Những tư liệu chưa từng công bố về Bác tại Pháp

VTV
Thứ bảy, 03/09/2011, 07:00 GMT+7

Cách đây 65 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là nguyên thủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có chuyến thăm Cộng hòa Pháp từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 9/1946.

Những tư liệu chưa từng công bố về Bác tại Pháp

Người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị Hòa bình Versailles năm 1919, tổ chức tại Pháp. (Ảnh tư liệu)

Đây là chuyến thăm đầu tiên thể hiện ý tưởng nhân văn và ngoại giao hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tìm cách làm chậm lại ý đồ tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp. Đã có rất nhiều tư liệu nói về chuyến thăm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng tư liệu về hình ảnh không nhiều.
Mới đây, Hội người Việt Nam tại Pháp đã trao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh cuốn phim tư liệu về Bác trong những ngày ở Pháp.
Ngày 23/6/1946, tại sân bay Le Pougier - thủ đô Paris, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay giữa thủ đô nước Pháp - một nước mà trước đó không lâu từng là kẻ thù của Việt Nam. Nghi thức đón được Chính phủ Pháp cử trọng trọng thể với tư cách dành cho nguyên thủ quốc gia.
Gần 100 ngày hoạt động trên đất Pháp với hơn 400 cuộc tiếp xúc với nguyên thủ quốc gia, chính khách, văn nghệ sĩ và bà con Việt kiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện một bản lĩnh ngoại giao đầy khôn khéo ngay trong lòng nước Pháp - quốc gia lúc này đang có âm mưu quay lại xâm chiếm Việt Nam một lần nữa, sau hơn 80 năm đô hộ.
Ông Trịnh Ngọc Thái, Nguyên Phó trưởng ban đối ngoại Trung ương, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp nhấn mạnh: “Mục đích của Bác sang Pháp lần này là để đòi Pháp công nhận nước Việt Nam là một nước độc lập. Hai nữa là đòi nước Việt Nam là một nước thống nhất. Nam Bộ là thuộc Việt Nam. Trung-Nam-Bắc là một nhà. Lúc bấy giờ, tình hình rất phức tạp và Chính phủ Pháp không chấp nhận yêu sách đó của Bác. Cho nên cuộc đàm phán của Bác cũng như tại hội nghị Fontainebleau không đạt được kết quả, nhưng mà cuối cùng trước khi về nước 2 ngày, Bác Hồ đã ký với Pháp tạm ước 14/9/1946 - Tạm ước Việt-Pháp. Trong tạm ước này không nói được sự công nhận của Chính phủ Pháp về nền độc lập của Việt Nam, cũng như vấn đề thống nhất của Việt Nam. Cho đây là vấn đề tạm ước thôi, chứ không phải là hiệp định chính thức".
Với mong muốn xây dựng tình bang giao Việt - Pháp trên tinh thần bình đẳng, bác ái, bằng nỗ lực không mệt mỏi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xử lý một khối lượng công việc đồ sộ trong suốt chuyến thăm, nhằm hậu thuẫn cho hội nghị Fontainebleau giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, đồng thời tạo điều kiện cho thế giới biết đến nền cộng hòa non trẻ của Việt Nam, tạo tiền đề cho sự ủng hộ quốc tế rộng rãi sau này.
4 tháng thăm Pháp được xem là chuyến đi “lành ít, dữ nhiều”. Tuy nhiên kiên quyết đi đến cùng để bảo vệ nền độc lập non trẻ là thông điệp được nhắc tới trong các cuộc tiếp xúc suốt thời gian ở Pháp. Trong những lần tiếp xúc với bà con Việt kiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Việt Nam phải được thống nhất. Nam Bộ là của Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước khi về nước tôi có một món quà. Gọi là quà bánh thì tôi không có. Tôi chỉ tặng anh, chị em một cái quà khẩu hiệu. Khẩu hiệu đó là: “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”.
Những thước phim là sự chắp ghép những câu chuyện về Bác trong gần 4 tháng trên nước Pháp, nhưng qua đó đã cho thấy tư tưởng ngoại giao mềm dẻo của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm trì hoãn một cuộc xung đột, để cách mạng Việt Nam tránh phải đối phó cùng lúc với nhiều kẻ thù. Những hoạt động ngoại giao ấy được xem như quyết định mẫu mực về sách lược về tận dụng thời cơ, về sự nhân nhượng có nguyên tắc.
Tiếc rằng, những nỗ lực và ước nguyện của Người đã không thành khi thực dân Pháp cố tình gây hấn ở Việt Nam thêm một lần nữa, để rồi sau đó buộc Chủ tịch Hồ Chí Minh phải phát đi lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946", bắt đầu một cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp kéo dài tới 9 năm.

Tác giả : Ngọc Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét