Việt Nam mong tình hình ở Lybia sớm ổn định

VnExpress:
Thứ tư, 23/2/2011, 12:00 GMT+7
Đám đông biểu tình tại Lybia. Ảnh: CBC.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga hôm qua cho biết Việt Nam quan ngại trước tình hình hiện nay ở Libya và mong nước này sớm ổn định.
“Việt Nam quan ngại trước tình hình hiện nay tại Lybia và mong muốn tình hình chính trị ở Lybia sớm ổn định", bà Nguyễn Phương Nga phát biểu hôm qua.
"Hiện có khoảng 10.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Lybia. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo sứ quán Việt Nam tại Lybia theo dõi sát tình hình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có biện pháp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho lao động và kiều dân Việt Nam tại Lybia”.
Các hãng tin phương tây cho biết gần 300 người đã thiệt mạng vì bạo lực kể từ làn sóng biểu tình chống chính phủ bùng phát tại Libya hôm 17/2. Trong khi đó, Đại tá Moammar Gadhafi - nhà lãnh đạo Lybia có thời gian cầm quyền lâu nhất châu Phi và Trung Đông - thề chiến đấu “tới giọt máu cuối cùng” và ủng hộ việc những người thân chính phủ tấn công người biểu tình.
Anh Minh

Báo Nông Nghiệp :

Gần 10.000 lao động Việt Nam ở Libya vẫn an toàn


Tố Như  (23/02/2011 09:40)

Quang cảnh hỗn loạn ở Libya
Mấy ngày nay, gần 10. 000 gia đình có người thân đi lao động xuất khẩu ở Libya như ngồi trên đống lửa dõi theo từng động thái chính trị của đất nước này bởi tại đây đang diễn ra các cuộc biểu tình và có xu hướng lan rộng ra các thành phố và địa phương khác. Bất ổn chính trị đã khiến cho nhiều người ngoại quốc và doanh nghiệp nước ngoài di tản khỏi Libya.
Chiều qua (22/2), lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) đã có cuộc họp bàn với các phòng, ban để sớm tìm ra các phương án giúp người Việt Nam đang làm việc tại đất nước này được an toàn. Lãnh đạo Cục yêu cầu các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya chỉ đạo các cán bộ đại diện tại Libya theo dõi sát tình hình, tránh ảnh hưởng đến tính mạng, công việc, thu nhập của lao động Việt Nam. Đồng thời báo cáo kịp thời Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán ta tại Libya để được hướng dẫn và hỗ trợ xử lý. Các doanh nghiệp phải có khuyến cáo người lao động tránh những địa điểm có biểu tình, tránh tụ tập nơi đông người.
Theo thông tin mới nhất từ các doanh nghiệp ở Libya báo về, tất cả người lao động Việt Nam vẫn an toàn. Cũng theo đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2010 là năm có nhiều biến động đối với thị trường lao động Libya. Sau một thời gian chính quyền Libya đầu tư dàn trải cho các dự án xây dựng, phát sinh một số vấn đề nên từ cuối năm 2009 đến tháng 10/2010, chính quyền Libya tạm thời ngừng giải ngân nhiều dự án xây dựng, do đó nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài tại Libya giảm.
Đến cuối năm 2010, chính quyền Libya đã giải ngân trở lại những công trình trọng điểm như dự án sân bay quốc tế Tripoli, dự án xây dựng 50.000 căn hộ tại Bengazi, dự án đường vành đai 3...nên đã có những tín hiệu tốt đối với lao động nước ngoài, lao động nước ngoài đã có việc làm thêm, một số dự án bắt đầu tuyển lao động nước ngoài trở lại.
 Với một thị trường lao động khá tiềm năng này, trong năm 2010, tổng số lao động Việt Nam đưa sang Libya làm việc là 5.242 người, nâng tổng số lao động ta đang làm việc tại Libya lên gần 10.000 người. Lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya vẫn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực xây dựng. Các công ty Việt Nam có số lượng lao động lớn làm việc tại Libya đều có đại diện và hệ thống điều phối viên, phiên dịch nên kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh liên quan đến lao động nước ta.
Lãnh đạo Cục này cũng cho hay, mặc dù chất lượng nguồn lao động sang làm việc tại Libya chưa thực sự cao, nhưng với sự hợp tác của đại diện, điều phối viên, Ban Quản lý lao động và Đại sứ quán Việt Nam tại Libya, hầu hết chủ sử dụng lao động và chính quyền sở tại Libya tương đối hài lòng với lao động Việt Nam, đặc biệt trong việc xử lý các vụ việc phát sinh. Đa số người lao động Việt Nam hài lòng với mức thu nhập, điều kiện làm việc và khí hậu tại Libya.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét