Cần quản chặt dịch vụ “chuyển phát nhanh” bằng xe khách - Can quan chat dich vu “chuyen phat nhanh” bang xe khach

CAND Online
0:12:00 01/09/2011

Cùng với sự phát triển của loại hình vận tải hành khách bằng xe khách là việc gia tăng chóng mặt dịch vụ "chuyển phát nhanh" thông qua các nhà xe. Và sẽ không có gì đáng bàn nếu như thời gian qua đi kèm với loại hình dịch vụ này không phát sinh nhiều vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật phát sinh…

"Chuyển phát nhanh" bằng xe khách: Giao dịch chớp nhoáng

Đã nghe nhiều về loại hình "chuyển phát nhanh" tiền, hàng hóa bằng xe khách, song khi tiếp xúc với phụ xe tuyến Hà Nội - Nam Định tên Tuấn, chúng tôi ngỡ ngàng trước hoạt động giao dịch chớp nhoáng của dịch vụ này. Theo Tuấn thì chỉ cần có tiền là "hàng" được chuyển ngay đến nơi nhận; ngày nào cũng có xe đảm nhận dịch vụ này...

Để kiểm chứng những lời quảng cáo trên, chúng tôi tìm tới khu vực Bến xe Nước ngầm. Chiều 29/8, tiếp xúc với tài xế nhà xe D.H, có số điện thoại 097571xxxx chạy tuyến Hà Nội - Quảng Bình, chúng tôi được hay, bên cạnh vận tải hành khách, nhà xe còn nhận thêm dịch vụ "chuyển phát nhanh" hàng hóa, thư tín, thậm chí cả tiền. Cước phí chuyển các mặt hàng kiểu này từ Hà Nội vào Quảng Bình dao động từ 50 ngàn đồng - 60 ngàn đồng.

Qua quan sát, dù còn vài giờ đồng hồ nữa, xe mới xuất bến, thế nhưng, lượng khách có nhu cầu "chuyển phát nhanh" tìm đến nhà xe để nhờ chuyển hàng mỗi lúc một đông. Thời gian giao dịch khá chớp nhoáng. Từ khâu trả tiền, nhận hàng, cung cấp số điện thoại để người nhận gọi tới lấy đồ… tất cả diễn ra chưa đầy 5 phút.

Tìm hiểu tại một số bến xe có lưu lượng xe tham gia loại hình vận tải hành khách liên tỉnh đông như: Bến xe phía Nam (với hơn 850 lượt xe đi các tỉnh/ngày); Bến xe Mỹ Đình (trên 950 lượt xe); Bến xe Lương Yên (khoảng 260 lượt xe/ngày) v.v... chúng tôi cũng được hay, hầu hết tài xế chạy các tuyến xe đều kiêm nhiệm thêm dịch vụ "chuyển phát nhanh".

Đáng chú ý, loại hình dịch vụ này tỏ ra khá "phát triển" và thịnh hành đối với các "nhà xe" không vào bến đón khách. Nói vậy cũng bởi, trong một chuyến công tác gần đây lên tỉnh Lạng Sơn, sau khi "bắt" chiếc xe khách "bay" mang nhãn hiệu Ford transit (của nhà xe Q.B, có lịch trình đón khách tại khu vực chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - xe không có hợp đồng vận tải hành khách với bến, chạy tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, chúng tôi đã "tận mục" chứng kiến cảnh giao dịch nhận hàng suốt dọc tuyến QL: Hà Nội - Lạng Sơn. Việc giao dịch, tất cả được thực hiện theo công thức: "thu tiền phí vận chuyển + nhận hàng + cung cấp số điện thoại, biển số xe của nhà xe để người nhận hàng liên hệ, lấy đồ"…

Tiện thì có tiện, nhưng phải quản chặt để ngừa hệ lụy

Thực tế không thể phủ nhận, việc gia tăng các loại hình dịch vụ "chuyển phát nhanh" bằng xe khách thời gian qua đã tạo ra nhiều tiện ích cho người dân như: giản tiện thời gian gửi đồ; hàng được chuyển tận tay đến người nhận; người gửi đồ không phải trực tiếp ngồi trên các chuyến xe…Tuy nhiên, bên cạnh những tiện dụng trên, loại hình "chuyển phát nhanh" này còn đặt ra nhiều vấn đề đáng bàn.

Căn nguyên cũng bởi, trong quá trình giao dịch, các lái - phụ xe thường chỉ thực hiện "hợp đồng" trên bằng chữ "tín" - hợp đồng miệng thay vì ký kết bằng văn bản. Dẫn đến nguy cơ rủi ro phát sinh luôn tiềm ẩn.

Nhiều nhà xe đang kiêm thêm dịch vụ “chuyển phát nhanh” - cần quản lý chặt.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như trong trường hợp, hàng hóa, đồ đạc, tiền mà khách gửi không may bị thất lạc thì lấy cơ sở pháp lý nào để giải quyết(!). Việc phát sinh mâu thuẫn giữa 2 bên trong trường hợp này là điều khó tránh khỏi.

Thứ nữa, đối với các mặt hàng "chuyển phát nhanh" được bọc - gói ni lông, đóng hộp kỹ càng, do không muốn đánh mất chữ "tín" cũng như thực hiện theo lời giao kết với khách hàng: "Không được mở gói hàng" trước đó, nên các lái - phụ xe đã bỏ qua khâu kiểm định. Để rồi, nếu không cảnh giác, các mặt hàng cấm "núp" sau các gói hàng nghiễm nhiên sẽ đến được tay đối tượng tiêu thụ. Như vậy lái - phụ xe trở thành đối tượng gián tiếp tiếp tay cho hoạt động phạm pháp.

Trên thực tế, thời gian qua, đã có nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến loại hình "chuyển phát nhanh" dạng này. Mới đây, ngày 22/8, lực lượng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hải Phòng phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ đối tượng "giao dịch" 4 gói heroin thông qua dịch vụ "chuyển phát nhanh".

Trước đó, sáng 21/8, khi đi đến địa phận thị trấn An Lão, huyện An Lão (Hải Phòng), xe khách mang BKS 47V-193x chạy tuyến Hải Phòng - Đắk Lắk bỗng gặp một cô gái vẫy xe bên đường. Cô gái này sau đó đã nhờ "chuyển phát nhanh" một lọ thực phẩm (mắm cáy) cho một người quen ở tỉnh Đắk Lắk. Sau khi tiếp nhận lọ quà trên, trên đường đi, lái xe đã nghi ngờ về những cử chỉ của vị khách trên cùng chiếc lọ đựng mắm cáy này. Tiến hành mở lọ thực phẩm ra, nhà xe phát hiện bên trong lọ, ngoài mắm cáy ra còn có 4 gói bột nghi là heroin.

Ngay sau đó, nhà xe đã báo lại thông tin cho cơ quan Công an. Và chính nhờ sự cảnh giác này, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Đắk Lắk và Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Hải Phòng đã bắt giữ được đối tượng tham gia đường dây mua bán trái phép số ma túy trên khi đối tượng đang "nhận hàng" tại Km110 - QL14, đoạn đi qua địa phận huyện Ea Hleo tỉnh Đắk Lắk.

Về vấn đề trên, trao đổi với lãnh đạo Bến xe Lương Yên (Hà Nội), chúng tôi được ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Bến xe cho hay, theo quy định, Bến không có thẩm quyền trong việc kiểm tra, mở các hộp quà, bao bì đựng hàng…mà khách hàng giao dịch với các nhà xe. Do vậy, để ngăn chặn những nguy cơ có thể phát sinh đi kèm, bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm đối với lái, phụ xe trong quá trình giao dịch, nhận vận chuyển thêm hàng hóa, lãnh đạo Bến thường xuyên tổ chức ký cam kết với các nhà xe về việc: Không nhận, vận chuyển hàng cấm, hàng vi phạm; nếu vi phạm sẽ bị đình tài, chấm dứt hợp đồng vào bến đón, trả khách; giao cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý v.v...

Vậy nên, việc đưa ra những biện pháp đồng bộ trong công tác quản lý loại hình "chuyển phát nhanh" bằng xe khách đang có chiều hướng phát triển như hiện nay đang là vấn đề "nóng" cần sớm được cơ quan chức năng lưu tâm.

Theo Đại úy Nguyễn Hữu Thắng, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV (Công an tỉnh Lạng Sơn) thì việc quản lý loại hình "chuyển phát nhanh" bằng xe khách cần phải được thắt chặt hơn nữa. Bởi thời gian qua, lưc lượng Công an tỉnh đã phát hiện bắt giữ hơn 21 vụ tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Trong số này, có không ít trường hợp các đối tượng đã lợi dụng loại hình vận tải bằng xe khách để "tuồn" hàng lậu về xuôi.

Một số vụ vi phạm có liên quan

1. Tối 15/8, tại Km 732 QL1A, thuộc địa phận xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Linh (Quảng Trị), Đội tuần tra giao thông 8.1, Phòng CSGT tỉnh Quảng Trị qua kiểm tra chiếc xe khách chạy tuyến Bắc - Nam, mang BKS 99K-93xx do tài xế Đinh Minh Hiếu, 33 tuổi, ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) điều khiển đã phát hiện 3.900 khẩu súng đồ chơi; 380 dụng cụ làm tóc phụ nữ; 70 tuýp mỹ phẩm... nhập lậu.

2. Ngày 25/8, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị qua tuần tra kiểm soát đã bắt quả tang đối tượng Đậu Xuân Duyên, 53 tuổi, quê quán Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khi đang nhận "hàng" - gồm 8 bánh heroin được gửi trên một chiếc xe khách chạy tuyến Lào - Việt tại khu vực thuộc phường Đông Lương, TP Đông Hà (Quảng Trị).


Trần Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét