Chiều 24/2, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các lãnh đạo TP HCM đã đến thăm công trình Đại lộ Võ Văn Kiệt (đại lộ Đông Tây) và hầm vượt sông Sài Gòn. Theo thông báo của Ban quản lý dự án đại lộ Võ Văn Kiệt, đến nay hầm Thủ Thiêm đã đạt hơn 90% khối lượng công trình. Đội ngũ kỹ sư, công nhân đang tiếp tục theo dõi xử lý chống thấm hầm dìm và xử lý lún.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các lãnh đạo TP HCM đến thăm hầm công trình hầm Thủ Thiêm. Ảnh: Vĩnh Phú. |
Công trình đang được gấp rút hoàn thành những khâu cuối cùng như lắp đặt hệ thống thông gió, chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ cứu nạn và tập huấn đội ngũ công nhân để chuẩn bị vận hành hành thử vào tháng 7. Sau đó 2 tháng hầm sẽ thông xe.
Công trình hầm vượt sông Sài Gòn có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á với chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, có 6 làn xe lưu thông, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy. Ngoài ra còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/giờ.
Vĩnh Phú
VnExpress:
Thông hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á
Sau hơn 5 năm thi công, sáng nay công trình ngầm vượt sông thuộc dự án Đại lộ Đông Tây đã hợp long tại cửa hầm Thủ Thiêm phía quận 1, TP HCM.
*Ảnh quá trình thi công hầm Thủ Thiêm |
Ông Nguyễn Thành Tài - phó chủ tịch UBND TP HCM nhận định, đây là một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển đô thị dọc hành lang Đông - Tây thành phố, kéo giảm mật độ giao thông ở trung tâm, tạo động lực thúc đẩy phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng và TP HCM trong tương lai.
"Từ nay, đường hầm vượt sông Sài Gòn đã hoàn toàn kết nối đôi bờ. Giấc mơ về một con đường ngắn nhất tiến về thành phố và giấc mơ về một khu đô thị mới, khang trang, hiện đại phía đông Sài Gòn đang đến rất gần", đại diện Ban quản lý Đầu tư Xây dựng công trình Giao thông đô thị thành phố chia sẻ tại buổi lễ.
Đường dẫn vào nơi hợp long hầm Thủ Thiêm. Ảnh: N.H. |
Đây là hạng mục quan trọng nhất của dự án xây dựng đại lộ Đông Tây dài 22 km, trong đó hầm vượt sông Sài Gòn có tổng chiều dài 1.490 m. Hầm rộng 33,3m với 2 hướng lưu thông 6 làn xe. Vận tốc thiết kế của hầm là 60 km một giờ. Trong hầm cũng có 2 lối thoát hiểm hai bên mỗi bên rộng 2 m.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố, sau công đoạn thi công đốt hợp long, từ nay đến khi hoàn thành dự án sẽ tiếp tục tập trung xử lý các vấn đề kỹ thuật bên trong và ngoài 4 đốt hầm, triển khai gói thầu lắp đặt các thiết bị cơ điện bên trong hầm, chuẩn bị bộ máy quản lý, vận hành hệ thống và hoàn tất thi công tuyến đường mới Thủ Thiêm.
Tham quan hầm Thủ Thiêm sáng nay. Ảnh: Kiên Cường. |
Từ tháng 10 đến tháng 3/2011, các đơn vị sẽ lắp đặt thiết bị cho hệ thống cung cấp điện, hệ thống thông gió, hệ thống chiếu sáng, hệ thống điều khiển và giám sát, hệ thống thoát nước, các thiết bị an toàn. Dự kiến, quý 2/2011 sẽ thông xe qua hầm Thủ Thiêm.
Hầm Thủ Thiêm là công trình ngầm vượt sông đầu tiên ở Việt Nam và cũng là hầm dìm có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đường ngầm này bắt đầu chui xuống đất bởi 2 đoạn dẫn ở hai bờ quận 1 và quận 2, với độ nghiêng nhất định, hầm nằm dưới đáy sông cách mặt nước 26 mét.
Quá trình thi công hầm vượt sông Sài Gòn được bắt đầu từ tháng 2/2005 với việc khởi công xây dựng 2 hầm dẫn, mẻ bê tông đầu tiên đúc 4 đốt hầm dìm đã được đổ vào tháng 9/2007 tại bể đúc Nhơn Trạch Đồng Nai. Ngày 6/1, công tác bơm nước vào khu vực bể đúc để kiểm tra, cân chỉnh các đốt hầm đã được tiến hành. Từ tháng 3 đến tháng 6, bốn đốt hầm dìm đã lần lượt được lai dắt từ bể đúc Nhơn Trạch, Đồng Nai vượt qua 22 km đường sông về đến khu vực Thủ Thiêm và lắp đặt, nối kết thành công, an toàn tuyệt đối với hầm dẫn phía Thủ Thiêm. Ngày 4/8/2010, công tác đổ mẻ bê tông đầu tiên thi công đốt hợp long nối kết đốt hầm số 4 với hầm dẫn phía Khánh Hội đã được tiến hành và mẻ bê tông cuối cùng của đốt hợp long đã được triển khai vào ngày 4/9 vừa qua. |
Hội An - Vĩnh Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét