Nhân viên an ninh gác tại phố mua sắm Vương Phủ Tỉnh ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters |
Truyền thông Trung Quốc chỉ trích ý định biểu tình “kiểu Ả Rập” ở nước này trong khi các lãnh đạo kêu gọi cải thiện quản lý xã hội để giải tỏa bức xúc của dân.
Trong một bài bình luận đăng hôm qua, báo Global Times của Đảng Cộng sản Trung Quốc viết: “Các cuộc nổi dậy ở Tunisia và Ai Cập đã lây lan ở Trung Đông và một số người muốn Trung Quốc trở thành “Ai Cập kế tiếp”. Điều này tuyệt đối không thể xảy ra”. Theo tờ này, công an ở Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều thành phố khác đã được triển khai hôm 20.2 sau khi xuất hiện những thông điệp trên mạng và tin nhắn điện thoại vận động dân chúng xuống đường, thực hiện một cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Trung Quốc.
Thế giới Ả Rập tiếp tục rúng động Hôm qua, khoảng 10.000 người Bahrain cắm trại tại Quảng trường Ngọc trai ở thủ đô Manama tiếp tục gây sức ép đòi lập chính phủ mới. Tại Libya, người biểu tình đụng độ với lực lượng an ninh ở thủ đô Tripoli trong khi vài thành phố khác đã nằm dưới sự kiểm soát của phe chống đối, AFP dẫn một số nguồn tin tại chỗ cho hay. Theo các tổ chức nhân quyền, số người thiệt mạng trong mấy ngày qua là từ hơn 200 đến 400 người. Cũng trong hôm qua, Thủ tướng Anh David Cameron bất ngờ đến Ai Cập, trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm nước này sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ. |
Công an đã bắt giữ một số người, tăng cường tuần tra trên đường phố và kiểm soát chặt chẽ dịch vụ tin nhắn và internet tại thủ đô và các thành phố lớn. Tại Bắc Kinh, một đám đông tụ tập bên ngoài một cửa hàng ăn nhanh McDonald vào lúc 14 giờ (giờ địa phương) ngày 20.2, theo Tân Hoa xã. Công an đã áp giải 2 người về đồn và đám đông sau đó bị giải tán vào lúc 14 giờ 50 phút. Tại Thượng Hải, vài người tụ tập ở Quảng trường Nhân dân và 3 người bị bắt giữ.
Báo Global Times gọi chiến dịch kêu gọi biểu tình qua mạng cuối tuần qua là “nghệ thuật trình diễn” và khẳng định mọi ý định như vậy sẽ thất bại. Tờ China Daily tỏ ra thận trọng hơn khi viết rằng Trung Quốc đang đối mặt với những nguy cơ căng thẳng xã hội bao gồm bất mãn của người dân về lạm phát, tranh chấp đất đai, cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn và tình trạng tham nhũng. Trong bài phát biểu tại cuộc họp với các quan chức cấp cao hôm 20.2, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói bất chấp những thành quả đạt được về kinh tế - xã hội, nước này “vẫn đang trong giai đoạn mà nhiều xung đột có thể gia tăng” và “vẫn còn nhiều vấn đề về quản lý xã hội”. Cùng ngày, ông Chu Vĩnh Khang, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi cải thiện trình độ quản lý để bảo đảm ổn định lâu dài. “Phải giải tỏa tranh cãi và mâu thuẫn xã hội ngay từ trong trứng nước”, tờ China Police Daily dẫn lời ông Chu nói.
Trùng Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét