Thái - Campuchia ra tòa quốc tế vì tranh chấp lãnh thổ

VnExpress:
Thứ hai, 30/5/2011, 20:43 GMT+7

Thái Lan và Campuchia hôm nay gặp nhau tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên Hợp Quốc, nhằm giải quyết những vấn đề quanh đền Preah Vihear.

Campuchia muốn thông qua ICJ yêu cầu Thái Lan rút ngay quân đội đang đồn trú quanh khu vực ngôi đền cổ Preah Vihear, nơi xảy ra giao tranh ác liệt trong vài tháng qua, AFP đưa tin.
"Chúng tôi muốn ICJ nhanh chóng đưa ra những biện pháp tạm thời để bảo vệ hòa bình và tránh sự leo thang xung đột vũ trang tại khu vực này", phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong tuyên bố. Quan chức này đồng thời là người đại diện của Campuchia tại Tòa án Công lý Quốc tế.
Phái đoàn Campuchia tại ICJ gồm
Phái đoàn Campuchia tại ICJ gồm Bộ trưởng cao cấp Var Kim Hong (giữa) và phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong (thứ hai bên phải). Ảnh: AFP
Ông Hor Namhong nói trước ban hội thẩm gồm 16 thẩm phán tại phiên tòa của ICJ tại The Hague, Hà Lan: "Thái Lan cần phải giao ước việc rút quân khỏi khu vực quanh đền Preah Vihear và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Campuchia."
Tuy nhiên, phía Thái Lan tỏ ra không hề nao núng. Bangkok Post hôm nay dẫn lời Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cho hay phái đoàn Thái Lan đã có sự chuẩn bị tốt, để đại diện cho quốc gia này trước ICJ, trong phiên tòa giải quyết tranh chấp biên giới với Campuchia. Thái Lan cho rằng Tòa án Công lý Quốc tế không có quyền hạn pháp lý để phân định biên giới của các nước trên thế giới.
Năm 1962, ICJ đã ra phán quyết Campuchia có quyền sở hữu đền Preah Vihear. Tuy nhiên, cả Thái Lan và Campuchia cùng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực 4,6 km2 quanh ngôi đền, khiến giao tranh liên tục xảy ra tại đây.
Chính phủ Campuchia tháng trước yêu cầu tòa án này giải thích rõ hơn về phán quyết này trong bối cảnh những tranh chấp với Thái Lan ngày một nghiêm trọng. Trong khi đó, Thái Lan cho rằng phán quyết của ICJ chỉ liên quan tới Preah Vihear, chứ không bao gồm cả khu vực tranh chấp xung quanh ngôi đền cổ này.
Phái đoàn Thái Lan tại ICJ gồm
Phái đoàn Thái Lan tại ICJ gồm Đại sứ tại Hà Lan Virachai Plasai, Tổng giám đốc cơ quan Các hiệp ước và Vấn đề pháp lý Ittiporn Boonpracong và Bộ trưởng Ngoại giao Kasit Piromya. Ảnh: AP
"Thái Lan sẵn sàng tranh luận về các đòi hỏi của Campuchia tại bất cứ đâu, và tôi muốn người dân Thái tin tưởng rằng chính phủ có thể bảo vệ tốt nhất lợi ích của đất nước", Thủ tướng Abhisit nói. Ông đồng thời khẳng định việc Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) của UNESCO chưa thông qua kế hoạch quản lý đền Preah Vihear của Campuchia là giải pháp tốt nhất lúc này.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Campuchia Sok An hôm qua cho hay: "Campuchia có đầy đủ các tài liệu hợp pháp được cộng đồng quốc tế công nhận, để chứng minh rằng kế hoạch quản lý đền Preah Vihear được thực hiện trên lãnh thổ Campuchia." Ông Sok An tin tưởng kế hoạch này sẽ sớm được thông qua.

Các đợt giao tranh hồi cuối tháng 4 và đầu tháng 5 tại biên giới Thái Lan - Campuchia đã khiến ít nhất 18 người thiệt mạng, trong khi khoảng 85.000 người khác phải đi di tản.
Phan Lê

vnexpress.net :
Thứ ba, 26/4/2011, 07:21 GMT+7

Campuchia tố Thái Lan phá đền cổ

Campuchia hôm qua cáo buộc binh sĩ Thái Lan đã phá hoại những ngôi đền cổ ở khu vực xảy ra giao tranh đẫm máu từ tuần trước.
Binh sĩ Campuchia đứng gác tại một ngôi làng gần biên giới với Thái Lan. Ảnh: AFP.
Binh sĩ Campuchia đứng gác tại một ngôi làng gần biên giới với Thái Lan. Ảnh: AFP.
Giao tranh giữa hai bên bắt đầu nổ ra hôm 22/4 gần hai nhóm đền tranh chấp - theo tiếng Thái là Ta Kwai và Ta Muen còn tiếng Khmer gọi là Ta Krabei và Ta Moan. Hai nhóm đền này nằm trong rừng, cách xa khu vực đông du khách.
Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết binh sĩ Thái Lan đã phá hoại đền song không nói rõ chi tiết. "Chúng tôi vẫn chưa xác định được mức độ thiệt hại ở những ngôi đền này", phát ngôn viên Quốc phòng Chhum Socheat cho hay.
Kể từ khi bạo lực bùng phát hôm 22/4, 7 binh sĩ Campuchia và 5 lính Thái Lan đã thiệt mạng. Giao tranh tiếp tục xảy ra chiều qua. Hai bên luôn đổ tội cho đối phương kích động bạo lực trước.
Khoảng 20.000 dân thường đã phải di tản tới 16 trại tạm trú ở Thái Lan trong khi phía Campuchia có tới 17.000 người phải đi sơ tán. Một số người như Suwech Yodsri, công dân Thái Lan 47 tuổi, ở lại để giữ tài sản. "Tôi rất sợ nhưng phải bảo vệ làng khỏi bị cướp bóc", AFP dẫn lời ông cho biết.
Đây là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất kể từ tháng 2 sau khi Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn vì tranh cãi liên quan tới ngôi đền cổ Preah Vihear. Giao tranh xảy ra trong thời điểm nhạy cảm đối với Thái Lan khi Thủ tướng Abhisit Vejjajiva sắp giải tán hạ viện để chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào đầu tháng 7.
Abhisit bày tỏ hy vọng tình hình ở biên giới sẽ cải thiện trước khi ông gặp người đồng nhiệm Campuchia Hun Sen trong hội nghị thượng đỉnh khu vực đầu tháng 5. "Chúng tôi không muốn căng thẳng leo thang. Chúng tôi muốn mọi việc trở lại bình thường vì nó đã ảnh hưởng tới cả hai nước", ông nói.
Phát biểu này cũng trùng với quan điểm của Washington khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton kêu gọi cả hai bên kiềm chế. "Mỹ vẫn quan ngại sâu sắc về giao tranh giữa các lực lượng an ninh dọc theo biên giới Thái Lan-Campuchia", bà nói.
Quan hệ Thái Lan và Campuchia đã xấu đi kể từ khi ngôi đền Preah Vihear được công nhận là di sản quốc tế hồi tháng 7/2008. Tòa án Quốc tế ra phán quyết năm 1962 rằng ngôi đền thuộc về Campuchia song cả hai bên đều khẳng định chủ quyền khu vực 4,6 km vuông quanh đền.
Mai Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét