1kg lá vải thiều giá 1.000 đồng: Coi chừng bẫy!

Cập nhật lúc : 2:53 PM, 09/12/2011
(VOV) - 1kg lá vải thiều khô giá 1.000 đồng, đã có người nhân đà này tỉa bớt cành tươi để bán.  
Gần đây lại rộ lên chuyện ở Bắc Giang, thương nhân mua gom lá vải thiều khô, bảo là đem xuất khẩu. Xâu chuỗi với những sự việc bất thường khác xảy ra từ trước tới giờ mới thấy câu chuyện này có điều gì đó bất ổn cần phải cảnh giác. 
Cùng nhìn lại chuyện đỉa xảy ra cách đây không lâu. Ở nhiều tỉnh đồng bằng Bắc bộ như: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng rộ lên chuyện các thương nhân nước ngoài thu mua đỉa để xuất khẩu. Giá mỗi cân loài động vật chuyên hút máu này được trả tới cả triệu đồng. Thế là nông dân đua nhau thu gom đỉa bán cho thương lái. Có người còn tính đến chuyện nhân giống, mở trang trại nuôi đỉa để đảm bảo nguồn cung. Rồi bất ngờ những thương lái nước ngoài biến đâu mất, những đại lý thu gom cũng biến đâu mất. Đỉa gom về chẳng bán được đành đổ đi. Thế là những ao ngòi ở nhiều làng quê bỗng dưng nhung nhúc những đỉa. Không chỉ ở các tỉnh phía Bắc, cũng trong thời gian ấy, ngay tại TP HCM cũng có chuyện thương nhân nước ngoài thu mua đỉa.
Những vườn vải xanh tốt liệu có bị cắt cành lấy lá.
Một phụ nữ ở huyện Hóc Môn mở đại lý thu mua. Thế là người dân cũng đua nhau đi bắt. Đỉa từ mạn Tây Ninh, Long An, Tiền Giang được gom về Hóc Môn. Rồi cũng một ngày, đại lý dừng mua bảo thương lái nước ngoài không mua nữa. Thế là đỉa cũng được thả về tự nhiên. Bao nhiêu đỉa ở cả vùng quê rộng lớn mấy tỉnh dồn về cả đây nên mật độ trở nên dầy đặc, đến nỗi chẳng ai dám rúng chân rúng tay xuống những đìa nước vốn trong sạch xưa nay. 
Rồi chuyện thu mua “chè bẩn” hồi giữa năm nay. Có thương nhân nước ngoài về tận các vùng đất chè Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, tiếp thị công nghệ “thổ phỉ” sản xuất chè bẩn, rồi thu mua sản phẩm đem xuất khẩu.  Công nghệ ấy thật ghê rợn, lấy phân lân, bột đá, bột quặng trộn lẫn vào chè trong quá trình xao. Sản phẩm làm ra đến đâu được thu mua hết đến đấy. 
Làm chè bẩn siêu lợi nhuận; bình thường phải mất 5 cân chè tươi mới được 1 cân chè khô; nhưng với công nghệ thổ phỉ  này, chỉ cần 3 cân chè tươi cho ra 1 cân chè bẩn. Lại nữa sản phẩm làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu nên nông dân rất ham, lao vào làm chè bẩn dẫn đến tình trạng các nhà máy chè trong vùng thiếu nguyên liệu sản xuất.
Có nhà máy chè ở Văn Chấn Yên Bái, 2 tháng liền không thu mua được cân chè tươi nào để chế biến, đứng trước nguy cơ phá sản. Phong trào làm chè bẩn chỉ dừng lại khi  báo chí vào cuộc và cảnh báo về nguy cơ thương hiệu chè Việt Nam có thể bị chè bẩn bôi nhọ trên thị trường quốc tế.
Đến lúc ấy, có người mới giật mình, liên hệ đến sự việc xảy ra cách đây 4 năm cũng liên quan đến chè. Thời điểm ấy cũng có thương lái nước ngoài vào tiếp thị công nghệ làm chè vàng rồi bao tiêu sản phẩm với giá rất cao. Nhưng sau đó vào dịp Olympic 2008, sản phẩm chè vàng bị đem bôi xấu, ảnh hưởng đến thương hiệu chè Việt Nam.
Những vụ việc này làm chúng ta nhớ lại những câu chuyện bất thường khác xảy ra liên tục nhiều năm. Thương nhân nước ngoài vào Việt Nam thu mua móng trâu, rễ hồi, râu ngô, mèo đen… Mỗi bộ móng trâu giá hơn cả một con trâu, mỗi cân rễ hồi giá cao hơn cả cân hoa hồi, làm nhiều người hám lợi trước mắt mà để mất hết sức kéo, mất mùa ngô, mùa hồi. Nguy hiểm hơn, những thương vụ lạ thường ấy gây mất trật tự an ninh xã hội. 
Trở lại câu chuyện thu mua lá vải thiều khô ở Lục Ngạn Bắc Giang. Chừng 1 tháng nay, cũng có những thương lái tìm về vùng vải thiều lớn nhất cả nước này thu mua lá khô bảo để xuất khẩu. Một cân lá vải thiều khô được trả 1.000 đồng. Thấy thứ phế liệu bỗng dưng có giá, nhiều người cũng thu gom đem bán. Lá vải thiều khô làm thuốc, chưa biết thật khư thế nào, nhưng đã có người nhân đà này tỉa bớt cành tươi để bán. Việc thu mua bất thường ấy cũng cảnh báo một nguy cơ có kẻ hám lợi đột nhập vào vườn vải hàng xóm bẻ cành tươi để bán lá khô.
Nhiều chuyên gia nông học cảnh báo: hiện không phải là thời điểm tỉa cành, tạo tán chính trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây vải thiều; nếu tỉa cành để lấy lá với số lượng lớn sẽ làm cho cây chuyển sang ra lộc, thay vì ra hoa, ảnh hưởng lớn năng suất, sản lượng của cả vụ.
Và xâu chuỗi vụ việc thu gom lá vải thiều khô đem xuất khẩu với những sự việc bất thường khác xảy ra từ trước tới giờ, thấy câu chuyện này có điều gì đó bất ổn cần phải cảnh giác./.
Đặng Quang Thương/VOV1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét