Libya liệu có là quân bài đô-mi-nô tiếp theo trong khu vực?

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 10:49 PM, 22/02/2011

(VOV) - Vào lúc này, đường phố của Thủ đô Tripoli, không khác mấy so với sự hỗn loạn của Tunisia và Ai Cập trước đó.

Những ngày gần đây, bất ổn chính trị tại Libya đang gia tăng nhanh chóng khi lực lượng an ninh và người biểu tình chống chính phủ liên tục có các cuộc đụng độ tại thủ đô Tripoli. Dư luận cho rằng, chính trường Libya cũng đã có dấu hiệu “bén lửa” từ đám cháy ở khu vực Trung Đông- châu Phi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Libya vẫn có những yếu tố để chưa trở thành quân bài đô-mi-nô sau Tunisia và Ai Cập.

Vào lúc này, đường phố của Thủ đô Tripoli, không khác mấy so với sự hỗn loạn của Tunisia và Ai Cập trước đó. Người biểu tình tràn xuống đường, hô vang khẩu hiệu phản đối chính quyền của Tổng thống Libya Moammar Gadhafi- nguyên thủ quốc gia tại nhiệm lâu nhất thế giới trong suốt 40 năm qua. Các cuộc biểu tình cũng bị lực lượng an ninh trấn áp, thậm chí, các nhân chứng còn khẳng định, máy bay đã bắn vào người biểu tình, làm hơn 400 người thiệt mạng. Như vậy là bạo lực đẫm máu đã diễn ra và nó là dấu hiệu chẳng lành cho tương lai chính trị của Tổng thống Libya Gadhafi.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, mặc dù làn sóng biểu tình lật đổ chính phủ đang làm rung chuyển thế giới Ả-rập, song chiếc ghế của ông Gadhafi vẫn có một số điểm tựa để chưa bị lật nhào như những người đồng nhiệm ở Tunisia hay Ai Cập. Thứ nhất, nhà lãnh đạo Gadhafi cầm quyền trong 4 thập kỷ qua dựa vào chính sách bàn tay sắt và một bộ máy an ninh đồ sộ. Vị Đại tá này dường như đã không ngần ngại “mạnh tay” với các cuộc biểu tình chống chính phủ, khi chấp thuận cho lực lượng an ninh dùng đạn cao su, vòi rồng và cả đạn thật để đối phó với người biểu tình. Hơn thế, chính quyền còn kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông, không để những thông tin thực về làn sóng biểu tình đến với đông đảo công chúng, nhằm dập tắt cơn giận dữ của người dân nước này. Thêm vào đó, dân số Libya chỉ có khoảng 6,5 triệu người, sống tập trung tại các thành phố, nên lực lượng an ninh Libya dễ dàng đối phó hơn với các cuộc nổi dậy. Có lẽ vì những yếu tố này mà nhà lãnh đạo Libya xem ra vẫn khá tự tin về vị thế chính trị của mình, bất chấp những biến cố tại các nước láng giềng.

Mấy ngày trước đã có rất nhiều lời đồn đoán rằng, ông Gadhafi đã tháo chạy sang Venezuela để tránh sức ép từ trong nước, song ngay sau đó, ông đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia để chứng tỏ không sống lưu vong và khẳng định quyền lực của mình.

Nhà lãnh đạo Libya đang sử dụng các chính sách cứng rắn để giữ vững chiếc ghế quyền lực của mình, song liệu ông có thể tiếp tục thành công với biện pháp mà ông áp dụng trong suốt 40 năm qua, trong khi bối cảnh trong nước và khu vực đã có nhiều thay đổi? Dư luận vẫn đang tìm câu trả lời cho vấn đề này, song nếu chính quyền Gadhafi không có những chuyển biến theo thời thế thì có lẽ cũng khó tránh khỏi bị thổi bạt bởi làn gió mới xuất hiện tại Trung Đông- châu Phi.

Phải thừa nhận rằng, mới đây, ông Gadhafi đã có một số hành động xuống thang như trợ giá đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, nhằm hạ nhiệt phong trào phản đối của người dân. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thấm tháp với những yêu cầu của 30% dân số thất nghiệp, nghèo đói hiện nay. Nếu tiếp tục duy trì chính sách đàn áp như hiện nay, ông Gadhafi sẽ không chỉ làm người dân trong nước mà cả cộng đồng quốc tế phẫn nộ.

Mỹ, Liên minh châu Âu, hay LHQ đều đã ra tuyên bố lên án các vụ lạm dụng bạo lực trong trấn áp biểu tình tại Libya. Bên cạnh đó, sự bưng bít của chính quyền về thông tin trong thời đại hiện nay cũng khó có thể kéo dài mãi. Những thông tin về thắng lợi của người biểu tình tại thành phố cảng Bengazi hay Anbayda rồi sẽ lan rộng ra và khi đó biểu tình chắc chắn sẽ bùng phát mạnh mẽ hơn.

Vì vậy, không loại trừ khả năng Libya sẽ là quân bài đô-mi-nô tiếp theo trong hiệu ứng sụp đổ hàng loạt tại Trung Đông – châu Phi./.

Thu Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét