Thứ Hai, 30/05/2011, 16:02 (GMT+7)
TTO - Đức đặt mục tiêu đóng cửa toàn bộ các lò phản ứng hạt nhân của nước này muộn nhất là vào năm 2022, các nhà lãnh đạo của liên minh cầm quyền hiện giờ tuyên bố ngày 30-5, một phản ứng sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản gây ra lo ngại tại Đức.
Thủ tướng Đức Merkel (giữa) - Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, theo Reuters, quyết định này có thể vấp phải sự chống đối mạnh mẽ từ nhiều phía. Thỏa thuận trên đạt được sau một cuộc họp thâu đêm giữa các chính trị gia hàng đầu nước Đức ở văn phòng thủ tướng và được Bộ trưởng môi trường Robert Roettgen công bố sáng 30-5. “Chắc chắn hạn chót cho ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng là năm 2022”, ông Roettgen nói.
Sau trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản vào tháng 3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải rút lại quyết định gây tranh cãi đưa ra vài tháng trước đó gia hạn thêm thời gian hoạt động cho các lò phản ứng hạt nhân cũ kỹ ở Đức, nơi hầu hết cử tri phản đối sử dụng năng lượng hạt nhân.
Cuối tuần trước, hàng chục nghìn người đã biểu tình ở gần các nhà máy này để đòi đóng cửa chúng. Chính sách hạt nhân đã gây tranh cãi dữ dội ở Đức và là một vấn đề giúp tăng cường uy tín cho Đảng Xanh, đảng đã giành quyền kiểm soát bang trước giờ vẫn ủng hộ Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel, Baden-Wuerttemberg, trong cuộc bầu cử tháng 3. Đa số của bà Merkel tại Thượng viện Đức đã không còn từ năm ngoái sau khi Đảng CDU mất quyền kiểm soát bang Bắc Rhine-Westphalia.
Theo ông Roettgen, liên minh cầm quyền muốn đóng cửa vĩnh viễn tám nhà máy cũ nhất trong số 17 nhà máy điện hạt nhân hiện giờ. Bảy nhà máy trong số này đã bị tạm đóng cửa vào tháng 3, sau sự cố Fukushima. Một nhà máy khác đã bị đóng cửa nhiều năm nay. Sáu nhà máy nữa cũng sẽ bị đóng cửa vào năm 2021. Ba nhà máy còn lại, những nhà máy mới nhất của Đức, sẽ hoạt động tới năm 2022. Trước khi các nhà máy bị đóng cửa ba tháng trước, điện hạt nhân chiếm 23% tiêu thụ điện ở Đức.
H.MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét