Những phút căng thẳng trên tàu Bình Minh 02

VietNamNet
Tàu Trung Quốc đã tránh được tàu bảo vệ và hướng về phía cáp địa chấn. Khi chỉ còn cách tàu Bình Minh 02 và cáp thu địa chấn 500m, Tàu Bình Minh 02 liên tục liên lạc với 3 tàu này nhưng không nhận được câu trả lời. Thuyền trưởng kéo còi cảnh báo nguy hiểm nhưng các tàu Trung Quốc phớt lờ, tiếp tục tiếp cận cáp địa chấn...

Tối ngày 25-5-2011, vào lúc 20h30’, sau khi có kết quả báo cáo về thu nổ và báo cáo về lãnh đạo của Tổng Công ty Thăm dò và Dịch vụ Dầu khí (PTSC), thuyền trưởng Alexander Belov cho tàu khảo sát địa chấn 2D Bình Minh 02 bắt đầu thu nổ Line PK10-127 theo hướng đông nam.

Hôm nay đã là ngày thứ 38, tàu Bình Minh 02 làm nhiệm vụ thăm dò khảo sát địa chấn bằng phương pháp thu nổ tại lô 125-126 và 148-149 thuộc vùng lãnh hải của Việt Nam. Mấy ngày này, sóng yên biển lặng, nên công việc tiến hành được vượt mức thời gian quy định. Phía xa, bằng mắt thường cũng thấy ánh đèn của tàu bảo vệ Vạn Hoa 739 và tàu Đông Nam 01 cùng con tàu cứu hộ Bình An 01. Với anh em cán bộ, kỹ sư trên tàu Bình Minh 02 thì hình ảnh hai con tàu bảo vệ và tàu cứu hộ là rất đỗi quen thuộc. Nhưng họ chẳng bao giờ được thấy mặt nhau mà chỉ được nghe tiếng của nhau trên máy bộ đàm.

Tàu Hải giám 84 Trung Quốc xâm phạm Lãnh hải Việt Nam.

Tới 01h45’ ngày 26-5-2011, tàu hoàn thành thu nổ Line PK10-127 và tàu tiếp tục xoay vòng để vào thu nổ Line kế tiếp là Line PK10-131 theo hướng tây bắc.

Nhưng đến 05h00’ ngày 26-5, khi phương đông mới ửng hồng màu mang cá trên màn hình radar đài chỉ huy của Thuyền trưởng Belov, xuất hiện 1 tàu lạ chạy với vận tốc lớn là 14 hải lý. Khoảng 5 phút sau, trên màn hình radar phát hiện thêm 2 tàu lạ cũng chạy với tốc độ 14Kts, và có hướng di chuyển vào phía khu vực tàu Bình Minh 02 đang khảo sát. Khoảng cách từ 3 tàu lạ tới tàu Bình Minh 02 khoảng 11 hải lý. Ngay lập tức, Thuyền trưởng Alexander Belov ra lệnh báo động, đồng thời cho Đội trưởng Phạm Khôi (quốc tịch Canada) liên lạc liên tục với 3 tàu này. Nhưng không nhận được câu trả lời. Lúc này, tàu Bình Minh 02 ở vị trí 12045’05’’N và 111025’04’’E và cách đường ranh giới 84 hải lý về phía đát liền.

Nghe lệnh báo động, các thủy thủ cũng như toàn thể cán bộ, kỹ sư trên tàu dù đang ngủ cũng vùng dậy và chạy lên boong. Bằng mắt thường, mọi người cũng thấy 3 con tàu lạ đang hung hăng rẽ sóng xông thẳng tới. Chẳng cần phải nhìn thấy số hiệu, các anh cũng đoán biết đây là tàu Trung Quốc. Thời gian gần đây, ngày càng nhiều những vụ tàu đánh cá của Trung Quốc ngang nhiên vào đánh bắt cá trong khu vực đặc quyền kinh tế biển của ta. Các anh cũng biết ngày 5-5 vừa rồi, Trung Quốc đã cho thành lập Chi đội Tây Nam Trung Sa trực thuộc Tổng đội Hải giám Nam Hải để tuần tra trên biển Đông. Tổng đội này có 3 chi đội và 10 đại đội, tổng cộng có 13 tàu tuần tra và có 3 trực thăng.

05h02’, ngay sau khi phát hiện 3 tàu lạ, Thuyền trưởng Belov đã huy động 2 tàu bảo vệ Vạn Hoa 739 và Đông Nam 01 chạy với tốc độ tối đa, tiếp cận và yêu cầu 3 tàu lạ kia không đi vào hướng của tàu Bình Minh 02, đồng thời hạ lệnh thả cáp thu tín hiệu địa chấn (Streamer), bộ phận quan sát tín hiệu (Observer Dept) chìm sâu xuống biển để tránh ảnh hưởng khi tàu Trung Quốc đi qua.

- 05h05’, điều chỉnh Streamer chìm sâu xuống dưới 15m.

- 05h12’, điều chỉnh Streamer chìm sâu xuống dưới 20m.

- 05h27’, Streamer được điều khiển chìm sâu xuống 25m

Và tới 05h35’, Streamer được điều khiển chìm sâu xuống 30m.

Cáp địa chấn của tàu Bình Minh 2 bị tàu Trung Quốc cắt.

Lúc 05h18’, 2 tàu bảo vệ của ta đã tiếp cận được 3 tàu lạ và xác định được tên tàu, vị trí các tàu. Đây là 3 tàu Hải giám Trung Quốc: CHINA MARINE SURVEILLANCE 84; CHINA MARINE SURVEILLANCE 72 và CHINA MARINE SURVEILLANCE 17. Trong 3 con tàu này thì tàu 84 mới hạ thủy ngày 8-5, và đây là chuyến đi biển đầu tiên của nó.

Đến 05h25’, tàu số 84, với tốc độ lớn và có lợi thế là góc cua hẹp đã tránh được sự ngăn cản của tàu bảo vệ Vạn Hoa 739, rồi xông tới đường cáp để cắt.

Thấy tình hình tàu Trung Quốc quá hung hăng như vậy, tàu bảo vệ Đông Nam 02 tăng tốc chặn tàu 84, còn tàu Vạn Hoa 739 hướng về phía 2 tàu còn lại MCS72; MCS17.

Tới 05h37’, tàu TQ đã tránh được tàu bảo vệ và hướng về phía cáp địa chấn và chỉ còn cách tàu Bình Minh 02 và cáp thu địa chấn 500m, Tàu Bình Minh 02 liên tục liên lạc với 3 tàu này nhưng không hề nhận được câu trả lời. Thuyền trưởng đã kéo còi cảnh báo nguy hiểm nhưng các tàu Trung Quốc đã phớt lờ vẫn tiếp tục tiếp cận sát cáp địa chấn.

Đến 05h58’, tàu Hải giám TQ mang tên: CHINA MARINE SURVEILLANCE 84 đã cắt đứt cáp địa chấn tại vị trí Bird số 6, trong khoảng Section số 8 (do bộ phận Observer báo lên rằng mất tín hiệu từ vị trí này) tức là khoảng hơn 2/3 chiều dài cáp địa chấn (6-7km) đã bị đứt rời lại phía sau. Ngay lập tức tàu Đông Nam 02 được huy động tăng hết tốc độ tới để bảo vệ phao đuôi. Tàu Bình An 01 và Vạn Hoa 739 được huy động tới vị trí cáp bị đứt theo dõi phao cứu cáp SRD. Phao cấp cứu có màu vàng sẽ nổi lên mặt nước trong trường hợp khẩn cấp khi cáp thu bị chìm sâu. Đây là một loại phao thiết kế bung tự động khi áp lực nước biển đặt lên nó vừa đủ. Khi cáp chìm xuống dưới độ sâu lớn hơn 40m áp lực vừa đủ đặt lên thiết bị cảm ứng, phao khí sẽ được tự động được kích hoạt, khí sẽ được bơm vào đầy phao, đẩy phao nổi lên và giữ cho cáp địa chấn không bị chìm xuống quá sâu. Nhờ đó công tác tìm kiếm và cứu cáp được dễ dàng trong trường hợp khẩn cấp. Vị trí của tàu Bình Minh 02 khi bị cắt cáp lúc 05h58’ là: 12048’25’’N và 111026’05.65”E.

Trong lúc tình hình xảy ra, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Khảo sát và Công trình ngầm PTSC (PTSC G&S) làm việc trên tàu Bình Minh 02 liên tục cập nhật thông tin, báo cáo Ban Giám đốc Công ty và Lãnh đạo Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt nam (PTSC) để báo cáo Lãnh đạo Tập đoàn.

Chuẩn bị nối cáp sau khi bị tàu Trung Quốc phá hoại.

Ngay lập tức Lãnh đạo Tổng Công ty PTSC nhận được sự chỉ đạo từ Ban Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) là cán bộ, thuyền viên trên tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ hết sức bình tĩnh để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Khẩn trương thu hồi cáp đứt, thực hiện kiểm tra, đánh giá tình hình, tăng cường cảnh giới và theo dõi các động thái tiếp theo của các tàu TQ, kịp thời báo cáo một cách liên tục.

Ngay sau nhận được sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn. Đại diện Công ty PTSC G&S phối hợp với thuyền trưởng, đội trưởng trên tàu cho bộ phận nguồn nổ (Gun Dept.) nhanh chóng thu 4 dãy súng lên tàu. Điều động 3 tàu bảo vệ theo sát bảo vệ đoạn cáp bị đứt. Tàu Đông Nam 02 được huy động tăng hết tốc độ tới phao đuôi để bảo vệ phao đuôi. Tàu Bình An 01 và Vạn Hoa 739 được huy động tới vị trí cáp bị đứt, nhanh chóng tìm kiếm vị trí cáp đứt nhờ vị trí phao cứu cáp trong trường hợp khẩn cấp (phao màu vàng).

Đến 06h10’, tàu bảo vệ Đông Nam 02 đã kiểm soát được phao đuôi.

- 06h15’, tàu Bình An 01 và Vạn Hoa 739 báo cáo đã xác định được các vị trí phao cứu cáp “SRDs” màu vàng nổi trên mặt nước. Tàu Bình An 01 chuẩn bị dùng biện pháp vớt và neo giữ vị trí cáp bị cắt. Tàu Vạn Hoa 739 được huy động ra bảo vệ khoảng giữa của đoạn cáp bị đứt.

- 06h30’, các tàu bảo vệ đã hoàn toàn kiểm soát được đoạn cáp bị đứt.

- 06h41’, tàu Bình Minh 02 hoàn thành việc thu 4 dãy súng. Bắt đầu thu đoạn Streamer chưa bị cắt lên tàu.

- Tới 06h45’, tàu Hải giám TQ liên lạc lại với tàu Bình Minh 02: Nữ phát ngôn viên trên tàu Hải giám 84 gọi và thông báo tàu Bình Minh 02 đã “xâm phạm chủ quyền lãnh hải Trung Quốc thực hiện công việc khảo sát trái phép”, đồng thời yêu cầu tàu Bình Minh 02 lập tức rời khỏi khu vực khảo sát này. Thuyền trưởng đã trả lời khẳng định, tàu Bình Minh 02 đang thực hiện khảo sát trên vùng biển thuộc chủ quyền nước CHXHCN Việt Nam và không vi phạm lãnh hải thuộc chủ quyền Trung Quốc. Phát ngôn viên TQ một lần nữa thông báo lại rằng: Tàu Bình Minh 02 đã “xâm phạm chủ quyền lãnh hải Trung Quốc thực hiện công việc khảo sát trái phép và tàu Bình Minh 02 phải rời khỏi khu vực này”. Thuyền trưởng tàu Bình Minh 02 vẫn trả lời khẳng định rằng, tàu Bình Minh 02 không xâm phạm chủ quyền lãnh hải của TQ, và thông báo tàu Hải giám của TQ đã cắt đứt thiết bị khảo sát của tàu Binh Minh 02. Yêu cầu tàu Hải giám TQ tạo điều kiện để tàu Bình Minh 02 thu hồi lại thiết bị khảo sát. Từ lúc này tàu TQ không có câu trả lời lại.

Tới 07h40’, tàu Bình Minh 02 hoàn thành công việc thu đoạn cáp chưa bị cắt lên tàu với khoảng chiều dài khoảng hơn 1km, từ vị trí số 1 tới vị trí số 5. Đến 8h00’ vị trí của tàu Bình Minh 02 là 12043’06’’N và 111026’03”E, tàu Bình an 01 kéo theo đoạn cáp bị cắt chạy song song với tàu Bình Minh 02, tàu Vạn Hoa 739 bảo vệ đoạn giữa cáp, tàu Đông Nam 01 bảo vệ phao đuôi. Tất cả chuẩn bị cho việc chuyển cáp từ tàu Bình An 01 sang tàu Bình Minh 02.

Lúc này, tình hình an ninh đã đảm bảo hơn. 3 tàu Hải giám Trung Quốc không còn theo đuổi tàu Bình Minh 02 nữa nhưng chạy quanh với thái độ đe dọa.


Tới 08h45’, vị trí tàu Bình Minh 02 là 12046’05’’N và 111026’04”E, thuận lợi cho việc chuyển cáp từ tàu Bình An 01 sang tàu Bình Minh 02. Qua trao đổi giữa đại diện Công ty PTSC G&S với Đội trưởng Phạm Khôi) thì thấy có thể thay thế phần này ngay trên tàu, vì tàu có đủ cáp địa chấn dự phòng đảm bảo cho công tác khảo sát địa chấn trên biển trong thời gian dài. Điều này có thể giúp cho tàu Bình Minh 02 nhanh chóng quay lại thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh mà lãnh đạo Tập đoàn đã chỉ đạo.

Và vào hồi 018h17’ ngày 26-5, bộ phận quan sát tín hiệu đã hoàn thành công việc kiểm tra, sửa chữa và thả cáp địa chấn chuẩn tàu chuẩn bị vào thu nổ Line tiếp theo trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Như vậy, với tinh thần và trách nhiệm làm việc lên cao của tất cả các bộ phận trên tàu Bình Minh 02 cũng như 3 tàu bảo vệ, khoảng thời gian từ lúc cáp địa chấn bị cắt tới lúc hoàn thành công việc khắc phục sự cố đưa tàu vào ổn định SXKD bình thường chỉ mất 12h35’ (từ 05h58’ tới 18h17’ ngày 26-5).

Do công việc sửa chữa và triển khai cáp địa chấn hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch, nên tới 06h22’ ngày 27-5 tàu Bình Minh 02 chính thức bắt đầu thu nổ Line PK10-083, thực hiện kế hoạch thăm dò khảo sát trên vùng biển trên lãnh hải Việt Nam như đã định.

“Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, những hiệp định phân định chủ quyền trên biển của Việt Nam, bao gồm Hiệp định phân định chủ quyền trong Vịnh Thái Lan với Thái Lan năm 1997, hiệp định phân định chủ quyền trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000 và hiệp định chủ quyền thềm lục địa với Indonesia, đều được đàm phán dựa trên Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật biển 1982 (UNCLOS)

- Trước chủ trương, chiến lược và hành động của Trung Quốc trên biển, Việt Nam đã nhiều lần dựa trên UNCLOS để khẳng định chủ quyền của mình.

- Quan điểm của Việt Nam là tranh chấp biển và thềm lục địa phải được giải quyết dựa trên UNCLOS.

- Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của UNCLOS.

- Việt Nam và Trung Quốc đã tuyên bố chung là phải có giải pháp cơ bản mà hai bên chấp nhận được. “Chấp nhận được” không thể là “nước mạnh làm gì họ muốn, nước yếu chấp nhận những gì mình đành phải chấp nhận”, mà phải dựa trên lẽ công bằng như UNCLOS đòi hỏi và thí dụ như được thể hiện trong UNCLOS.

- Các nước khác, thí dụ như Mỹ, cũng cho là tranh chấp Biển Đông phải được giải quyết theo luật quốc tế chứ không phải bằng cách chiếm đoạt”.


Theo Petrotimes.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét