Quang Ngọc (02/09/2011 07:00) | |||
Tại sao đậu phụng chỉ mỗi một giống từ ngày xưa? Đó là câu hỏi của tân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến về thăm quê hương Đức Hòa, Long An mới đây. Không có câu hỏi của Chủ tịch nước thì có lẽ bao cán bộ ở Long An đã quên khuấy rằng năng suất đậu phụng 40 năm nay ở Đức Hòa không thay đổi.
TỪ “VANG BÓNG MỘT THỜI” Ừ thì đậu phụng là cây trồng phụ, nhưng lúa là cây trồng chính vẫn bị lãng quên. Ngày nay nói đến Đồng Tháp Mười là nói đến vựa lúa rộng hơn 600.000 ha tức là bằng với đồng bằng sông Hồng, thâm canh 3 vụ. Quá khứ “cánh đồng chết”, “cánh đồng lau sậy” từ thủa hoang sơ đã dần lùi vào dĩ vãng. Những câu ca “cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy…” thế hệ lớn lên sau này hầu như không biết nữa, riêng chuyện ma về cô gái mặc áo trắng đêm đêm hiện hình ở Tân Thạnh, trên quốc lộ 62 thì nhiều người vẫn còn sởn gai ốc. Tân Thạnh cách TP Tân An chỉ 35 km mà còn có ma, huống chi đường đến Trung tâm Nghiên cứu và thực nghiệm Nông nghiệp Đồng Tháp Mưới thăm thẳm, cách Tân An đến 85 km. Khen cho quan chức ngành Nông nghiệp những năm 1980 đã có tầm nhìn xa khi nâng cấp trung tâm kiến thiết vùng lúa Vĩnh Hưng thành Trung tâm Nghiên cứu và thực nghiệm nông nghiệp. Người được hưởng lợi trực tiếp đầu tiên từ trung tâm này là phân lân nung chảy Văn Điển, lân Lâm Thao, lân Long Thành. Trước đây người dân Nam bộ chỉ biết DAP, phân “xi măng” không được biết đến. Vậy mà sản lượng tiêu thụ lân hiện nay ở vùng này đã lên tới hàng chục vạn tấn. Việc đưa phân lân vào quy trình canh tác trên đất phèn song hành với các biện pháp ém phèn, rửa phèn, tuyển chọn giống lúa chịu phèn năng suất cao không những đã làm nên tên tuổi cho trung tâm mà cả Việt Nam. Tại phòng bảo tàng của Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế- IRRI, Việt Nam có 3 đóng góp ấn tượng – Giống lúa nổi dài hơn 5 m, dụng cụ sạ hàng cải tiến từ nghiên cứu của IRRI và biện pháp sạ ngầm. Sạ ngầm, có khi sạ ở mực nước sâu 50 cm là đặc hữu của nông dân Đồng Tháp Mười, không phải của thiên nhiên, không phải ngoại lai, được trung tâm Đồng Tháp Mười phát hiện, tổng kết và nhân rộng. Hiện nay vùng này đã được ngọt hóa nhiều, giải pháp sạ ngầm không còn cần thiết nhiều nữa nhưng khó tưởng tượng nếu không có nó trong những ngày đầu khai hoang. Đóng góp lớn nhất trong những nguyên nhân đưa công cuộc chinh phục Đồng Tháp Mười thành công trước hết thuộc về chính sách “cởi trói cho nông dân”, thứ nữa là đầu tư lớn cho hệ thống thủy lợi và sau đó nữa là các tiến bộ kỹ thuật canh tác trên đất phèn. Không thể phủ nhận đầu tư của nhà nước cho trung tâm bằng việc bố trí nhân lực, phân bổ kinh phí, hợp tác quốc tế… để làm nên một trung tâm “vang bóng một thời”. ĐẾN TRUNG TÂM “BỊ LÃNG QUÊN” Đấy là chuyện ngày xưa, còn ngày nay, khi Đồng Tháp Mười cơ bản đã hoàn thành mục tiêu khai hoang, khi cả cánh đồng liền 3 tỉnh không còn một mét đất hoang thì ánh hào quang của trung tâm vụt tắt. Thật khó hình dung kinh phí cho Trung tâm “vang bóng một thời” hiện nay là 400 triệu đồng/năm, chỉ bằng vài phần trăm so với các trung tâm nghiên cứu khác. Thật khó hình dung với chức năng “bộ não khoa học, kỹ thuật của Đồng Tháp Mười” mà chỉ có 20 CNCNV, trong đó cao nhất chỉ có 2 thạc sỹ, 10 kỹ sư. Trung tâm đã từng có 4 tiến sĩ và chục người tâm huyết khác, họ đã đi đâu khi công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười cơ bản thành công? Giang, một kỹ sư tốt nghiệp Đại học Đà Lạt mới về công tác 2 năm cho biết, cô đang hoàn toàn yên tâm công tác tại nơi heo hút này nhưng khi hỏi về thu nhập thực tế thì ấp úng mãi mới ra con số 1,9 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể "phần mềm" 200.000 đồng. Giang là kỹ sư độc thân có thể còn chịu đói, chịu buồn để yên tâm cống hiến nhưng những người đã có gia đình gắn bó với trung tâm bao nhiêu năm nay xoay xở ra sao? Câu trả lời – làm ruộng. Ruộng thực nghiệm của Trung tâm rộng tới 100 ha. Vậy là trung tâm chia cho các gia đình nhận khoán, gia đình cán bộ lại khoán lại cho dân theo kiểu “phát canh thu tô”. Chẳng khá lên được những cũng đắp điếm qua ngày. Cũng vì “đói đầu gối phải bò” mà chính quyền Long An đang ráo riết thu hồi ruộng thực nghiệm về cho địa phương quản lý vì “sẽ mang lại hiệu quả hơn”. VẪN RẤT CẦN KHOA HỌC
Các chuyên gia về đất phèn cho biết – Nước ngọt là điều kiện tiên quyết để trị phèn. Để thủy cấp không bị tụt, đảm bảo nguyên tắc “đáy ướt mặt khô” thì việc giữ nước, trữ nước cần được nghiên cứu ngay, điều này không chỉ để phục vụ Đồng Tháp Mười mà cả tứ giác Long Xuyên với tổng diện tích cũng ngang ngửa với Đồng Tháp Mười. Dẫu sao chuyện biến đối khí hậu, nước biển dâng nước ngọt giảm cũng là chuyện của tương lai, còn hiện tại Đồng Tháp Mười vẫn rất cần khoa học vì nhìn chung mặt bằng mức sống và điều kiện sống của dân chúng vùng Đồng Tháp Mười vẫn thấp hơn các vùng khác. Bởi vậy mong mỏi có tiến bộ về cây đậu phụng của Chủ tịch nước chỉ là một gợi ý mong sao khoa học cho Đồng Tháp Mười không bị bỏ rơi.. |
Đồng Tháp Mười - Bỏ rơi khoa học
BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM:
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét