Căn cứ quân sự Libya bị chiếm giữ

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Hai, 21/02/2011, 10:30 (GMT+7)

Biểu tình ở Bắc Phi, Trung Đông:

Căn cứ quân sự Libya bị chiếm giữ

* Biểu tình lan sang Morocco * Tunisia đòi dẫn độ ông Ben Ali * Ai Cập bổ nhiệm nhân vật đối lập đầu tiên làm bộ trưởng

TTO - Các cuộc đụng độ lớn giữa những người biểu tình và lực lượng trung thành với Tổng thống Qaddafi đã lan đến thủ đô Tripoli của Libya trong ngày 20-2, trong khi biểu tình đã bắt đầu xuất hiện ở quốc gia Morocco lân cận, theo AP.

Trong ngày 20-2, lần đầu tiên kể từ khi bạo loạn bùng phát tại Libya, thủ đô Tripoli đã chứng kiến cảnh hàng ngàn người biểu tình đụng độ với những người ủng hộ Tổng thống Gadhafi.

Người biểu tình chống Tổng thống Gadhafi bên ngoài Đại sứ quán Libya tại London - Ảnh: AP

Hiện số người thiệt mạng do bạo động suốt năm ngày qua ở Libya đã lên 233 người, theo Tổ chức Human Rights Watch.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia tối 20-2, Seif al-Islam Gadhafi, con trai của nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi, cho biết người biểu tình đã chiếm giữ một số căn cứ quân sự và xe tăng; đồng thời cảnh báo làn sóng biểu tình phản đối chính phủ trong sáu ngày qua có thể dẫn tới một cuộc nội chiến tại quốc gia Bắc Phi này.

Ông Seif al-Islam Gadhafi cũng hứa nếu các cuộc biểu tình dịu đi thì “ngay ngày mai”, Libya sẽ bắt đầu tiến hành một số cải cách như thiết lập một bản hiến pháp (hiện giờ chưa có tại Libya), cũng như nới lỏng các biện pháp hạn chế gây bất mãn cho người dân.

Seif al-Islam khẳng định quân đội vẫn ủng hộ cha ông, song thừa nhận quân đội đã mắc sai lầm trong thời gian diễn ra các cuộc biểu tình do không được huấn luyện để ứng phó với tình huống này.

AP dẫn một số báo cáo cho biết Chính phủ Libya đang từ từ mất quyền kiểm soát thành phố Benghazi. Trong khi đó, Reuters dẫn lời Habib al-Obaidi - giám đốc Bệnh viện Al-Jalae tại trung tâm Benghazi - nói một số đơn vị quân đội chính phủ đã tìm đến bệnh viện, tuyên bố đào ngũ sang phe biểu tình và tham gia tấn công lực lượng cảnh vệ của Tổng thống Gadhafi.

Ông al-Obaidi cũng nói rằng bệnh viện của ông đã tiếp nhận hàng chục nạn nhân chết hoặc bị thương vì súng đạn, bao gồm cả đạn súng phóng lựu.

Trong một diễn biến khác, Abdel Ehuni - đại sứ của Libya tại Liên đoàn Ả Rập - đã bất ngờ từ chức. Nói với kênh truyền hình Al Jazeera, ông Ehuni cho biết mình từ chức để phản đối “việc giết hại những người vô tội” và cho rằng chính quyền của ông Gadhafi chỉ còn tồn tại ngày một ngày hai vì đã “mất đi sự ủng hộ của người dân”.

Còn AP dẫn lời Shaikh Faraj al Zuway, thủ lĩnh bộ tộc Al-Zuwayya - bộ tộc lớn nhất Libya, kêu gọi ông Gadhafi từ chức và đe dọa sẽ cắt đứt nguồn xuất khẩu dầu từ Libya đến các quốc gia phương Tây trong vòng 24 giờ tới nếu chính quyền không chấm dứt việc đàn áp biểu tình.

Biểu tình lan sang Morocco

Theo AP, tại Morocco một phong trào mang tên “Cuộc vận động ngày 20-2” đã xuất hiện trên Facebook và được 10.000 người hưởng ứng. Trong ngày 20-2, nhiều người dân đã xuống đường biểu tình tại các thành phố lớn, trong đó ở thủ đô Rabat là từ 3.000-5.000 người, kêu gọi cải cách dân chủ và hạn chế quyền lực của nhà vua Mohammed VI.

Đa số các cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, mặc dù có ghi nhận về việc những người biểu tình đụng độ với cảnh sát tại thành phố Marrakesh.

Biểu tình tại thủ đô Rabat, Morocco ngày 20-2 - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của các cuộc biểu tình tại Morocco thấp hơn nhiều so với Tunisia hay Ai Cập vì nhiều lý do, theo tờ New York Times.

Khác với Tunisia hay Ai Cập, nhà vua Mohammed VI - người thực sự cầm quyền ở Morocco - nhận được sự tôn trọng của người dân nước này, những người gọi ông là “vị vua của người nghèo” và là một biểu tượng của cải cách. Tâm lý của người dân Morocco cũng không thực sự muốn bất ổn leo thang do lo ngại sự trỗi dậy của các phong trào Hồi giáo cực đoan.

Tunisia đòi dẫn độ ông Ben Ali

Chính phủ lâm thời Tunisia đã chính thức yêu cầu Saudi Arabia dẫn độ ông Ben Ali để xét xử về các cáo buộc giết hại người biểu tình trong cuộc bạo loạn vừa qua ở Tunisia, theo BBC.

Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Tunisia tố cáo ông Ben Ali đã “phạm những tội ác nghiêm trọng”, và do đó yêu cầu Saudi Arabia dẫn độ ông Ben Ali cũng như cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng sức khỏe của ông này, theo AFP. Ông Ben Ali được cho là đang nằm viện điều trị sau khi trải qua một cơn đột quỵ.

Trong khi đó, hôm qua, hàng ngàn người biểu tình đã tụ họp tại thủ đô Tunisia đòi chính phủ chuyển tiếp từ chức. Đây là ngày thứ hai liên tiếp biểu tình diễn ra tại thủ đô Tunis.

Trong một diễn biến khác, Ai Cập đã bổ nhiệm ông Mounir Abdel Nour - tổng thư ký đảng đối lập Wafd - vào vị trí bộ trưởng du lịch, theo Reuters.

Ai Cập bổ nhiệm nhân vật đối lập đầu tiên làm bộ trưởng

Một thay đổi khác trong chính phủ lâm thời Ai Cập bao gồm việc bãi bỏ chức vụ bộ trưởng thông tin. Trước đó chức vụ này dưới chính quyền Mubarak được giao cho ông Anas Fiki, người đang bị cảnh sát thẩm vấn. Các chức bộ trưởng nội vụ, tư pháp và ngoại giao đều được giữ nguyên.

XUÂN TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét