Thứ Ba, 31/05/2011, 23:55
(ANTĐ) - Ngày 31-5, trao đổi với báo chí, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 197 thành phố Hà Nội, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, TP chưa cấm xích lô du lịch ở thời điểm này. Tuy vậy, mọi vi phạm liên quan tới xích lô sẽ được kiểm tra, xử lý nhằm chấn chỉnh công tác quản lý loại phương tiện này.
Hà Nội tập trung chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xích lô du lịch |
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, khu vực phố cổ hiện có tới hơn 1.000 xích lô du lịch đang hoạt động. Điều đáng nói là chỉ có 264 chiếc có đăng kiểm, số còn lại đều là xích lô “dù”. Cũng theo kết quả kiểm tra, hầu hết lái xe xích lô là người ngoại tỉnh, không có chứng chỉ hành nghề. Xe xích lô “dù” hoạt động cũng rất phức tạp, thường xuyên vi phạm dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, đi thành đoàn 20-25 chiếc (theo quy định chỉ được đi 5 chiếc), các xe đi quá sát nhau...
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh khẳng định: “TP chưa cấm xích lô du lịch ở thời điểm này. Song tất cả các vi phạm liên quan tới xích lô vẫn phải được kiểm tra, xử lý nhằm chấn chỉnh lại quản lý loại phương tiện này. Trong tương lai, TP sẽ tính tới việc bỏ xích lô nhưng thời điểm chưa xác định. Xích lô không phù hợp với một thành phố hiện đại và đông dân như Hà Nội. Đương nhiên, việc này cũng phải được sự đồng thuận của xã hội mới làm”.
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh nhấn mạnh, đội ngũ hành nghề lái xe xích lô dứt khoát phải được chấn chỉnh, phải đi đúng lộ trình, dừng đỗ, đón khách đúng quy định. Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động đón trả khách bằng phương tiện xích lô cũng phải có trách nhiệm, nếu không quản lý được, thành phố sẽ xem xét đình chỉ hoạt động. Về số xe xích lô “dù” hoạt động ngoài luồng, tới nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phạt hành chính 254 trường hợp vi phạm, tạm giữ 84 xe, trong đó có 81 chiếc không có biển kiểm soát, không có giấy tờ...
Liên quan tới xử lý vi phạm tại các điểm trông giữ xe, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cho biết, hầu hết các điểm trông giữ được kiểm tra đều có vi phạm dưới các dạng chủ yếu như hoạt động không phép, trốn thuế, thu phí cao hơn quy định... Giám đốc CATP nói: “Chúng tôi sẽ tổng kiểm tra toàn bộ các điểm trông giữ xe. Nếu không có giấy phép, sẽ đình chỉ hoạt động. Sau đó, sẽ xem xét, nếu điểm trông giữ nào phù hợp với tổ chức giao thông thì cấp phép cho hoạt động. Ngược lại, điểm nào ảnh hưởng giao thông thì dứt khoát loại bỏ”.
Thông tin tới báo chí về tổ chức giao thông khu phố cổ, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh cho biết, hiện nay, các sở, ngành chức năng đang tập trung nghiên cứu với ý tưởng tổ chức phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và trục Hàng Đào - Hàng Ngang - Đồng Xuân. “Đề xuất ban đầu là thí điểm đi bộ vào thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ, tết. Nếu thành công sẽ tiếp tục mở rộng ra các tuyến phố khác. Đây là việc khó nhưng cần phải làm để bảo vệ được không gian, cảnh quan hồ Hoàn Kiếm cũng như khu vực phố cổ. Tất nhiên, cùng với tổ chức phố đi bộ, Hà Nội sẽ lập các điểm trông giữ xe cho người dân cũng như tổ chức bến xe buýt, điểm đỗ taxi... để phục vụ người có nhu cầu...”. Giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, ý tưởng này đang được Sở GT-VT nghiên cứu rất cẩn thận, bao gồm cả việc điều tra xã hội học, nhằm đảm bảo tính toán được tất cả các vấn đề phát sinh khi tổ chức phố đi bộ. “Phải có được sự đồng thuận của nhân dân, chúng tôi mới làm” - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Gần 7 tỷ USD phát triển giao thông Hà Nội Chiều 31-5, Sở GT-VT Hà Nội đã công bố dự thảo kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông vận tải TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Hà Nội sẽ tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông thêm từ 0,3-0,5%/năm để đến 2015, tỷ lệ này đạt từ 8,5-9%. Riêng đất dành cho giao thông tĩnh đạt 5%. Hà Nội cũng sẽ phát triển thêm 12 tuyến xe buýt lên tổng số 77 tuyến đến năm 2015, đưa lượng hành khách sử dụng phương tiện xe buýt lên 777 triệu lượt hành khách/năm. TP dự kiến xây dựng khoảng 50 bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe lắp ghép hoặc bãi đỗ xe ngầm trong khu vực nội đô. Đồng thời, tập trung đầu tư các công trình giao thông khung như hoàn thiện các tuyến đường quốc lộ, hướng tâm, vành đai, đường kết nối trong nội đô, các cầu qua sông, cầu vượt cho người đi bộ… Hà Nội còn đề nghị các bộ, ngành sớm xem xét, đề xuất cơ chế chính sách hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn. Tổng nhu cầu vốn cho kế hoạch này lên tới 145.540 tỷ đồng, tương đương gần 7 tỷ USD. Hà Nội hiện có khoảng 6,9 triệu dân, chưa kể khách vãng lai. Mỗi tháng, CATP cấp đăng ký mới cho 30.000 xe máy và 3.000 ô tô, bằng với số ô tô hiện có của tỉnh Điện Biên. |
Chính Trung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét