10 công nghệ hứa hẹn thay đổi thế giới

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM:
KHẮC HÙNG (02/09/2011 08:29)

Ngoài những công nghệ, kỹ thuật đã được ứng dụng thành công thì còn rất nhiều phát minh độc đáo có hàm lượng chất xám cao như 10 công nghệ dưới đây vừa được tờ Network World (NW) của Mỹ cập nhật, hy vọng sẽ làm thay đổi cuộc sống của con người trong vòng 10 năm tới.

1. Xuất hiện The Internet of Things

Mọi người đều biết, Internet là công cụ truyền thông vô cùng lợi hại, mang lại nhiều lợi ích cho con người, đã và đang làm thay đổi bộ mặt thế giới cùng nhiều lợi ích thiết thực khác, nhưng tương lai con người sẽ cho ra đời hệ thống liên mạng mới có tên là The Internet of Things (tạm dịch: Internet đa hệ hay Internet mọi thứ) hay hệ thống IPv6.

Bao gồm hàng tỷ hệ thống nhúng, cảm biến và các thiết bị truyền động..., tất cả các thiết bị này đều được tích hợp, kết nối trực tiếp, giúp người thao tác tạo ra hàng loạt các hệ thống tiện ích. IPv6 được ví như một ebook tuyệt vời, tạo ra cuộc sống số và nhiều điều kỳ lạ khác. Đây là dự án đầy triển vọng do các chuyên gia của hãng Ericsson phát minh, dự kiến sẽ trở thành hiện thực trong vòng thập kỷ nữa.

2. Kỷ nguyên "zettabytes"

Năm 2008, ước tính dữ liệu số trên hành tinh chúng ta đạt khoảng 5 exabytes, tương đương với một tỷ đĩa DVD, ba năm sau tăng lên tới 2,2 zettabytes (1 zettabytes tương đương 1.024 exabytes). Theo thống kê, dữ liệu trên trái đất của chúng ta sẽ tăng một cách chóng mặt, nhất là khi hệ thống truyền thông chuyển dần sang phương án trực tuyến. Ví dụ, truyền hình có độ phân giải cao (HD), ba chiều 3D, đĩa Blue Ray... Dự kiến, đến năm 2015 sẽ có tới 91% số liệu của Internet sẽ là hình ảnh vì vậy nhu cầu ra đời công cụ lưu giữ số liệu lớn, kỷ nguyên "zettabytes" sẽ xuất hiện, hay còn gọi là những cơn bão dữ liệu zettaflood để nâng công suất cũng như chất lượng dịch vụ truyền thông (1 zettabyte - ZB bằng 1.000.000.000.000.000.000.000 bytes, tức là 1 tỷ TB, đủ để chứa dữ liệu cho trên 75 tỷ chiếc máy tính bảng iPad dung lượng 16 gigabytes).

3. Khai thác năng lượng các đám mây

Theo dự báo đến năm 2020, 1/3 ba dữ liệu của thế giới sẽ được chuyển lên đám mây và dịch vụ này mỗi năm tăng khoảng 20%. Đến 2014 doanh thu của ngành công nghệ thông tin đạt 1 nghìn tỷ USD, đủ để tạo thêm một mạng Google mới. Điện toán đám mây (cloud computing) là thuật ngữ "hot" ra đời trong thời gian gần đây để nói về việc ảo hoá các tài nguyên tính toán của các ứng dụng đi kèm. Thay vì sử dụng 1 hay nhiều máy tính chủ hữu hình, thì tương lai người ta sẽ dùng các tác nghiệp ảo hoá dạng như đám mây để lưu giữ và truyền gửi số liệu.

4. Hệ thống mạng "Net" tương lai

Theo dự báo 10 năm tới tốc độ các mạng Internet sẽ tăng gấp 3 triệu lần. Hiện tại các nhà khoa học đang nghiên cứu cho ra đời các thế hệ mạng Net mới như mạng liên hành tinh (IN) có thể truyền phát giữ liệu nhanh không bị gián đoạn, hay mạng lượng tử (IN), mạng vật lý lượng tử. Hệ Net này dựa vào vật lý lượng tử, sử dụng các yếu tố giống nhau, theo đó 2 hạt liên kết "vướng" vào nhau rồi lại được tách ra bằng một khoảng cách bất kỳ và một trong hai thay đổi thì hạt kia cũng lập tức thay đổi theo. Mạng tương lai theo thiết kế này sẽ khắc phục được các nhược điểm cố hữu của những mạng hiện có, với tốc độ nhanh hơn và kinh tế hơn.

5. Thế giới sẽ "nhỏ bé" hơn

Nhờ tin học phát triển, kết nối ngày càng lan rộng, đặc biệt là các mạng xã hội sẽ làm thay đổi các nền văn hoá, làm cho con người xích lại gần nhau hơn, thế giới sẽ trở nên "nhỏ bé" hơn. Con người có thể tiếp nhận thông tin nhanh và thuận lợi, đặc biệt là những thông tin cảnh báo ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống con người.

Ví dụ những cảnh báo về sóng thần, động đất... Con người có thể sử dụng tốt hơn "thời gian thực" cho cuộc sống, chẳng hạn người ta có thể gửi điện chia buồn cho các nạn nhân sóng thần ở Nhật Bản trong chốc lát hoặc hiểu được các thông tin thời sự nóng trên quy mô toàn thế giới một cách nhanh hơn, hiệu quả hơn.

6. Công nghệ sản xuất điện năng mới

Tính đến tháng 7/2011, dân số thế giới đã vượt ngưỡng 7 tỷ người. Dân số tăng nhanh đồng nghĩa với việc xuất hiện nhiều thành phố đông dân nên việc giải quyết năng lượng, an ninh lương thực càng trở nên bức xúc. Để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng, con người đã tìm ra nhiều nguồn năng lượng mới, đặc biệt là nguồn năng lượng tái sinh, thân thiện hay gọi là năng lượng sạch, trong đó có năng lượng mặt trời. Hiện nay trên thế giới có 25 "siêu" nhà máy năng lượng mặt trời, mỗi cơ sở này rộng tới 36 dặm vuông (khoảng 93 km2). Tương lai, con người sẽ cho ra đời nhiều công nghệ mới, ví dụ công nghệ chuyển tải điện không dây, hoặc tháng 6/2011 mới đây các chuyên gia ĐH Oregon Mỹ đã nghiên cứu phương pháp mới độc đáo để "in" ra các tế bào quang điện bằng một máy in phun.

7. Công nghệ máy in 3D

Các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu y học tái sinh Wake Forest, Mỹ (WFIRM) hiện đang thực hiện đề tài cho ra đời công nghệ đặc biệt có tên là công nghệ máy in 3 chiều (3D Printing Technology) có thể "in" ra các sản phẩm chữa bệnh cho tới các vật dụng cần thiết, không khác gì cảnh trong phim Star Trek. Công nghệ in 3D hay còn gọi là sản xuất phụ gia là một quá trình hợp nhất vật liệu để tạo ra đồ vật dựa vào các dữ liệu 3 chiều, thường là lớp nọ chồng lên lớp kia, như sản xuất đồ chơi, xe đạp. Thậm chí, các chuyên gia ở Viện WFIRM vừa qua còn chế tạo thành công một quả thận nhân tạo và tuy không phải là các mô sống nhưng nó sẽ mở đường cho một xu hướng mới để sản xuất vật dụng tương tự bằng công nghệ này.

8. Lực lượng lao động "ảo"

Nhằm thay thế cho con người làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại hay tham gia đóng thế trong phim, các nhà khoa học đã tạo ra nhiều thế hệ người máy thông minh, thậm chí có thể hiểu được ý nghĩ của chúng ta. Tương lai vào năm 2020 hãng IBM của Mỹ sẽ hoàn thành dự án mang tên Blu Brain bằng cách dùng phần cứng và phần mềm tạo ra bộ não người hoàn chỉnh để cho ra đời thế hệ rôbốt có trí thông minh y trang con người và dự kiến đến năm 2025, dân số rô bốt sẽ cao hơn con người và đến năm 2035 sẽ thay con người hoàn toàn trong các lao động phổ thông, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khoẻ và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.

9. Y học chữa được nhiều bệnh

Trong vòng 10 năm tới, lĩnh vực y học sẽ đạt được nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ nano để chữa bệnh, cho ra đời nhiều thiết bị siêu nhỏ ví dụ như nanobots có khả năng làm thay các bộ phận của con người, ứng dụng giao diện người - máy cho phép người mắc bệnh về cột sống, bại liệt đi lại bình thường, hoặc sử dụng những công nghệ hiện đại giúp người mù giao tiếp được bình thường, hoặc dùng các thiết bị cấp nano để đưa thuốc vào cơ thể làm công việc "nội soi" trong cơ thể con người.

10. Con người "tự tiến hoá"

Thập kỷ tới được các nhà khoa học ví là giai đoạn "tự tiến hoá" của nhân loại, trong đó ứng dụng các tiến bộ lĩnh vực y khoa để làm công cụ giúp con người tự tiến hoá và trở nên thông minh hơn.

Dưới đây là một số tiến bộ y học, hỗ trợ cho tiến trình tự tiến hoá của con người trở nên nhanh hơn:

- Tháng 7/2009, các nhà khoa học Tây Ban Nha tìm ra hợp chất để tạo ra khả năng nhớ dạng ảnh đồ hoạ (photographic memory).

- Tháng 10/2009, các nhà khoa học Italia và Thuỵ Điển đã phát triển thành công cánh tay nhân tạo có khả năng nhận biết cảm giác.

- Tháng 3/2010, khoa học cấy ghép thành công võng mạc giúp người mù nhìn được.

- Tháng 6/2011, Viện Tim mạch Texas, Mỹ đã nghiên cứu chế tạo thành công một trái tim "biết quay" có xung, không bị tắc nghẽn và không hề gặp sự cố khi vận hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét