Ông Gaddafi mất miền Đông

Thời sự quốc tế | Người Lao Động Online:

Thứ Tư, 23/02/2011 22:33

Lực lượng an ninh của đại tá Gaddafi dường như không có bất cứ nỗ lực nào để giành lại các thị trấn ở miền Đông

Tuyên bố sẽ trấn áp và mạnh tay đối với những người chống đối, nhà lãnh đạo Libya, đại tá Muammar Gaddafi, đã thắt chặt quyền kiểm soát của ông ở thủ đô Tripoli. Tuy nhiên, nửa phía Đông nước này đang vuột ra khỏi tay ông.
Gần 10.000 người ủng hộ đại tá Muammar Gaddafi đã tập trung ở Tripoli
sau khi nghe bài phát biểu của ông Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Sự mạnh tay đã khiến những người chống đối phải rời khỏi đường phố Tripoli. Theo BBC, ít nhất 300 người đã bị giết chết trong cuộc nổi dậy ở Libya. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ý Franco Frattini phát biểu tại Rome rằng khoảng 1.000 người tử vong là con số thực tế hơn.
Một số người rời khỏi đường phố cam kết sẽ quay trở lại. Một người nói: “Đã quá trễ. Tôi nghĩ chẳng ai muốn nghe ông Gaddafi nữa. Không phải một thành phố hoặc một khu vực, cả đất nước đang nổi dậy”.
Trong khi đó, người chống đối ở những nơi khác hứa sẽ cử lực lượng đến Tripoli hỗ trợ. Tuy nhiên, những người ủng hộ ông Gaddafi đã đặt rào chắn ngăn chặn tại các cửa ngõ thành phố.
Châu Á đưa người lao động về nước
Một số nước châu Á hiện có người lao động làm việc tại Libya đang lên kế hoạch quy mô lớn để đưa họ về nước hôm 23-2.
Theo hãng tin AFP, một chiếc máy bay của hãng hàng không Air China chuẩn bị rời Bắc Kinh để đến Athens (Hy Lạp) trong khi chờ đợi lệnh đáp xuống phía Bắc Libya. Một số máy bay khác và tàu biển cũng chuẩn bị sẵn sàng đưa nhân công Trung Quốc từ Libya về nước. Ấn Độ đã đưa tàu khách đến Biển Đỏ trong khi Thái Lan, Bangladesh, Philippines, Sri Lanka, Nepal đang tìm cách đưa người lao động về nước hoặc có khả năng xin phép cho họ tạm lánh nạn sang một nước khác. Hiện có khoảng 60.000 người Bangladesh, 30.000 người Trung Quốc, 30.000 người Philippines, 23.000 người Thái Lan, 18.000 người Ấn Độ, 10.000 người Việt Nam, 3.000 người Nepal và 1.200 người Sri Lanka đang làm việc ở Libya.
L. Nguyễn
Sau bài phát biểu trên truyền hình hôm 22-2 của đại tá Gaddafi, hàng ngàn người ủng hộ ông đã đổ về quảng trường Green ở trung tâm thành phố Tripoli.
Họ khoác khăn rằn màu xanh và khua múa những con dao to. Nhiều người ngồi trên những chiếc xe tải chạy hướng ra những khu vực xa trung tâm thành phố.
Ở đó, họ chiếm giữ các giao lộ và dường như tập trung lục soát khắp nơi. Một người dân chứng kiến cảnh đó nhận xét: “Sự việc giống như người ta được bật đèn xanh để giết chóc”.
Trong lúc tăng cường kiểm soát thủ đô, các lực lượng an ninh của đại tá Gaddafi dường như không có bất cứ nỗ lực nào để giành lại số thị trấn ở miền Đông đã tuyên bố độc lập và thành lập chính quyền đối lập không chính thức.
Chỉ ở khu vực chung quanh thị trấn Ajdabiya, nằm về phía Nam thành phố Benghazi, các lực lượng an ninh và quân đội vẫn còn đụng độ với người biểu tình dọc theo con đường dẫn đến Surt, quê nhà của ông Gaddafi.
Ở Tobruk, thành phố ở phía Đông đã tham gia nổi loạn gần như ngay từ khi khởi đầu, một người dân theo dõi bài phát biểu của đại tá Gaddafi ở quảng trường chính đã phản ứng bằng cách ném đá vào hình ảnh của ông trên đài truyền hình.
Tại một quán cà phê cách Tobruk không xa, Fawzi Labada – một tài xế xe buýt – nhận xét: “Bây giờ ông ta yếu đuối rồi. Ông ta là kẻ nói dối”.
Những người chống đối ở miền Đông khẳng định các lực lượng chính phủ đã cởi bỏ đồng phục và gia nhập hàng ngũ của họ. Điều đó có nghĩa là quân đội Libya ít có khả năng đóng vai trò ổn định như quân đội Ai Cập và Tunisia đã làm.
Cuộc nổi loạn ở miền Đông đã mở toang biên giới Libya từ ngày 22-2 khi quân đội nước này rút khỏi biên giới phía Đông giáp với Ai Cập. Điều đó tạo điều kiện cho các nhà báo nước ngoài tràn vào. Con đường từ biên giới dẫn đến Tobruk dường như hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của những người chống lại ông Gaddafi.
Tawfiq al-Shahbi, một thủ lĩnh phe chống đối ở Tobruk, cho biết đối thủ của đại tá Gaddafi đã thắt chặt quyền kiểm soát khu vực chung quanh Ajdabiya, một địa điểm quan trọng tại khu vực có các giếng dầu của Libya.
Dân cư Tobruk nói rằng các thành phố lân cận, như Dernah, Al Qubaa, Bayda và El Marij, cũng đã rơi vào tay phe đối lập.
Theo Gamal Shallouf, một nhà sinh học biển đã trở thành viên chức báo chí ở thành phố này, Chính phủ Libya đã gần như ngay lập tức mất quyền kiểm soát ở Tobruk. Binh sĩ đã cởi bỏ quân phục của họ và đứng về phía những người chống đối.
Phản ứng của Liên hiệp quốc, Mỹ Latinh
Nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị cô lập nhiều hơn sau khi Liên Hiệp Quốc (LHQ) lên án chính quyền Libya trấn áp người biểu tình, yêu cầu chấm dứt ngay bạo động chống lại thường dân.
Hãng tin AP dẫn một thông cáo báo chí đã được 15 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ thông qua hôm 22-2, bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về tình hình tại Libya; lên án việc đàn áp người biểu tình ôn hòa và thương tiếc cho hàng trăm thường dân tử vong. Hội đồng này đồng thời kêu gọi chính quyền Libya chấm dứt ngay bạo lực và xem xét những yêu cầu chính đáng của người dân, kể cả thông qua đối thoại. Các thành viên của hội đồng cũng yêu cầu Libya tôn trọng quyền tụ tập ôn hòa, tự do ngôn luận. Thông cáo được phát hành sau một cuộc họp kín.
Tuy nhiên, có một luồng dư luận khác bày tỏ sự đoàn kết với ông Gaddafi tại một số nước Mỹ Latinh vốn có quan điểm giống như Libya là chống lại chính sách đối ngoại của Mỹ. Cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro cảnh báo rằng sự mất ổn định có thể là cái cớ để NATO xâm lược Libya và còn rất sớm để phê phán ông Gaddafi. Ông Castro nói: “Thế giới này đang bị xâm nhập bằng nhiều dạng tin tức... Chúng ta cần chờ đợi thời gian cần thiết để biết chính xác sự thật hay sự dối trá”. Trong khi đó, Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega cho biết ông đã gọi điện bày tỏ tình đoàn kết với ông Gaddafi trong những giờ phút căng thẳng.
L. Nguyễn

LỤC SAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét