Mỹ chấp nhận “trắng tay” tại Iraq?

Thứ Năm, 15/12/2011, 08:38 (GMT+7)

TT - Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki ngày 12-12 đã chính thức đánh dấu việc Mỹ rút hết quân khỏi Iraq, theo thời hạn đề ra trong hiệp định an ninh được ký năm 2008 dưới thời tổng thống George W. Bush.
Lính Mỹ trên chiến trường Iraq - Ảnh: Reuters
Sau thời hạn 31-12, Mỹ sẽ chỉ còn 157 quân nhân và 763 người khác có hợp đồng ở lại Iraq làm nhiệm vụ huấn luyện và bảo vệ Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad. Số người Mỹ này không được hưởng quyền miễn trừ tư pháp mà phía Mỹ đòi hỏi. Mỹ cũng hoàn toàn không còn căn cứ quân sự tại Iraq.
Mục tiêu chiến lược của cuộc chiến được bắt đầu vào tháng 3-2003, như tổng thống Bush lúc đó đã công khai tuyên bố là để “biến Iraq thành một hình mẫu dân chủ” trong thế giới Ả Rập, dường như chỉ đạt được về mặt hình thức. Cũng có bầu cử đa đảng, có chính phủ liên hiệp, có “tam quyền phân lập”...  song phe đối lập tại Iraq lại chỉ coi chính quyền của Thủ tướng al-Maliki hiện nay là một kiểu “độc tài của dòng Shi’a” thay thế chế độ độc tài của Saddam Hussein!
Hơn nữa, nền dân chủ ấy không đem lại cho Iraq một sự ổn định chính trị, thậm chí chưa thể tạo dựng được cho nước này một bộ máy nhà nước ổn định ở cả trung ương lẫn địa phương, dù quốc hội được bầu từ năm 2009.
Tình trạng bạo lực tưởng như đã được kiểm soát thì từ đầu năm đến nay, cùng với việc Mỹ đẩy nhanh việc rút quân, lại rộ lên rất đáng lo ngại. Chỉ trong dịp lễ Ashoura của dòng Shi’a mới đây, đã xảy ra hàng loạt vụ đánh bom khủng bố làm chết hàng trăm người. Hiện tượng này cảnh báo tái diễn tình trạng giết chóc lẫn nhau giữa các nhóm cực đoan của cả Suna và Shi’a trong giai đoạn 2004-2007 và phảng phất sự hồi sinh của al-Qaeda tại Iraq.
Nhưng điều mà giới phân tích của Mỹ tập trung chú ý nhất chính là việc Mỹ chấp nhận “bỏ mặc cho Iran tự tung tự tác tại Iraq”. Chính quyền Iraq hiện nay, với thế lực Shi’a chiếm đa số, đã có nhiều quyết sách khiến Mỹ lo ngại, còn Iran thì rất hài lòng. Điển hình là thái độ của Chính phủ al-Maliki đối với chính quyền của Tổng thống Basha’r al-Assad tại Syria, mà phe đối lập Iraq cho là “đồng lõa với Iran” chống đỡ làn sóng phản kháng quyết liệt của đông đảo người Syria.
Trong thế lực Shi’a ở Iraq, có Trào lưu Sadr do Muqtada Sadr làm thủ lĩnh. Tổ chức này có vị thế mạnh trong cả quốc hội, chính phủ và trên thực địa với đông đảo quần chúng tín đồ. Muqtada Sadr luôn khẳng định lập trường kiên quyết chống ách chiếm đóng của Mỹ và khuếch trương thanh thế tại Iraq. Chính giới Mỹ còn cho rằng Trào lưu Sadr này đang thể hiện một kiểu cách tương tự Hezbollah ở Libăng.
Tại cuộc họp báo chung sau khi hội đàm với Thủ tướng al-Maliki ở Nhà Trắng, Tổng thống Obama khẳng định Mỹ vẫn là “đối tác mạnh mẽ và thường trực” của Iraq. Điều này hoàn toàn là ý muốn của Mỹ. Washington còn có một đại sứ quán lớn nhất thế giới tại Baghdad với 16.000 nhân viên và còn có nhiều cam kết khác với chính quyền của Thủ tướng al-Maliki.
Nhưng sau khi Mỹ rút đi, liệu Iraq có cần đến Mỹ như Mỹ mong muốn nữa hay không khi nước này luôn được rất nhiều bên cạnh tranh nhòm ngó? Về chính trị, Iran luôn thường trực để “lấp vào khoảng trống”. Về kinh tế, “kho dầu mỏ” Iraq luôn có những đối thủ của Mỹ muốn “đào mỏ”. Thậm chí thị trường vũ khí tại Iraq cũng không dễ gì mà Mỹ độc quyền được.
Trước mắt, sau khi quân Mỹ rút hết khỏi Iraq, khối quốc gia được coi là “đồng minh của Iran” tại khu vực đông Ả Rập sẽ được “nối liền lãnh thổ” từ Iraq qua Syria và Libăng. Thực trạng này sẽ buộc các phía tranh chấp trực tiếp trong khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ, Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh Ả Rập và nhất là Israel phải có “ứng xử”.
Việc chính quyền Obama buộc phải quyết định rút khỏi Iraq chứng tỏ Mỹ đang rơi vào tình thế lực bất tòng tâm trong chiến lược toàn cầu của mình. Nhưng lẽ nào Mỹ lại chịu rút khỏi Iraq “trắng tay” để rồi phải đối mặt với nhiều hiểm họa khó lường đến vậy sao?
NGUYỄN NGỌC HÙNG

Cập nhật lúc : 8:39 AM, 15/12/2011

Mỹ đang giành chiến thắng tại Afghanistan

(VOV) - Mỹ cam kết sẽ thiết lập một đất nước Afghanistan an toàn và tự chủ, nơi mà Al Qaeda và Taliban không thể tìm thấy nơi trú ẩn.  
Ngày 14/12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết, lực lượng liên quân, do Mỹ đứng đầu, đang giành chiến thắng trong cuộc chiến tại Afghanistan và binh sỹ nước ngoài tiếp tục chuyển giao quyền kiểm soát an ninh cho lực lượng Afghanistan trước thời hạn năm 2014.
Trong cuộc gặp với các binh sỹ Mỹ đồn trú tại tỉnh Paktika, phía Đông Afghanistan, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta nói rằng, họ đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong một cuộc chiến rất phức tạp.
Lính Mỹ tại Afghanistan (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, ông Panetta cam kết sẽ thiết lập một đất nước Afghanistan an toàn và tự chủ, nơi mà Al Qaeda và lực lượng Taliban không thể tìm thấy nơi trú ẩn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta hiện đang có chuyến thăm 2 ngày tới Afghanistan nhằm đánh giá về sự tiến bộ của lực lượng liên quân, do Mỹ đứng đầu, trong việc truy quét các tay súng nổi dậy.
Trước đó, trong tháng 10, các quan chức Mỹ đưa ra một bản báo cáo cho biết số lượng các vụ tấn công của Taliban tại Afghanistan đã giảm, lần đầu tiên trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc lại cho rằng, số lượng dân thường thiệt mạng tăng 15% trong 6 tháng đầu năm 2011, với gần 1.500 người thiệt mạng, hầu hết là do các vụ tấn công nổi dậy./.
Ngọc Tú
(Từ Washington)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét