Thứ Năm, 01/09/2011, 04:08 (GMT+7)
TT - Exxon Mobil, tập đoàn dầu khí lớn nhất của Mỹ, đã ký kết một thỏa thuận thăm dò dầu khí tại vùng Bắc Băng dương thuộc lãnh hải Nga với Rosneft, tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga.
Giàn khoan dầu tại khu vực Sakhalin-I, Nga với sự liên doanh của Rosneft, Exxon Mobil và Công ty dầu khí Nhật Sakhalin - Ảnh: Bloomberg |
Người phát ngôn của Rosneft cho biết hợp đồng này được ký kết hôm 30-8 tại Sochi bên bờ biển Đen của Nga.
“Một chân trời mới đang mở ra” - Thủ tướng Nga Vladimir Putin mô tả và cho biết hợp đồng này cũng cho phép Rosneft tiếp cận các khu vực dầu mỏ trong vịnh Mexico, Texas và phát triển các mỏ dầu phía tây Siberia.
Theo thỏa thuận, hai công ty sẽ chi 3,2 tỉ USD đầu tiên trong tổng đầu tư 500 tỉ USD cho việc thăm dò dầu khí tại vùng nước sâu thuộc khu vực đông Prinovozemelsky của biển Kara cũng như tại biển Đen của Nga.
Đây là các khu vực ít được thăm dò dầu khí nhất trên thế giới mà theo Exxon Mobil mô tả là: “triển vọng nhất với tiềm năng dầu và khí cao”.
Theo ước tính của BP, vùng biển Kara có thể sản xuất 100 tỉ thùng dầu.
ANH THƯ (Theo Bloomberg, BBC)
Theo thỏa thuận, Rosneft và Exxon Mobil sẽ cùng khai thác tài nguyên dưới lớp băng tuyết của Bắc Cực. Cho tới nay chưa thấy ai khai thác được gì dưới đó nhưng giới khoa học cho rằng hơn 1/5 khối lượng tài nguyên chưa được phát hiện trên trái đất nằm ở khu vực này. Biến đổi khí hậu khiến băng tuyết ở Bắc Cực dần tan, mở ra những tuyến hàng hải mới và cả những cơ hội kinh doanh mới. Mỹ, Nga, Canada, Na Uy và Đan Mạch đã chính thức nhảy vào cuộc tranh phần lãnh thổ ở Bắc Cực. Trong khi thế giới đã có một công ước về Nam Cực thì Bắc Cực đến nay vẫn chẳng khác gì vô chủ.
Năng lượng vốn là chuyện an ninh quốc gia và thế giới, liên quan đến Bắc Cực lại càng hơn thế. Thỏa thuận nói trên còn có ý nghĩa chính trị an ninh to lớn với cả Mỹ lẫn Nga. Exxon Mobil được tiếp cận khu vực bị khóa kín từ trước tới nay ở Nga mà hãng BP của Anh mới đây muốn lắm mà không đạt được. Rosneft thì có thể tham gia các dự án năng lượng trên lãnh thổ Mỹ. Ràng buộc lợi ích vào nhau như thế tác động mạnh mẽ tới mọi phương diện khác của quan hệ song phương. Hình thức hợp tác như giữa Rosneft và Exxon Mobil không chỉ quan trọng mà còn cần thiết với cả hai về kinh tế cũng như chính trị an ninh, về năng lượng cũng như về việc chia phần Bắc Cực.
Thảo Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét