Cập nhật lúc : 3:25 PM, 12/12/2011
(VOV) - So với các nước trong khu vực, có lẽ giờ đây bóng đá Việt Nam đang thực sự thụt lùi kể cả về thành tích lẫn trình độ chuyên môn
Bóng đá nói riêng hay nền thể thao Việt Nam nói chung là tấm gương phản chiếu mức độ phát triển của một xã hội, một nền kinh tế. Không phải vô cớ mà đại đa số các nước có nền kinh tế phát triển cũng có một nền thể thao mạnh. Ở đó thể thao được đầu tư đầy đủ, được hỗ trợ để phát triển.
Các vận đông viên được chăm sóc đầy đủ, trong luyện tập và thi đấu được sự hỗ trợ tối đa của các thiết bị khoa học kỹ thuật tối tân. Khi đạt thành tích cao trong thi đấu họ cũng có những giải thưởng xứng đáng, sẽ trở thành những biểu tượng của một nền thể thao, thậm chí là một đất nước, là đại sứ của các nhãn hàng với mức thu nhập lớn từ các hợp đồng quảng cáo. Nếu như chẳng may không thể trở thành các vận động viên chuyên nghiệp thì với việc được học tập song song trong quá trình luyện tập họ cũng được trang bị những kiến thức để có thể rẽ ngang với một nghề nghiệp trong xã hội.
Ở Việt Nam khi đã theo nghiệp thể thao, các vận động viên thường bỏ ngang việc học tập. Và vì thế mà khi chia tay sự nghiệp thể thao các vận động viên đề khó có thể kiếm cho mình một nghề để sinh sống. Hiện tại cũng chỉ mới có bóng đá là các cầu thủ mới yên tâm sống với nghề và có cơ hội tích luỹ, chuẩn bị cho cuộc sống sau nghiệp cầu thủ. Đó cũng chính là trăn trở và là lực cản lớn nhất khiến nhiều bậc phụ huynh không muốn cho con em mình theo nghiệp thể thao. Và từ đó, thể thao Việt nam nói chung, bóng đá nói riêng tự đánh mất những cơ hội tuyển chọn tài năng thực sự.
Bóng đá Việt Nam kể từ khi hội nhập trở lại với khu vực Đông Nam Á năm 1991 đến nay đã là 20 năm. Với rất nhiều thế hệ cầu thủ, trong đó có cả "thế hệ vàng" thì thành tích cao nhất cũng chỉ là tấm huy chương bạc SEA Games. Ở cáp độ đội tuyển, bóng đá Việt Nam cũng chỉ một lần duy nhất bước lên bục vinh quang khi giành chiến thắng một cách may mắn ở giải Vô dịch Đông Nam Á - AFF CUP (trước đây là TIGER CUP).
Sẽ là vô tình phủ nhận toàn bộ nếu như nói rằng nền bóng đá của chúng ta không phát triển, nhưng quả thực ở đây có những cái ngưỡng mà dường như chúng ta chưa thể vượt qua. Có những vấn đề cần được đặt ra và mổ xẻ một cách nghiêm túc xem chúng ta đã làm được gì và những gì thụt lùi so với cách đây 20 năm. Đó là công tác tổ chức, kỹ chiến thuật, thậm chí cả những vấn đề như sự phát triển về tầm vóc của các cầu thủ.
Công tác tổ chức sau bao nhiêu năm dường như vẫn vậy. Bóng đá thời bao cấp với vấn nạn xin cho tưởng như đã chấm dứt khi chúng ta bước chân vào chuyên nghiệp. Nhưng liệu mấy ai có thể tin vào sự thay đổi khi mà công tác tổ chức vẫn còn quá nhiều bất cập; khi mà cầu thủ - những nhân vật chính trên sân cỏ vẫn nghiệp dư cả trong tập luyện, thi đấu lẫn ý thức nghề nghiệp, nhưng vẫn nghiễm nhiên được hưởng một chế độ lương bổng khiến cả xã hội phải ngưỡng mộ và mơ ước.
Việc chuẩn bị cho những giải đấu được gọi là mục tiêu lớn cần chinh phục của bóng đá Việt nam cũng chẳng có gì đổi khác. Đó là chọn vội vàng một huấn luyện viên ngoại, giao chỉ tiêu, tổ chức một vài giải đấu cọ sát mà không cần quan tâm là có phù hợp hay không. Trước khi vào giải vẫn là những đợt tập trung dài dằng dặc với những hình thức điểm danh, cấm trại như cách đây 20 năm.
Về kỹ chiến thuật, mọi sơ đồ thi đấu cũng chỉ là hình thức. Vấn đề là các cầu thủ trên sân vận hành ra sao. Trước đây chiến thuật 5-3-2 chú trọng phòng ngự chiếm đa số ở các đội bóng, còn bây giờ nghe qua thì 4-4-2, 4-2-3-1 cho hợp với xu thế phát triển của bóng đá hiện đại trên thế giới, còn thực chất vẫn là chuyền dài cho các tiền đạo ngoại tự xử lý, còn các cầu thủ khác chủ yếu là phòng ngự, phá lối chơi của đối phương với những tiểu xảo, những pha vào bóng triệt hạ đối thủ.
Về tầm vóc cầu thủ cũng như kỹ thuật và nhãn quan chiến thuật thì đây chính là điểm thụt lùi của bóng đá Việt Nam. Đâu rồi những trung phong dũng mãnh trong thi đấu như Huỳnh Đức, Minh Chiến, những hậu vệ thi đấu mềm mại mà vẫn không hề kém hiệu quả như Đỗ Khải, những hậu vệ biên lên công về thủ toàn diện như Công Minh, Đức Thắng…
Bóng đá Việt Nam giờ đang thiếu những tiền vệ tài hoa như Hồng Son |
Và còn hiếm hơn nữa những tiền vệ tài hoa với quả bóng dính trong chân, với những đường chuyền có thể xé toang hàng thủ đối phương như Hồng Sơn, Việt Hoàng, Minh Hiếu… Người viết luôn trân trọng những pha xả thân của Trọng Hoàng, những pha bóng lắt léo của Thành Lương, nhưng quả thật là tính hiệu quả, vai trò thủ lĩnh thì vẫn là những hình ảnh mờ nhạt.
Kết quả là sự quan tâm của những người hâm mộ dần nhạt đi. Các sân bóng dần trở nên vắng tanh, cuộc chơi dường như chỉ còn tồn tại trong nội bộ các cầu thủ, các ông bầu chứ không phải của đa số những người hâm mộ. Chúng ta có thể đổ lỗi cho việc ngày nay có những thú vui khác hấp dẫn giới trẻ, những trận cầu nóng bỏng bên trời Âu. Nhưng chúng ta sẽ lý giải ra sao với việc những trận cầu "phủi" của các cầu thủ -tạm gọi là nghiệp dư- vẫn đông nghịt người xem và người tham gia.
Như đã đề cập, bóng đá là tấm gương phản chiếu xã hội. Khi xã hội có những chuyến biến, đời sống kinh tế được nâng lên, bóng đá cũng có nhièu cơ hội để phát triển. Thực tế là bóng đá Việt nam sau 11 năm là chuyên nghiệp thử nghiệm đã và đang có những dấu hiệu khởi sắc. Đó là nguồn tiền đầu tư lớn hơn, cầu thủ được trả lương cao hơn; thị trường chuyển nhượng cầu thủ sôi động, vận hành theo đúng cơ chế thị trường.
Nhưng những thay đổi này chưa mang đến những thay đổi về chất khi mà cách làm bóng đá vẫn thiếu tính kế hoạch và sự bài bản căn cơ. Các ông bầu sẵn sàng vung tiền chiêu mộ cầu thủ để nhanh chóng có thành công mà không chú trọng đến công tác đào tạo trẻ. Về phía liên đoàn bóng đá Việt nam, dường như những người có nhiệm vụ lo cho sự phát triển bóng đá nước nhà cũng đang quản lý 2 giải đấu cao nhất là Vô địch quốc gia, hạng nhất quốc gia một cách hời hợt; công tác đào tạo trẻ cũng không mấy được chú trọng. Và vì thế mà giấc mơ vàng Seagames vẫn chưa thành hiện thực.
So với các nước trong khu vực, có lẽ giờ đây bóng đá Việt Nam đang thực sự thụt lùi. Thái Lan đã và đang hướng đến đấu trường châu lục; Malaysia đã có những danh hiệu lớn; Indonesia đang sở hữu một lứa cầu thủ tài năng; và ngay như những đội bóng vốn bị coi là những đối thủ yếu như Myanmar, Lào, Philippines cũng đã trở thành những vật cản khó chịu của bóng đá Việt Nam. Sẽ là không quá nếu nói bóng đá Việt Nam giờ chỉ còn là cái bóng của "thế hệ vàng" trước đây.
Vì vậy mà một cuộc thay đổi toàn diện là yêu cầu bức thiết để bóng đá Việt Nam trở lại với đúng quĩ đạo phát triển, tương xứng với những kỳ vọng của người hâm mộ và những khoản tiền đầu tư lớn mà các doanh nghiệp và xã hội đã ưu ái dành cho bóng đá./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét