24/02/2011 - 12:43 AM
Cao trào, Diệu Hà dùng bàn là đang nóng là trực tiếp lên tay, chân. Sau đó, cô bình tĩnh ngắt những mảnh da bị bỏng bỏ vào những quả bóng da heo rồi gói lại cột nơ. Trả lời sau chương trình, Diệu Hà cho biết cô muốn gửi thông điệp: xây dựng phá hủy đến người xem. Tuy nhiên, xem những gì mà cô trình diễn, khán giả không khỏi tránh cảm giác sợ hãi, rùng rợn. Trước đây, vào tháng 8-2010, tại Hà Nội, Diệu Hà cũng giới thiệu một trình diễn của cô đã làm tại Nhật. Trong buổi trình diễn tại Nhật đó, cô đã dùng dao cạo râu cạo lông bộ phận kín, dùng dao rạch rồi châm thuốc hút gí vào vết đau.
Tự nhận mình là nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật, Lại Thị Diệu Hà ít nhiều định hướng cách nghĩ, cách hành động của khán giả. Vậy mà những gì cô trình diễn là hủy hoại cơ thể của bản thân. Dù có cố ý hay không, những điều mà Diệu Hà đang làm phần nào cổ súy cho trào lưu tự hành xác. Nhất là những thiếu niên trầm cảm, họ dễ bắt chước những cách trên để tìm cảm giác. Theo bác sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh (BV Nhi đồng 1), những người có cơ địa thiếu chất norepinephrine hoặc serotonine sẽ có xu hướng hủy hoại bản thân để giải tỏa căng thẳng. Chúng ta không khỏi lo ngại những người này chứng kiến màn trình diễn của Diệu Hà và tiếp nhận nó như một gợi ý về phương cách giải tỏa căng thẳng và làm theo.
Một lần biểu diễn khác, Diệu Hà đã khỏa thân 100%, lấy keo thoa lên người sau đó phủ lông chim. Nhà nước đã có quy định về xử phạt mức “hở” và những hành vi phản cảm của nghệ sĩ biểu diễn. Có ca sĩ mặc áo hở cổ hoặc “trễ tràng” đã bị phạt bạc triệu, sao nghệ sĩ này được tự do 100% vậy nhỉ?
TRÀ GIANG - VIẾT THỊNH
30/08/2010 - 09:47 AM
Nhiều “cái mới” được các nghệ sỹ đưa vào tác phẩm đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Nghệ thuật trình diễn tác động trực tiếp tới công chúng
Diễn “chui”
Dư luận xôn xao việc nghệ sỹ Lại Thị Diệu Hà đã gây sốc khi thực hiện tác phẩm “Bay lên” tại Nhà sàn Đức, ngõ 462 đường Bưởi. Chị đã lần lượt trút bỏ trang phục trên người cho đến khi nude hoàn toàn rồi đổ lên người một chất bám dính để từ đó những chiếc lông màu xanh bám dày đặc trên cơ thể như một chú chim màu xanh cất cánh bay lên. Chưa biết nội dung tác phẩm được công chúng đón nhận ra sao nhưng việc trình diễn của nghệ sỹ Lại Thị Diệu Hà không qua bước thẩm định tác phẩm đã cho thấy có những vấn đề phải bàn trong việc quản lý nghệ thuật trình diễn và sự phát triển của loại hình nghệ thuật này ở Việt Nam. Việc tự do công bố tác phẩm sẽ kéo theo những hệ lụy đáng lo ngại về chất lượng và mục đích của tác phẩm.
Tìm hiều sâu xa về công tác quản lý nghệ thuật trình diễn Việt Nam đã cho thấy những lúng túng và khó khăn ngay từ khi loại hình nghệ thuật này được du nhập vào Việt Nam. Bởi xét ở nhiều góc độ, nghệ thuật trình diễn nửa thuộc mỹ thuật, nửa thuộc các hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tình trạng này đã kéo dài một thời gian, sau đó, dưới sự phân công của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc quản lý các hoạt động của nghệ thuật trình diễn được giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn mà không phải là Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm. Tuy nhiên, tác phẩm nghệ thuật trình diễn thực hiện tại địa phương nào lại do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đó cấp phép.
Màn trình diễn gây sốc của nghệ sỹ Lại Thị Diệu Hà
Và theo đánh giá của nghệ sỹ Phạm Văn Trường, người từng đoạt giải nhất với tác phẩm “Những dấu hỏi” trong cuộc thi tìm kiếm tài năng nghệ thuật trình diễn do Quỹ văn hoá Đan Mạch tài trợ, thủ tục cấp phép của tác phẩm trình diễn khá đơn giản. Nghệ sỹ cần ghi hình lại màn biểu diễn trước khi thực hiện và gửi đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được thẩm định và cấp phép. Nhưng điều đáng nói, cho dù thủ tục không quá rườm rà nhưng các nghệ sỹ hầu hết đều rất ngại việc xin cấp phép. Từ đó, tình trạng trình diễn “chui” tại các studio riêng đã diễn ra.
Cần có tiếng nói chung
Lý giải cho điều trên, nghệ sỹ Đào Anh Khánh, một trong những người được coi như tiên phong cho nghệ thuật trình diễn tại Việt Nam cho rằng các nghệ sỹ và các nhà quản lý còn chưa tìm được tiếng nói chung, cái nhìn của những thẩm định nghệ thuật còn quá khắt khe. Trong khi đó, việc thực hiện tác phẩm đối với nghệ sỹ cũng giống như những công việc khác trong xã hội, là một nhu cầu tự thân như ăn, mặc, ở. Nên khi không nhận được sự đồng tình của người thẩm định thì tác phẩm sẽ được chuyển sang nhiều dạng từ chính thức sang bán chính thức hay tự phát.
Tuy nhiên, điều mà ai cũng hiểu rằng, việc tác phẩm chưa qua thẩm định mà biểu diễn trực tiếp trước công chúng quả là một điều nguy hiểm. Bởi nghệ thuật xưa nay luôn là một hình thức truyền tải những tâm tư, tình cảm của người nghệ sỹ đến trực tiếp khán giả. Vì thế, khi người nghệ sỹ quá đề cao “cái tôi” của mình thì công tác quản lý và định hướng sáng tác cần trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trao đổi với phóng viên về việc quản lý các tác phẩm nghệ thuật trình diễn, ông Phạm Đình Thắng, Trưởng phòng Quản lý băng đĩa và biểu diễn, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Trong quy chế hoạt động nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật trình diễn không đuợc coi là một hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp. Những tác phẩm không qua khâu thẩm định và cấp phép tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương đều vi phạm quy chế. Không ai có thể cấm được người cố tình vi phạm. Còn trong trường hợp nghệ sĩ biểu diễn không xin phép, khi sự việc bị phát hiện thì Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ có công văn gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương nơi diễn ra hoạt động nghệ thuật trình diễn đó đề nghị làm rõ sự việc và giải quyết”.
Như vậy, cách làm “Tiền trảm hậu tấu” của các nghệ sỹ đương đại chỉ được các cơ quan chức năng vào cuộc khi sự việc bị phát hiện qua các kênh thông tin đại chúng, qua người dân. Còn nếu không, nhiều tác phẩm không qua khâu kiểm duyệt về nội dung có ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục vẫn mặc nhiên được trình diễn trước công chúng tại các studio riêng. Vậy thì, để quản lý nghệ thuật trình diễn được hiệu quả hơn, rất cần sự tự giác và trách nhiệm của người nghệ sỹ. Sau đó, là sự tăng cường trách nhiệm quản lý văn hóa của thanh tra văn hóa cấp cơ sở và các nhà quản lý. Bên cạnh đó, còn là công tác tuyên truyền phổ biến các quy chế biểu diễn để cá nhân, tổ chức tuân thủ đúng quy định của Nhà nước và mục đích cuối cùng là để nghệ thuật mang đến cái đẹp cho công chúng.
Theo Phạm Thu Hương (ANTĐ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét