Thứ Năm, 24.2.2011 | 15:11 (GMT + 7)
Các nhà lãnh đạo thế giới hôm nay đã đồng loạt lên án mạnh mẽ hành động đàn áp đẫm máu những người biểu tình của chính quyền Libya do ông Muammar Gaddafi đứng đầu.
Libya đang bên bờ nội chiến. |
Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra phát biểu đầu tiên trước công chúng, lên án hành động trấn áp người biểu tình là "thái quá" và "không thể chấp nhận được", khiến hàng trăm người thiệt mạng sau 10 ngày bạo loạn và đẩy giá dầu thế giới lên mức cao, đe doạ sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Obama kêu gọi cả thế giới phải "chung một tiếng nói" và riêng Mỹ đã có hàng loạt lựa chọn để hành động đơn phương hoặc cùng với các nước đồng minh. Đến khi đó, chính phủ Libya sẽ phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình - ông Obama tuyên bố.
Theo Ngoại trưởng Italia, có thể có tới 1.000 người bị giết hại ở Libya. Chưa có con số thống kê chính thức về số quân và lính đánh thuê Châu Phi bắn vào dòng người biểu tình ở quốc gia chiếm 2% sản lượng dầu của thế giới này.
Hàng nghìn người nước ngoài, từ bác sĩ cho đến các nhà thầu dầu khí, tháo chạy khỏi Libya qua các cảng biển và biên giới. Một nhân viên người Anh đã kêu gọi London giải cứu hàng chục người dân nước này đang bị mắc kẹt ở sa mạc và nói rằng dân làng có vũ trang đã ăn cắp xe ô tô và đồ tiếp tế của họ.
Làn sóng bạo loạn lan tới những thành phố như Benghazi, Tobruk và cả thành phố phía tây Misrata, cách thủ đô Tripoli 200km về phía đông. Ở Tripoli, tình hình có vẻ yên ổn hơn, nhưng người dân địa phương không dám bước chân ra ngoài vì sợ trúng đạn pháo của lực lượng ủng hộ chính phủ.
Trữ lượng dầu mỏ lớn đã khiến Libya - một quốc gia dân cư thưa thớt trải dài từ Địa Trung Hải vào sâu sa mạc Sahara - trở thành một nhà đầu tư quan trọng đối với các nền kinh tế phương Tây.
Chính vì vậy, bất đồng giữa các cường quốc lớn trên thế giới về cách thức phản ứng với bạo loạn ở quốc gia này khiến cộng đồng quốc tế dè dặt hơn trong việc đưa ra hành động tức thì.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí về một tuyên bố hôm thứ 3 kêu gọi chấm dứt bạo lực. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho hay, một nghị quyết chính thức yêu cầu Liên hợp quốc hành động chưa thể ra đời ngay lập tức.
Tại Brussels, đại sứ các nước EU nhất trí sẵn sàng áp đặt các biện pháp chống lại Libya nếu cần thiết. Một số chính phủ, bao gồm cả Italia cảnh báo nhiều mối đe doạ đối với nền kinh tế nếu như nguồn cung cấp dầu và khí đốt bị gián đoạn.
Trong khi đó, ông Gaddafi, người nắm quyền Libya kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 1969, đã hứa sẽ "quét sạch từng ngôi nhà" ở Libya để đè bẹp cuộc nổi dậy.
Tuy nhiên, trong ngày hôm nay, Tổng thống Libya đang mất kiểm soát nhiều vùng, nhiều thành phố, thị trấn lớn rơi vào tay các nhóm nổi dậy. Người biểu tình tràn xuống đường ở thành phố phía đông Benghazi và Tobruk, vẫy cờ, bấm còi và đốt pháo hoa.
"Chúng tôi đã chịu đựng 41 năm. Gaddafi giết hại nhiều người. Chúng tôi là một nước rất giàu, nhưng hầu hết người dân còn nghèo hơn cả những nước nghèo" - Hamida Muftah, một cư dân thành phố Benghazi nói với Reuters.
Vân Anh (Theo AP, BBC...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét