Tổng thống Moammar Gaddafi đã buộc phải xuất hiện và phát biểu trên truyền hình trong 22 giây. Ông Moammar Gaddafi cũng bác bỏ thông tin về việc đã chạy trốn sang Venezuela. Tuy nhiên, những lời nói của Tổng thống chỉ càng khiến cho đám đông biểu tình thêm tức giận. Trong khi đó, lãnh đạo các quốc gia và cả Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã bày tỏ sự phẫn nộ trước thông tin chính quyền Libya bắn vào người biểu tình bằng máy bay quân sự.
Ông cảnh báo Libya đang cấu thành hành động vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế. Các ngoại trưởng EU cũng ra tuyên bố chung lên án vụ trấn áp tại Libya. Tổng thư ký LHQ đã yêu cầu Libya phải dừng hành động này ngay lập tức và yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp tại Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Libya vào tối 22/2.
Từng đoàn người xếp hàng chờ đón người nhà từ Libya trở về Jordan để tránh bạo loạn. Ảnh: Reuters. |
Chưa hết, ông Ban Ki-moon còn đích thân điện thoại nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Moammar Gaddafi về tình hình ở Libya và gợi ý một số giải pháp nhằm giải tán đám đông quá khích bằng biện pháp hòa bình, đối thoại. Hãng tin Reuters đưa tin, các nhà ngoại giao LHQ cũng đã có cuộc gặp gỡ với Phó Đại sứ Libya Ibrahim Dabbashi tại trụ sở ở New York và được thông báo rằng, phái đoàn ngoại giao Libya tại Liên hợp quốc đứng về phía những người biểu tình và kêu gọi ông Moammar Gaddafi phải ngừng các hoạt động trấn áp, cải tổ chính trị và có những biện pháp cải cách xã hội để giúp người dân trong cơn khủng hoảng kinh tế và bão giá.
Một số nhà ngoại giao của Libya tại Malaysia, Ấn Độ, Bangladesh cũng đệ đơn xin từ chức để gây áp lực tới chính phủ. Còn trong quân đội, một nhóm sĩ quan cao cấp đang kêu gọi ủng hộ phe đối lập, lật đổ Tổng thống Moammar Gaddafi. Đài truyền hình Al Arabiya cho hay, Bộ trưởng Tư pháp Libya cũng đã từ chức để phản đối việc sử dụng bạo lực đối với người biểu tình. Hiện quân đội Libya đã rút lực lượng khỏi các vùng biên giới ở Ai Cập để hỗ trợ cảnh sát tại các thành phố có biểu tình. Việc kiểm soát vùng biên được trao lại cho các đơn vị dân quân.
Căng thẳng chính trị ngày càng gia tăng ở Libya còn dấy lên mối quan ngại về sự an toàn của công dân nước ngoài tại nước này. Trong kế hoạch sơ tán công dân về nước, hãng hàng không Lufthansa của Đức đã tăng thêm các chuyến bay. Pháp thì khuyên các chuyên gia nước này đóng cửa trường học và rời khỏi Libya.
Tây Ban Nha cũng đang khẩn trương sơ tán các công dân của họ từ thành phố Benghazi, nơi sân bay bị đóng cửa, đến thủ đô Tripoli. Nga đã điều 4 máy bay của Bộ Tình trạng khẩn cấp tới Libya để đưa các công dân Nga về nước trong khi Bồ Đào Nha tuyên bố sẽ điều máy bay quân sự C-130 để sơ tán công dân của mình khỏi quốc gia Bắc Phi này.
Đến chiều 22/2, không phận của thủ đô Tripoli đã được mở cửa cho máy bay C-130 của không quân Áo chở nhóm 62 người châu Âu đầu tiên, gồm các công dân Áo, Đức, Pháp và Hà Lan rời khỏi Libya. Một tàu của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã rời cảng Istanbul và dự kiến tới Libya vào tối 22/2 để đón công dân nước này về nước. Riêng các nước thuộc khu vực Trung Đông, Bắc Phi, kế hoạch sơ tán người dân khỏi Libya đã được thực hiện 3 ngày nay
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét