Lên đồng tiếp tục được đưa ra “mổ xẻ”

LAODONG:
Chủ Nhật, 20.2.2011 | 10:48 (GMT + 7)

Lên đồng – nghi thức còn nhiều tranh cãi trong hoạt động tín ngưỡng dân gian của Việt Nam sẽ được đem ra mổ xẻ và phân tích, trong một cuộc hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào ngày 23.2 tới đây tại Hà Nội.
Lên đồng (hay còn gọi là hầu đồng, hầu bóng, đồng bóng) là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam. Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các “ông đồng”, “bà đồng”. Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ. Ở Việt Nam, lên đồng là nghi thức không thể thiếu trong các thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần…
ảnh: Lên đồng là một nghi thức độc đáo trong hoạt động tín ngưỡng dân gian của Việt Nam.
Lên đồng là một nghi thức độc đáo trong hoạt động tín ngưỡng dân gian của Việt Nam.
Ngày nay, lên đồng vẫn còn là nhu cầu tâm linh, là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của một bộ phận người Việt. Các nghi lễ này thường được tổ chức nhiều lần trong một năm vào các dịp lễ tiết, thường là tại các lễ hội đền thánh, phủ mẫu...
Tại Việt Nam hiện nay, hoạt động lên đồng bị chính quyền xem là hoạt động mê tín dị đoan do nhiều trường hợp việc lên đồng đã bị nhiều người lợi dụng vào mục đích xấu. Tuy nhiên, nhiều hội thảo khoa học nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian Việt Nam, trong đó có lên đồng đã được tổ chức, nhiều ấn phẩm của các học giả cũng đã được xuất bản.
Để những người yêu văn hoá Việt sẽ có thể có một cái nhìn rõ ràng và đa chiều hơn về hình thức lên đồng, Trung tâm văn hoá Pháp sẽ tổ chức một buổi hội thảo về nghi thức độc đáo này dành cho các khán giả Hà Nội. Hội thảo mang tên “Lên đồng, Bảo tàng sống của văn hóa Việt”, do GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam thuyết trình và TS. Nguyễn Xuân Diện dẫn chương trình, diễn ra tại hội trường Trung tâm văn hoá Pháp, Tràng Tiền, Hà Nội vào 17h ngày 23.2 tới.
Thu Hương

GIẤY MỜI CỦA ĐẠI SỨ QUÁN PHÁP TẠI VIỆT NAM

ĐẠI SỨ QUÁN PHÁP TẠI VIỆT NAM
Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội

.
.a l'honneur de vous inviter * Trân trọng kính mời
au spectacle * Tới dự chương trình hội thảo và trình diễn

LÊN ĐỒNG - la musee vivant du patrimoine culturel du Vietnam
LÊN ĐỒNG – Bảo tàng sống của văn hóa Việt

Người thuyết trình: GS. TS Ngô Đức Thịnh - Dẫn chương trình: TS. Nguyễn Xuân Diện
Sau hội thảo có minh họa diễn xướng hầu đồng

Thứ Tư, 23/02/2011 – 17h00
(tức chiều 21 tháng Giêng năm Tân Mão)
Auditorium - Hội trường
L’Espace, 24 Tràng Tiền, Hà Nội
Dịch Pháp – Việt

Vào cửa tự do - Entrée libre

“Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, lên đồng là một bảo tàng sống động. Người Việt đã triển lãm nền văn hóa Việt Nam cho người Việt và người nước ngoài. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý nhà bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hóa Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam, mà chúng đang dần bị nhạt nhòa đi trong đời sống xã hội hàng ngày, chỉ còn hiện diện trong điện thần của đạo Mẫu”.(TS. Frank Proschan).

Nội dung chương trình:
Phần 1:Thuyết trình
GS. Ngô Đức Thịnh (GĐ Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam sẽ nói về nguồn gốc, lịch sử và nền tảng văn hóa của Đạo Mẫu. Những đặc sắc và giá trị đặc biệt của Đạo Mẫu, cũng như những giá trị văn hóa đã lắng đọng và ngưng kết trong diễn xướng hầu đồng của Đạo Mẫu Việt Nam. Phần này, do Nguyễn Xuân Diện làm MC.
Phần 2: Minh họa diễn xướng hầu đồng
Hầu đồng. Gồm các giá đồng: 1- Ba giá Mẫu, 2- Trần Triều, 3- Quan Đệ Tam, 4- Quan lớn Tuần Tranh, 5- Chầu Đệ Nhị, 6- Chầu Bát, 7- Chầu Bé, 8- Chầu Thác Bờ, 9- Ông Hoàng Bảy, 10- Ông Hoàng Mười, 11- Cô Cam Đường, 12- Cô Bơ Thoải, 13- Cô Bé.




Ảnh: Đoàn Kỳ Thanh.
Thiết kế mỹ thuật: Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức
Âm thanh & Ánh sáng: Nguyễn Thái Chân – Nguyễn Mạnh Đức

Cung văn:
Văn Chung – Thanh Long – Trọng Quỳnh

Nhạc công:
Văn Khải (nhị) – Văn Chung (nguyệt) – Thanh Long (phách)
Thanh Hà (thập lục) – Đức Hải (kèn Tàu) – Xuân Dũng (sáo).

Tổng đạo diễn: Đoàn Kỳ Thanh
Trợ lý: Nguyễn Tiến Dũng

*Ghi chú của Nguyễn Xuân Diện:
1. Buổi thuyết trình được bắt đầu lúc 5h chiều. Quý vị xin hãy ăn điểm tâm trước khi đến tham dự.
2. Không sử dụng điện thoại trong suốt chương trình. Không chụp hình với đèn Flash (có dành riêng 5 phút để chụp hình với đèn Flash).
3. Phóng viên báo chí được cấp thẻ riêng để hoạt động (số lượng có hạn)
Nguyễn Xuân Diện-Blog kính báo!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét