VnExpress:
Xả thân cứu hàng trăm người trong lũ dữ
Trong đêm, anh Điệp lần lượt chèo thuyền cứu hơn 100 người dân xã Sơn Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Khi trời sáng, anh chèo thuyền về thì hốt hoảng thấy căn nhà mình bị nước lũ giật sập, đồ đạc trôi theo dòng nước.
Anh Lê Văn Điệp: "Nhiều lúc tôi định bỏ cuộc, nhưng thấy người kêu than, như bản năng mình lại tiếp tục chèo thuyền giúp họ'. Ảnh: Nhật Lệ. |
Dáng người cao gầy, đôi mắt cương nghị, Bí thư chi đoàn xóm Hà Lời, xã Sơn Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) rất khiêm tốn nói về thành tích cứu hơn 200 người của mình. Đêm 5/6, sau những ngày mưa tầm tã, nước sông Son dâng lên, nước ở vùng thượng nguồn đổ xuống khiến nhiều ngôi nhà trong xóm Hà Lời lút dần.
Sau khi giúp vợ dọn đồ lên cao, nước vẫn tiếp tục dâng, anh Điệp đã dùng thuyền chở vợ và đứa con 2 tuổi đến nhà người quen ở trên đồi tránh lũ rồi một mình chèo thuyền đi cứu người.
Cứu được 3 em bé hàng xóm đang ngồi trên nóc nhà, anh Điệp chèo thuyền ra đầu xóm thì thấy nhà của mấy người ở ven sông đã chìm, người dân kêu khóc thảm thiết. Chẳng kịp suy nghĩ, anh cho thuyền chạy dọc bờ sông, lần lượt đưa những người đang trèo trên nóc nhà lên thuyền đi tránh lũ.
“Một số cụ già nước đã ngập nửa người nhưng không muốn đi vì nghĩ mình già rồi, nếu có chết thì được chết ở nhà. Tôi phải vừa dọa nạt vừa dỗ dành thì họ mới chịu rời nhà để lên thuyền”, anh Điệp kể.
Nước ngập mênh mông ở nhiều xã thuộc huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa - những nơi có lượng mưa kỷ lục 1.000-1.600 mm. Ảnh: Hưng Nguyễn. |
Cứ như vậy, một mình anh Điệp lần lượt chèo thuyền cứu được hơn 100 người dân của xã Sơn Trạch khỏi lũ dữ trong đêm tối. “Chèo thuyền trong mưa lớn, nước xiết, thỉnh thoảng lại va vào dây điện, thuyền như sắp lật, nhiều lúc tôi định bỏ cuộc, nhưng cứ cứu được người này lại thấy người khác đang kêu than, như bản năng mình cứ tiếp tục chèo thuyền giúp họ”, anh Điệp vừa nói vừa cười.
Mải miết cả đêm cứu bà con, tới khi trời sáng, anh Điệp chèo thuyền qua nhà mình thì hốt hoảng thấy căn nhà mới dựng của vợ chồng bị nước lũ giật sập, tivi, giường tủ… trôi theo dòng nước. Ghé thuyền vào nhà xếp tạm mấy thứ đồ chưa bị cuối trôi, anh lại lên đường đi cứu người. Ngày hôm đó, chàng bí thư đoàn của xóm đã cứu được hơn 200 người thoát giữa dòng nước lũ đục ngầu, đưa họ đến UBND xã và một số nhà dân khác lánh nạn.
“Khi đó ai cũng hoảng loạng, trời tối đen, mưa như trút, dòng nước đục ngầu cứ dâng cuồn cuộn, ai cũng lo cứu lúa gạo, người thân của gia đình, chứ ai nghĩ đến chuyện cứu giúp người khác mô. May mà có anh Điệp xuất hiện không thì những người như tui đều chết cả rồi”, cụ Phạm Thị Đề nói.
Trong lũ lịch sử, người dân Sơn Trạch cũng nhớ như in hình ảnh của anh Hoàng Văn Ninh, Trưởng thôn Xuân Tiến, xã Sơn Trạch, trong đêm tối đã chèo thuyền đi cứu người. "Sau khi cứu được hai khách du lịch người nước ngoài, tui thấy nhiều đoàn khách cũng đang mắc kẹt trong lũ, nhiều người chới với trên mái nhà liền đưa thuyền máy đi cứu họ”, trưởng thôn cười xuề xòa kể, rồi nhìn ra căn nhà đang ngập chìm trong nước của mình.
Trưởng thôn Hoàng Văn Ninh: "Cứu người là việc bình thường". Ảnh: Nhật Lệ. |
Anh Ninh cho rằng việc chèo thuyền đi cứu dân trong đêm là điều bình thường, là bản năng mà mỗi con người khỏe mạnh và có thuyền đều sẽ làm. Nhưng trong lúc thực hiện những điều bình thường ấy, anh đã không ít lần suýt chết.
Có lần thuyền bị vướng vào cột điện, tiếp tục nổ máy thì chân vịt bị mắc vào dây điện khiến thuyền lật, một mình anh vật lộn với dòng lũ. Có lúc, dòng nước đã cuốn anh đi cả trăm mét nhưng nhờ vớ được ngọn tre và vận dụng kinh nghiệm bơi của mình, anh đã vượt qua dòng nước xoáy rồi đến một nhà hàng xóm mượn thuyền tiếp tục đi cứu người.
“Đêm hôm đó và sáng hôm sau, tui nghe dân làng nói anh Ninh cứu được hơn 200 người. Cứu xong thì hắn cũng bị ngất xỉu vì kiệt sức. Dân làng tui mang ơn hắn suốt đời”, cụ Nguyễn Thị Trứ, 78 tuổi, người được trưởng thôn Ninh cứu sống nói với giọng biết ơn.
Trong đợt lũ dữ vừa qua, người dân huyện Quảng Trạch còn nhớ mãi hình ảnh cụ ông 76 tuổi Lưu Trọng Tham ở xã Hạ Trạch đã một mình băng lũ, chèo thuyền chở dân lên núi trong đêm 5/10. Sau khi cứu sống được khoảng 20 người,̀ thuyền ông bị lật và nước cuốn trôi. Hai ngày sau mới tìm được xác ông.
Anh Hồ An Phong, Bí thư tỉnh Đoàn Quảng Bình cho biết, trong đợt lũ, đã có rất nhiều người dân, trong đó có nhiều đoàn viên thanh niên quên mình cứu sống hàng trăm ngườĩ. “Tấm gương quên mình vượt lũ cứu người của những người này được nhân dân ghi nhận và biết ơn”, anh Phong nói.
Hà Nguyên Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét