New York trở thành “thành phố ma”

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Hai, 29/08/2011, 05:03 (GMT+7)

Bão Irene vào bờ Đông nước Mỹ: New York trở thành “thành phố ma”

TT - Sau khi làm chết ít nhất 11 người và buộc 1,5 triệu người phải di tản, bão Irene đã ập vào New York từ đêm 27 rạng sáng 28-8 (giờ VN).

Quảng trường Thời Đại ở thành phố New York trở nên đìu hiu ngày 28-8 - Ảnh: AFP

>> Bão Irene tiến vào Mỹ, sơ tán hơn 2 triệu người
>> Bờ Đông nước Mỹ nín thở chờ bão Irene
>> 9 người tử vong do bão Irene

Trung tâm Bão quốc gia Mỹ đã hạ mức cảnh báo cường độ của cơn bão từ cấp độ 2 xuống cấp độ 1, sau khi cơn bão có dấu hiệu suy yếu kể từ khi vào đất liền ở bang Bắc Carolina.

Ngập lụt đã bắt đầu xảy ra trên các đường phố ngày 28-8, sau khi bão Irene tấn công các thành phố lớn nhất của miền đông bắc với gió to và mưa lớn kéo dài. Thị trưởng New Jersey Chris Christie tiếp tục cảnh báo người dân không được rời khỏi nhà của mình vì chưa an toàn, khi lụt lội và bão quét đang diễn ra ở nhiều khu vực của bang. Khoảng 3 triệu người ở bốn bang đã bị ảnh hưởng từ việc mất điện do bão.

Ở Hạ Manhattan tại New York, sông Hudson và sông Đông đã tràn bờ. Tuy nhiên, ảnh hưởng lớn nhất của đợt lụt chưa rõ ràng vì hầu hết hệ thống điện và các hạ tầng khác đều dưới mặt đường. Như vậy, lụt lội có thể ảnh hưởng tới đời sống của thành phố ngay cả khi nước đã rút.

AFP mô tả các tòa nhà chọc trời của Manhattan phải hứng chịu những trận gió lớn với tốc độ 80km/giờ lúc sáng sớm và có lúc lên đến 130km/giờ. Một lò phản ứng hạt nhân đã tự ngưng hoạt động tại bang Maryland do gió mạnh.

Thị trưởng New York Michael Bloomberg yêu cầu người dân ở lại nhà. “Đừng chạy ra đường, hãy ở lại nhà hay ở trong những trung tâm tiếp nhận” - ông nhấn mạnh và cảnh báo đã quá muộn để di tản đối với những ai chưa di tản khỏi những khu vực có thể bị ngập lụt bởi “thiên nhiên mạnh hơn rất nhiều so với tất cả chúng ta”.

Giao thông công cộng, trong đó có hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt và phà, dừng hoạt động, các sân bay đóng cửa. New York, vốn là thành phố đông ngợp người đi lại như lễ hội vào ngày cuối tuần, giờ hoang vắng như một “thành phố ma”.

Tại Manhattan, các quán rượu và nhà hàng đều đóng cửa, các chương trình biểu diễn trên phố Broadway bị hủy bỏ, những dòng du khách thường ngày giờ vắng bóng ở quảng trường Thời Đại. Thành phố lớn nhất nước Mỹ này giờ như bị tê liệt.

370.000 người đã di tản theo lệnh của thị trưởng trước tối 27-8 khỏi các vùng có nguy cơ bị ngập lụt của thành phố, một điều chưa từng thấy ở New York. Ngay từ sáng sớm, thị trưởng Michael Bloomberg phải ra sức hò hét: “Đây là chuyện sống chết, đừng nấn ná” do lo ngại nước dâng cao đột ngột gây lũ lụt và cúp điện.

11 người đã thiệt mạng ở Bắc Carolina, Virginia và Florida. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất là một bé trai 11 tuổi, thiệt mạng khi cây đổ làm sụp căn nhà của em ở Newport News, bang Virginia. Bão Irene đã di chuyển dọc bờ Đông, hướng về Washington, New York và Boston, một trong những vùng đông dân nhất thế giới với 65 triệu dân cư, kèm theo những cơn sóng cao 3-4m, Trung tâm Bão quốc gia cho biết.

Hơn 8.000 chuyến bay bị hủy và gần 2 triệu người phải di tản, trong đó hơn một nửa ở New Jersey. Việc đóng cửa ba sân bay của New York, trong đó có sân bay quốc tế John F. Kennedy, đã gây nên cảnh hỗn loạn với hàng ngàn chuyến bay bị hủy.

Theo ước tính của các chuyên gia, thiệt hại do bão Irene gây ra có thể lên tới 12 tỉ USD.

Tổng thống Barack Obama đã phải cắt ngắn ngày nghỉ để sát cánh chống bão cùng nhóm giải quyết các tình huống khẩn cấp bao gồm Phó tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng nội vụ Janet Napolitano do cơn ác mộng Katrina vẫn chưa phai mờ.

Năm 2005, siêu bão Katrina đã tràn vào bờ vịnh phía nam, làm hàng ngàn người ở New Orleans, nhất là người nghèo, rơi vào cảnh khốn cùng do đã không được chuẩn bị để chống bão, khiến chính quyền địa phương và liên bang dưới thời tổng thống George Bush bị chỉ trích nặng nề.

Do vậy lần này chính quyền Obama đã nâng cao cảnh giác hơn. Lầu Năm Góc đã cho 200 xe tải chở đầy hàng cứu trợ khẩn cấp và hơn 100.000 lính phòng vệ quốc gia sẵn sàng trực chiến. Hội Chữ thập đỏ Mỹ thiết lập hàng chục nơi tạm trú dọc bờ Đông.

Hệ thống Saffir-Simpson, được sử dụng từ năm 1971, xếp loại các cơn bão ở Đại Tây Dương và ở phía đông bắc Thái Bình Dương theo năm cấp độ từ 1 đến 5, tùy theo tốc độ gió (tính trên phút) ở độ cao 10m và mực nước biển dâng.

Tuy nhiên, hệ thống xếp loại này chỉ mang tính hướng dẫn. Quy mô gây thiệt hại của một cơn bão còn tùy thuộc trực tiếp vào kết cấu của các tòa nhà, nền địa tầng, loại cây trồng... Lụt lội và nạn chuồi đất thường gây nên số người chết và bị thương nhiều nhất. Do vậy, một cơn bão cấp 1 và 2 có khi gây nên sự thiệt hại bi thảm tương đương một cơn bão cấp 4 và 5.

HẠNH NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét