Thứ Năm, 10/02/2011, 03:00
TTO - Những mạng xã hội như Twitter hay Facebook không giúp kết nối người ta với nhau - thay vào đó, chúng cách ly con người với thế giới thực, đây là lời cảnh báo mới nhất từ giới học giả về trào lưu sử dụng mạng xã hội hiện nay.
Con người hiện đại đang bị các mạng xã hội chi phối - Ảnh minh họa: Internet |
Theo lời một chuyên gia xã hội học đầu ngành của Hoa Kỳ, cách mà người ta đang “giao tiếp” với nhau “một cách điên cuồng” thông qua việc sử dụng Twitter, Facebook và tin nhắn tức thời (IM) có thể được xem như một dạng “bệnh điên” thời hiện đại.
“Một hành vi tuy đã trở nên phổ cập (như giao tiếp thông qua mạng xã hội) vẫn có thể cho thấy những vấn đề mà chúng ta gọi là triệu chứng bệnh lý”, giáo sư Sherrey Turkle tại học viện công nghệ MIT viết trong cuốn sách mới nhất của bà, Alone Together (Cùng nhau đơn độc), có nội dung chống lại cái mà bà gọi là “kỷ nguyên thông tin”.
Mạng xã hội và cuộc sống |
Luận điểm của Turkle rất đơn giản: công nghệ đang đe dọa thống trị cuộc sống của nhân loại, và làm chúng ta ngày càng mất đi “tính người” của mình. Bằng cách gây ra ảo tưởng rằng những mạng xã hội đang giúp con người giao tiếp và kết nối với nhau dễ dàng hơn, trên thực tế chúng ta đang ngày bị cách ly với thế giới tương tác thực giữa người với người, dưới hình thức một không gian thực tế-ảo mà bản chất chẳng qua chỉ là một sự mô phỏng dị dạng của thế giới thật.
Cuốn sách của Turkle không phải là tác phẩm đầu tiên gióng lên hồi chuông về thực trạng này. Một phong trào phản ứng trong giới học thuật Mỹ đang kêu gọi một sự tẩy chay đối với vài giá trị và cách thức của sự giao tiếp trong thế giới hiện đại. “Đây thật sự là một đợt phản ứng dữ dội. Quá nhiều cách giao tiếp khác nhau đang được sử dụng trong việc giao tiếp đã gây ra sự sợ hãi cho nhiều người.” – giáo sư William Kist, chuyên gia đào tạo thuộc đại học Kent State, bang Ohio, cho biết.
Danh sách của những đợt tấn công nhằm vào mảng truyền thông xã hội (social media) khá dài, và đến từ mọi ngõ ngách của văn hóa đại chúng cũng như giới học giả. Một cuốn sách thuộc hàng bán siêu chạy (best-seller) gần đây tại Mỹ có nhan đề The Shallows (Những kẻ nông cạn) của tác giả Nicholas Carr, gợi ý rằng việc sử dụng Internet đã làm thay đổi cách thức chúng ta động não, qua đó làm giảm khả năng nhận biết và xử lý những khối lượng lớn thông tin, chẳng hạn các bài viết chuyên ngành hay sách vở. Nội dung của cuốn sách được dựa trên một bài xã luận mà Carr viết cho tạp chí Atlantic, vốn có tiêu đề được nhấn mạnh: Is Google making us stupid? (Google đang làm chúng ta ngu đi?).
“Chúng ta đã phát minh ra những công nghệ mang tính đột phá và có ích, nhưng cũng chính chúng ta đã để chúng trói buộc mình”, trích trong Alone Together của giáo sư Sherrey Turkle. |
Gần đây nhất, bộ phim ăn khách The Social Network (Mạng xã hội), được xem như một sự đả kích ngầm nhằm vào thế hệ của truyền thông xã hội, khi nói rằng Facebook lại là sản phẩm của những con người đã thất bại trong việc hòa nhập với thế giới thực bên ngoài.
Tuy nhiên chỉ có cuốn sách của Turkle là gây ra nhiều cuộc tranh luận nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Các mạng xã hội đang thay đổi xã hội theo chiều hướng xấu? - Ảnh minh họa: Internet |
Những người ủng hộ phe chỉ trích đưa ra nhiều trường hợp và sự kiện để củng cố quan điểm của họ. Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục nhắc đến cái chết của cô Simone Back, người phụ nữ đã để lại một thông điệp rằng mình sẽ tự tử trên trang Facebook cá nhân, vậy mà không một ai trong số 1048 “bạn” của cô trên Facebook có bất cứ hành động nào để giúp đỡ, thay vào đó họ biến trang Facebook của Simone thành nơi cãi vã và chửi rủa lẫn nhau.
Tuy vậy, vẫn có những ý kiến ủng hộ mạng xã hội. Những người chống lại làn sóng chỉ trích nói rằng thư điện tử, Facebook và Twitter đã tạo ra nhiều cơ hội giao tiếp trong xã hội hơn, đặc biệt là cho những ai gặp rắc rối trong việc giao tiếp ngoài đời thực vì những lý do liên quan đến cách biệt địa lý hoặc bất đồng văn hóa.
Vài chuyên gia phân tích nói rằng những cuộc tranh luận đã trở nên dữ dội quá mức cần thiết, vì mạng xã hội là một lĩnh vực hoàn toàn mới, vốn chưa phát triển những luật lệ hay quy tắc mà mọi người phải tuân theo, đó cũng là lý do vì sao những sự kiện như cái chết của Simone Back tỏ ra quá kinh khủng.
Giáo sư William Kist chỉ ra rằng, khái niệm “thế giới thực” mà nhiều người chỉ trích hay nhắc đến thật ra chưa bao giờ tồn tại. Trước khi người ta lên xe buýt hoặc tàu điện ngầm với hai mắt dính vào chiếc iPad hay điện thoại thông minh, thì họ vốn dĩ cũng chưa bao giờ giao tiếp với nhau một cách thật sự. “Chúng ta không bao giờ thấy mình mở lời một cách tự nhiên với người lạ”, ông cho biết.
THÚY QUỲNH (Lược dịch từ Guardian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét