh trong lời khai mạc diễn đàn an ninh châu Á.

Thay vì lựa chọn, châu Á cần đẩy mạnh hợp tác với Mỹ - siêu cường quân sự của thế giới; và với Trung Quốc - một cường quốc đang lên, nhằm giải quyết các vấn đề an ninh khu vực như chống nạn buôn người, khủng bố, buôn lậu thuốc phiện và phổ biến hạt nhân, Thủ tướng Najib Razak nói.

"Trung Quốc là đối tác của chúng ta và Mỹ cũng là đối tác của chúng ta", AP dẫn phát biểu của Najib hôm qua. "Chúng ta không đứng hẳn về bên nào".

"Chúng ta phải thay đổi chủ nghĩa lưỡng cực của Chiến tranh Lạnh, nhưng không phải bằng một lưỡng cực khác mà bằng chủ nghĩa đa cực".

Nhân viên an ninh đứng gác trước khách sạn Shangri-la, nơi bộ trưởng quốc phòng các nước tham gia Diễn đàn an ninh. Ảnh: AFP
Nhân viên an ninh đứng gác trước khách sạn Shangri-la, Singapore, nơi bộ trưởng quốc phòng các nước tham gia Diễn đàn an ninh. Ảnh: AFP

Chiều qua Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt. Hôm nay ông Gates sẽ có bài phát biểu tại Diễn đàn, dự kiến nhằm nhấn mạnh vai trò cũng như cam kết hiện diện quân sự lâu dài trong khu vực. Bài phát biểu của ông Lương đưa ra một ngày sau đó, nói về hợp tác an ninh quốc tế của Trung Quốc.

Tướng Phùng Quang Thanh của Việt Nam cũng có bài phát biểu tại phiên thảo luận toàn thể, với chủ đề đối phó với các thách thức an ninh biển mới.

Đối thoại Shangri-la quy tụ 28 phái đoàn quốc phòng an ninh đến từ các nước. Thành phần tham dự Đối thoại có những người đứng đầu chính phủ, các bộ trưởng quốc phòng, các tổng tư lệnh hoặc tham mưu trưởng quân đội. Đây là diễn đàn an ninh đa phương quan trọng nhất của châu Á Thái bình dương, diễn ra thường niên kể từ năm 2002, do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tổ chức.

Thanh Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét