hứ Năm, 02/06/2011 - 10:41
Luật sư Nguyễn Bá Diến - Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế:
>> Biển Đông là không thể xâm phạm
>> Phản đối Trung Quốc cấm đánh bắt tại Biển Đông
PGS-TS-luật sư Nguyễn Bá Diến - Giám đốc Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế nhấn mạnh.
Ông đánh giá thế nào khi công luận Việt Nam đã lên tiếng mạnh mẽ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng, nhưng Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn tuyên bố “Hoạt động của tàu hải giám Trung Quốc với Việt Nam là hoàn toàn hợp lý”?
Đó là cách thức của Trung Quốc: Dù không phải của họ vẫn tuyên bố là của họ. Ví dụ như tuyên bố đường lưỡi bò, họ ngang nhiên đưa ra tuyên bố một cách phi pháp, trái luật pháp quốc tế. Từ xưa đến nay chưa có trường hợp nào một nước lại đơn phương tự đứng ra vạch định ranh giới nằm sát ven bờ biển của các quốc gia khác. Khi thì họ tuyên bố vùng nước nằm trong đường lưỡi bò đó thuộc chủ quyền, khi thì nói là thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc, khi thì nói có tính chất lịch sử. Ngay bản thân tuyên bố cũng mập mờ. Ngay cả trong tiền lệ luật pháp chưa từng có khái niệm nào về một vùng nước như thế cả.
Từ ngàn đời nay, ngư dân Việt Nam vẫn bám biển mưu sinh và giữ vững lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc. Ảnh: TTXVN
Hành động của Trung Quốc đã vi phạm một cách nghiêm trọng Công ước về Luật Biển năm 1982 cũng như Tuyên bố về quy tắc ứng xử trên biển Đông ký giữa ASEAN và Trung Quốc. Đâu là lý do để Trung Quốc ngang ngược đến vậy?
Trung Quốc có hơn 700 tờ báo và hằng ngày vẫn ra rả đưa tin rằng “Việt Nam đang ngang nhiên xâm lược tài nguyên Trung Quốc”. Không những thế, họ còn đưa ra các lệnh về những vùng cấm đánh bắt trên biển Đông. Họ ngang ngược như vậy đấy!
Thậm chí, họ còn bắt các tàu cá của Việt Nam đánh bắt tại Hoàng Sa, Trường Sa dù đây là các quần đảo của ta. Về căn cứ pháp lý, ta có đầy đủ cơ sở để khẳng định đó là vùng hải đảo của Việt Nam, dù Trung Quốc đã dùng vũ lực để đánh chiếm Hoàng Sa. Họ bắn chìm tàu hải quân của Việt Nam, bắn giết binh sĩ của Việt Nam. Cần nhớ, Trung Quốc là thành viên Hội đồng Bảo an.
Lẽ ra, một quốc gia lớn, là thành viên thường trực của HĐBA phải gương mẫu, phải tuân theo Hiến chương LHQ là không sử dụng vũ lực, giải quyết mọi tranh chấp bằng phương pháp hoà bình. Thế nhưng, Trung Quốc không hề làm theo. Ngay cả về mặt tuyên truyền, từ báo lá cải đến tạp chí lớn như tạp chí Quốc tế Trung Quốc đăng hàng loạt công trình về biển đảo, họ tự cho có quyền sở hữu đa phần tại biển Đông. Họ đưa ra những chứng cứ hết sức ngụy tạo nhằm thực hiện phương châm “100 lần nói dối thì thành sự thực”.
Trung Quốc đã có cả một chiến lược để biến biển Đông thành “sân nhà”. Vậy chiến lược của Việt Nam phải làm gì để giữ vững chủ quyền biển đảo?
Đó là sử dụng sức mạnh dân tộc, truyền thống muôn đời của ông cha. Chúng ta phải đoàn kết từ các nhà lãnh đạo cao cấp đến người dân thường. Đồng thời, Việt Nam phải chú trọng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực là các chuyên gia về công nghệ biển, đào tạo các luật sư, các thẩm phán, trọng tài sư giỏi về luật biển để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh trường kỳ với Trung Quốc. Ta cần chú ý đến nghiên cứu khoa học về biển để dù ra trước các thể chế luật pháp quốc tế hay trong đàm phán song phương với Trung Quốc, chúng ta có đủ chứng cứ pháp lý vững chắc.
Việt Nam có nên khởi kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế về Luật Biển, thưa ông?
Hoàn toàn nên. Ngoài việc phản đối về mặt ngoại giao, ta có thể thực hiện một số hoạt động ngoại giao pháp lý khác. Chẳng hạn Chính phủ Việt Nam có thể gửi khiếu nại lên Hội đồng Bảo an, Đại Hội đồng LHQ. Tiếp đó, ta có thể nghiên cứu khởi kiện Trung Quốc trước các thiết chế quốc tế như Toà án Luật Biển, Toà án Công lý quốc tế. Đây là những chu trình rất phức tạp và ta phải nghiên cứu cụ thể từ thủ tục, trình tự đến nguyên tắc của các cơ quan này.
Xin cảm ơn ông!
Theo Phương Thuỷ
Báo Lao động
Tiêu điểm
Lòng yêu nước là sức mạnh vĩ đại của một đất nước
Báo chí không thể đứng ngoài cuộc, các tổ chức nghề nghiệp khác cũng không thể khoanh tay. Đại diện của Liên đoàn Luật sư VN cũng thông báo, ngày 3/6, theo thông lệ quốc tế, liên đoàn sẽ chính thức đưa ra tuyên bố về mặt pháp lý phản đối việc tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và cản trở, phá hoại tài sản của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vào ngày 26/5. Bản tuyên bố này căn cứ vào luật pháp quốc tế hiện hành.
Giới doanh nhân cũng thể hiện lòng yêu nước bằng cách của mình. Ông Lê Hùng Dũng - chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) mang 1 tỉ đồng đến báo Tuổi Trẻ đóng góp cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa” cùng với câu nói: “Chúng tôi đóng góp vì tự thấy trách nhiệm của công dân, trách nhiệm của doanh nghiệp khi lòng yêu nước thúc giục” .
Một trang web bán tour đi du lịch Trung Quốc cũng tham gia bằng cách ra thông báo: Những thông tin gần đây cho thấy Trung Quốc ngày càng lấn tới và ngang nhiên xâm lấn chủ quyền VN…Tuy rằng đó không phải là hành động của tất cả người dân Trung Quốc, nhưng để nêu cao tinh thần yêu nước, CANA tạm ngưng tất cả các tour đi Trung Quốc và tháo gỡ các thông tin du lịch Trung Quốc ra khỏi trang web.
Trước đây, có rất nhiều vụ tàu Trung Quốc tấn công tàu cá của ngư dân, nhiều người trở về trong sợ hãi, có người tuyên bố bỏ nghề đi biển. Nhưng lần này, không ai sợ hãi, tất cả đều quyết tâm ra khơi. Nhiều ngư dân Quảng Ngãi, Phú Yên khảng khái cho rằng đi biển bây giờ là để góp phần bảo vệ chủ quyền của quốc gia trên biển. Một đất nước mà ngay cả một người dân làm nghề đánh cá cũng có ý thức bảo vệ chủ quyền thì đó chính là sức mạnh vĩ đại.
Lê Chân Nhân
|
Theo UBND tỉnh Phú Yên, hiện nay tàu nước ngoài, đặc biệt là phía Trung Quốc đang tăng cường hoạt động, tổ chức tuần tra kiểm soát tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để tranh chấp và cho rằng chủ quyền thuộc về họ nên đã tổ chức uy hiếp nhằm tạo sự lo ngại để ngư dân ta không vào hoạt động tại vùng đánh bắt của mình.
Trước đó, lúc 10 giờ ngày 1.6, trạm biên phòng phường 6 thuộc đồn biên phòng 352 (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên) đã nhận được thông tin trên biển của ông Lê Văn Giúp (SN 1962) - thuyền trưởng tàu cá PY-92305TS ở phường 6, cho biết: trong lúc tàu cá của ông cùng với 3 tàu cá của ngư dân trong phường 6 đang hành nghề câu cá ngừ đại dương cách đảo Đá Đông 15 hải lý về phía đông nam thì bị 3 tàu của Trung Quốc có số hiệu 989, 27 và 28 dùng súng bắn xuống nước uy hiếp, không cho tàu cá của ngư dân đánh bắt ở đó.
Sau đó, 4 tàu cá của ngư dân bỏ đi chỗ khác, không có thiệt hại về người và tài sản.
Đức Huy
thanhnien.com.vn:
|
Nhiều tổ liên kết sản xuất, giúp ngư dân Bình Thuận bám biển đến cùng - ảnh: Quế Hà |
Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, tỉnh này hiện có đội tàu 8.500 chiếc; trong đó có đến 1.700 tàu có công suất trên 90 CV (tức là có thể đánh bắt xa khơi).
Khi đề cập tới tàu nước ngoài quấy phá, ngư dân Nguyễn Văn Ca (47 tuổi, ngụ thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) quả quyết: “Không có lý gì lại sợ họ khi mình đánh bắt cá ngay trên biển của nước mình. Chúng tôi đã gặp tàu nước ngoài trên biển của mình nhiều lần. Với sự hỗ trợ lẫn nhau của các tàu trong tổ sản xuất liên kết trên biển, cuối cùng tàu nước ngoài cũng phải bỏ chạy ra khỏi vùng biển của ta".
Tính đến nay, ở Bình Thuận đã thành lập trên 400 “tổ liên kết sản xuất trên biển” do Bộ đội biên phòng chủ trì. Theo ông Huỳnh Quang Huy: "Các tổ viên là những chủ tàu lớn. Họ hỗ trợ cho nhau về thông tin ngư trường; giúp nhau trong việc cứu hộ, cứu nạn khi thời tiết xấu và đặc biệt là dựa vào nhau mỗi khi bị tàu nước ngoài tấn công”. Để giúp ngư dân bám biển, Bình Thuận đã trang bị máy bộ đàm ICOM cho khoảng 1.400 tàu và thành lập 8 tổng đài trên bờ luôn nối thông tin với các tàu ngoài khơi.
Một trinh sát của Bộ đội biên phòng cho biết: "Thông tin chúng tôi nắm được nhanh nhất chính là nhờ các thành viên ở tổ liên kết, khi họ ở ngoài khơi. Nhờ vậy mà những năm qua các vụ “tàu lạ” đến Bình Thuận chúng tôi đều nắm nhanh nhất để có hướng giải quyết".
Quế Hà
thanhnien.com.vn:
|
Trong lúc kêu gọi xử lý vấn đề biển Đông trong vòng nội bộ, yêu cầu các bên kiên nhẫn và kiềm chế, Trung Quốc đã vạch sẵn chiến lược lâu dài cho tham vọng tại khu vực hàng hải trọng yếu ở châu Á. Hành động gần đây nhất là hạ thủy giàn khoan dầu lớn và hiện đại nhất của nước này. Được thiết kế chống bão và hoạt động ở độ sâu 3.000m, giàn khoan của Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) trị giá gần 1 tỉ USD, theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo.
|
Tham vọng vạch sẵn
Trước nay Bắc Kinh luôn tuyên bố chủ quyền đến hơn 80% biển Đông, với cái “lưỡi bò” liếm đến tận Indonesia. Với giọng điệu thường thấy, Trung Quốc vu cáo cho các nước xung quanh biển Đông lâu nay liên tục hút trộm tài nguyên dầu khí của nước này, “gây thất thoát 20 triệu mét khối dầu hằng năm”.
Trước lúc tung ra giàn khoan nói trên, Trung Quốc chỉ mới giới hạn hoạt động thăm dò dầu và khí đốt đơn phương ở khu vực bắc biển Đông, nơi đang tranh chấp với Đài Loan. Giờ đây, theo Tân Hoa xã, CNOOC lên kế hoạch đầu tư 31 tỉ USD để khoan 800 giếng dầu nằm sâu dưới lòng biển theo kế hoạch khai thác đến 500 triệu tấn dầu vào năm 2020. Tiềm năng dầu khí to lớn của biển Đông dĩ nhiên không nằm ngoài kế hoạch này.
Trung Quốc đặt giàn khoan gần đảo Bình Nguyên Theo AFP, Bộ Ngoại giao Philippines hôm qua chính thức phản đối Trung Quốc về các hoạt động gây hấn gần đây trên biển Đông, đồng thời cũng chất vấn phái bộ Trung Quốc tại Manila về địa điểm mà Bắc Kinh dự định đặt giàn khoan khổng lồ nói trên. Hải quân Philippines vừa phát hiện tàu Trung Quốc đặt phao và bốc dỡ các thiết bị xây dựng ở vị trí cách đảo Bình Nguyên (Flat Island) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 40 km. |
Được chế tạo với chi phí 923 triệu USD, giàn khoan của CNOOC cao tương đương tòa nhà 45 tầng, nặng 31.000 tấn, trên đỉnh là boong rộng 90m, dài 114m, bằng kích cỡ một sân bóng đá tiêu chuẩn. Theo thiết kế của Tập đoàn Đóng tàu quốc gia Trung Quốc, giàn khoan này có thể khoan sâu đến 12.000m dưới đáy biển. Sau khi nhận được công cụ khai thác, CNOOC cho hay sẽ lập tức triển khai hoạt động khoan dầu tại biển Đông vào tháng 7. Chưa vội bàn đến khả năng Trung Quốc có sử dụng hải quân để bảo vệ giàn khoan mới hay không, bản thân công cụ này đã gây trở ngại thực sự cho mục tiêu giải quyết tranh chấp biển Đông theo hướng hòa bình. Bất cứ nỗ lực nào từ các thành viên ASEAN nhằm giới hạn hoạt động của giàn khoan khổng lồ trên biển Đông sẽ đứng trước nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa.
Việt Nam cần tăng cường giám sát
Trao đổi với Thanh Niên qua thư điện tử, giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc cho hay đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994, Trung Quốc có hành động quấy nhiễu tàu thăm dò Việt Nam tại khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Sau sự kiện tàu hải giám áp sát tàu nghiên cứu hải dương của Philippines tại Bãi Cỏ Rong, rõ ràng Trung Quốc đang có hành động leo thang nhằm củng cố tuyên bố đơn phương rằng biển Đông đang nằm dưới “quyền thực thi pháp lý” của Bắc Kinh và rằng Trung Quốc đang “quản lý” biển Đông, giáo sư Thayer nhận định.
Để đối phó tình trạng trên, chuyên gia Úc cho rằng Việt Nam cần phải chuẩn bị chiến lược thông tin hiệu quả, đồng thời tăng cường khả năng giám sát vùng EEZ cũng như cung cấp sự bảo vệ đối với các tàu thăm dò. Theo ông, Việt Nam có thể vạch ra kế hoạch dài hạn để có đủ tàu bè và máy bay tuần tra liên tục vùng EEZ nhưng đồng thời cần thận trọng, bình tĩnh trước các hành động gây hấn. Ngoài ra, Việt Nam nên tận dụng tốt khoảng thời gian từ đây đến cuối năm khi Indonesia còn nắm quyền Chủ tịch luân phiên ASEAN để thúc đẩy giải quyết vấn đề biển Đông theo hướng hòa bình, hợp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận đã ký. Indonesia không tham gia trực tiếp vào tranh chấp ở biển Đông cũng như tương đối độc lập trong các mối quan hệ ở khu vực.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về mục đích của Trung Quốc khi tăng cường quấy rối tại biển Đông vào thời điểm này, giáo sư Thayer cho rằng bên cạnh việc phô bày sức mạnh đang lên và chứng tỏ rằng đây là “ao nhà” của mình, Trung Quốc còn hy vọng có thể chia rẽ được khối đoàn kết ASEAN, khiến một số thành viên cảm thấy rằng tốt nhất là không nên đối đầu với nước này. Cũng theo ông, tại Trung Quốc đang có nhiều trường phái với quan điểm khác nhau về chiến lược xâm lấn biển Đông.
Một chuyên gia khác là giáo sư Peter Dutton thuộc Học viện Hải quân Mỹ thì khẳng định với Thanh Niên rằng, tuyên bố về EEZ của Việt Nam hoàn toàn đúng với Công ước LHQ về Luật biển. Ông Dutton nhận định Trung Quốc đang muốn khẳng định vị thế trong các cuộc tranh cãi tại biển Đông nhằm buộc Việt Nam phải từ bỏ chủ quyền hợp pháp của mình. Ngoài ra, Bắc Kinh đang nỗ lực phát đi thông điệp rằng mình sẵn sàng hỗ trợ các đối tác trong khu vực về kinh tế, thương mại và cơ sở hạ tầng với cái giá là biển Đông phải thuộc về họ, ông Dutton nói.
ASEAN cần hợp tác với bên ngoài Hội thảo quốc tế về biển Đông tại Indonesia hôm 31.5 kêu gọi các nước ASEAN hợp tác với một số quốc gia khác để đáp lại sự lấn lướt của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở biển Đông. Hội thảo do Trung tâm Habibie, cơ quan nghiên cứu độc lập của Indonesia, và Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á (CAAS) của Ấn Độ phối hợp tổ chức tại thủ đô Jakarta, với sự tham gia của khoảng 150 nhà nghiên cứu, chuyên gia quốc tế. Chuyên gia Dewi Fortuna Anwar của Trung tâm Habibie nhìn nhận: “Biển Đông không chỉ là quyền lợi của các quốc gia liên quan trực tiếp đến cuộc tranh chấp”. Đồng tình với luận điểm này, học giả Baladas Ghoshal, chuyên gia Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu xung đột và hòa bình ở New Delhi, nhấn mạnh: “Điều có thể làm là liên kết với các nước Ấn Độ, Mỹ, và Nhật. Cùng các nước này, toàn khối có thể gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng anh không thể làm bất cứ điều gì anh muốn với ASEAN”. Thục Minh |
Thụy Miên - Minh Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét