Thể thao & Văn hóa:
Cuộc chơi của những kình ngư… tắm truồng
Thứ Hai, 08/08/2011 10:00
(TT&VH Online) - Nhưng nếu chỉ nói đến chuyện tắm truồng không thì e rằng chưa đủ thể hiện được sự “dở hơi” của đội này. Họ tắm bất kể thời tiết, lễ tết. Chán nhóm nhỏ, họ lập hẳn câu lạc bộ của những người yêu sông Hồng (CLB bơi sông Hồng). Rồi để thử tài nhau, họ tổ chức thi bơi vượt sông, bơi theo chặng, xuôi dòng, ngược dòng…
Và một cuộc chơi như vậy đã diễn ra vào sáng ngày 7/8 với chặng bơi lên đến 15km, từ cầu Thăng Long về tới cầu Long Biên.
Một số hình ảnh Thể thao & Văn hóa Online ghi được tại cuộc bơi đầy tính marathon này của CLB những người yêu sông Hồng.
Là CLB của đủ các tầng lớp người dân Hà Nội nên kinh phí chủ yếu dựa vào các "Mạnh Thường Quân". Tiền thì nhiều ít cũng là góp, quan trọng nhất là hiện vật, trong đó các món ăn được ưu tiên bởi bàn tiệc sau cuộc chơi luôn là chỗ để các kinh ngư giao lưu.
Đối với các thành viên, cái thú chơi này vốn đã tuềnh toàng nên chuyện hình thức cũng chẳng phải là quan trọng. Mọi thứ ở đây đều có vẻ ngoài... tạm bợ giống như tất cả đều đã sẵn sàng chạy nếu như có... lụt.
Tuy nhiên lại có rất đông người ở các tỉnh thành khác nhau ưa thích bộ môn thể thao bình dân này. Các CLB ở nhiều tỉnh được thành lập và thường xuyên giao lưu.
Và buổi giao lưu bắt đầu với một vài thủ tục mang tính tâm linh. Theo BTC cho biết, đây là hoạt động thường niên của CLB và được lấy tên là Hội bơi truyền thống năm 2011.
Năm nay, với khoảng 150 người tham dự, BTC đã phải bố trí 2 tàu chuyên chở khách trên sông Hồng đến để đưa các vận động viên tới điểm bơi là khu vực cầu Thăng Long.
Chuyến đi kéo dài tới gần 2 tiếng vì phải ngược dòng khiến không ít người sốt ruột vì mãi không được xuống nước.
Nhưng cuối cùng thì cũng đã đến nơi và già trẻ, lớn bé, khỏe yếu gì cũng ầm ầm lao xuống nước.
Do đây không phải là cuộc thi nên ai khỏe thì cứ bơi thẳng về đích. Ai yếu thì bơi một lúc lại leo lên nghỉ. Có người thích nhảy thì lúc một lại leo lên thuyền làm "tùm" 1 cái.
Nhưng tất nhiên hầu hết các vận động viên đều cảm thấy khá đơn giản trong việc thả mình trôi theo 15km đường sông.
Nhờ việc luyện tập hằng ngày, bất kể thời tiết, các vận động viên "phủi" này có thể bơi hàng chục km mà không cần nghỉ hoặc phao cứu trợ.
Nhưng đối với một "ngày hội" quan trọng thế này, dù sao công tác cứu hộ cũng cần phải được triển khai chu đáo.
Với những kình ngư như thế này thì không có gì phải bàn
Nhưng không ít người tham dự ngày hôm nay bơi thì giỏi nhưng chưa quen việc xác định phương hướng. Đội cứu hộ thường xuyên phải nhắc nhở đề phòng họ bơi nhầm về hướng... sông Đuống.
Đối với nhiều người, cuộc bơi này giống như dạo bộ quanh bờ hồ vậy. Thế nhưng khó có thể nói trước điều gì nên cứ phải cầm theo phao cho chắc.
Và câu chuyện cái phao cũng khá thú vị khi mà mỗi người tự chế cho mình một chiếc phao riêng tùy vật liệu kiếm được.
Phổ biến nhất vẫn là "ăn trộm" của vợ cái bình đựng dầu ăn ởi đặc tính bền, dẻo của loại "phao" này.
Một số đệ tử của Lưu Linh thì khoái túi nhựa dẻo chuyên đựng rượu vang bởi khả năng gấp gọn và khi dùng chỉ việc thổi lên (ảnh giữa).
Tất nhiên, ngoài các kiểu phao tự chế, BTC vẫn phải sẵn sàng phao cứu hộ thông thường để sẵn sàng vớt các VĐV đuối sức lên.
Ngoài người nhà đi theo, những VĐV phủi này cũng có được 1 đội cổ động viên nho nhỏ là những người làm đồng ở bãi giữa.
Điểm cuối của chặng bơi cuối cùng cũng xuất hiện. Cả đoàn chưa gặp bất kỳ 1 tai nạn nào.
Nhưng ngay sát cầu Long Biên, một khu vực có nước xoáy ngầm xuất hiện khiến 3 người gặp khó khăn, 1 người gần như không thoát được khỏi khu vực này và phải gọi cứu trợ. Tuy nhiên sau đó anh này cũng vùng thoát ra được và về đích an toàn.
Cuối cùng, sau 2 tiếng lặn ngụp trên sông Hồng, gần 100 kình ngư đã về đến khu vực tập kết. Không ai tỏ ra mệt mỏi, uể oải. Có vẻ như 15km chưa "áp phê" lắm với những người ngày nào cũng ngâm mình dưới dòng sông đỏ phù sa này.
Với tiêu chí vui là chính, sức khỏe là chủ yếu, CLB những người yêu sông Hồng đang tạo nên một môn thể thao mới có phần mạo hiểm nhưng cũng rất vui, rất đặc trưng cho tính cách hơi lạ của người Hà Nội.
Cao Mạnh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét