Hội nghị khí hậu LHQ được cứu vãn vào phút chót

nhandan.com.vn
Cập nhật lúc 17:48, Chủ nhật, 11/12/2011 (GMT+7)

 
NDĐT - Ngày 11-12, Hội nghị thường niên về khí hậu của Liên hợp quốc (COP-17) đã kết thúc mà không thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Thay vào đó các nước tham dự hội nghị chỉ đạt được một thỏa thuận khó khăn về một chương trình sâu rộng nhằm triển khai một giai đoạn mới trong cuộc chiến toàn cầu chống lại sự biến đổi khí hậu.
194 đoàn đại biểu đến từ các nước trên thế giới đã chấp thuận sẽ bắt đầu một vòng đàm phán về một hiệp định mới theo đó tất cả các quốc gia sẽ phải chịu những ràng buộc pháp lý trong việc thực hiện các cam kết mà chính những nước này đưa ra. Hiệp định mới sẽ có hiệu lực sớm nhất là vào năm 2020.
Thỏa thuận mới này không ràng buộc bất kỳ quốc gia nào với mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính một cách cụ thể, mặc dù hầu hết các nền kinh tế mới nổi đều tình nguyện cắt giảm lượng khí nhà kính mà họ thải ra.
Hiện nay, theo các quy định trong Nghị định thư Kyoto được ký năm 1997, chỉ có các nước công nghiệp phát triển mới bị ràng buộc về mặt pháp lý trong việc thực hiện các mục tiêu cắt giảm lượng khí thải. Những cam kết này sẽ hết hiệu lực vào năm tới, nhưng theo thỏa thuận mà các nước mới đạt được tại Durban, hiệu lực của chúng sẽ được kéo dài thêm ít nhất là năm năm nữa. Đây là đỏi hỏi quan trọng của các nước đang phát triển nhằm tìm cách duy trì hiệp ước duy nhất hiện đang có hiệu lực trong việc giám sát lượng khí nhà kính thải ra trên toàn cầu.
Bản Tuyên ngôn Durban được đề xuất cũng đã đưa ra câu trả lời cho các vấn đề mà nhiều năm nay vẫn đang gây trở ngại cho các cuộc đàm phán về việc kiểm soát hiện tượng nóng lên trên toàn cầu. Đó chính là việc chia sẻ trách nhiệm trong việc giám sát lượng khí nhà kính thải ra và giúp đỡ các nước nghèo nhất và các nước có khả năng bị tác động nhiều nhất từ biến đổi khí hậu trên thế giới đối phó với các thảm họa thiên nhiên.
Thỏa thuận đạt được ngày 11-12 cũng thiết lập các cơ chế giúp thu thập, kiểm soát và phân phối hàng chục tỷ USD mỗi năm cho các nước nghèo. Các văn bản khác trong gói thỏa thuận đưa ra những quy định nhằm giám sát và thẩm tra việc giảm phát khí thải, bảo vệ rừng, chuyển giao các công nghệ sạch cho các nước đang phát triển và giải quyết các vấn đề về kỹ thuật.
Tổng Thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon nói rằng, thỏa thuận này cho thấy “một tiến bộ quan trọng trong nỗ lực chống lại sự biến đổi khí hậu của chúng ta”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng những từ ngữ trong thỏa thuận có những lỗ hổng lớn, có thể giúp các quốc gia né tránh được việc ràng buộc mục tiêu giảm phát khí thải của họ với các trách nhiệm về pháp lý. Các nhà phân tích này cũng lưu ý rằng bản thỏa thuận không hề nhắc gì tới các biện pháp trừng phạt.
Cũng giống như nhiều quốc gia đang phát triển tham gia hội nghị, các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích thỏa thuận này vì nó đã không thể giải quyết được vấn đề cấp bách nhất là làm sao phải cắt giảm nhanh hơn và mạnh mẽ hơn lượng khí nhà kính thải ra bầu khí quyển.
Các nhà khoa học cho biết, nếu thế giới không thể cắt giảm được lượng khí nhà kính thải ra bầu khí quyển trên toàn cầu trong vài năm tới, nhiệt độ trên bề mặt Trái đất của chúng ta sẽ tăng cao, từ đó sẽ dẫn tới những thảm họa về khí hậu chưa từng có.
Đột phá mà các nhà đàm phán đạt được ngày 11-12 đã gói lại 13 ngày đàm phán sôi nổi, thậm chí còn kéo dài hơn so với lịch trình dự kiến tới một ngày rưỡi, trong đó có hai ngày đàm phán liên tục suốt 24 giờ. Sau những phiên họp đầy kịch tính, những cảm xúc bị dồn nén và sự thấp thỏm rằng liệu các cuộc đàm phán sẽ kết thúc trong thành công hay sẽ bị sụp đổ hoàn toàn, cuối cùng thì trong phiên họp toàn thể cuối cùng, các đoàn đại biểu cũng đã ra biểu quyết đồng ý.
Vấn đề chính khiến cho các cuộc đàm phán bị bế tắc chính là bản chất pháp lý của bản hiệp định mới, sẽ giám sát lượng khí nhà kính thải ra trong thập kỷ tới.
Liên minh châu Âu đã đề xuất một bản kế hoạch với những lời lẽ mạnh mẽ, tìm cách ràng buộc tất cả mọi quốc gia có nghĩa vụ như nhau trong việc thực hiện các cam kết về cắt giảm khí thải của họ.
Nhưng Ấn Độ, dẫn đầu nhóm các quốc gia phản đối kế hoạch này, nói rằng họ muốn một lựa chọn bớt khắt khe hơn. Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ, bà Jayanthi Natarajan cho rằng đề xuất của EU làm xói mòn một nguyên tắc đã có từ 20 năm nay rằng các nước đang phát triển có ít trách nhiệm hơn các nước công nghiệp phát triển, vốn là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ấm lên trên toàn cầu sau 200 năm gây ô nhiễm. Bà nói: “Không thể thay đổi sự hợp lý trong việc chia sẻ gánh nặng”.
Còn nhà đàm phán của Trung Quốc, ông Xie Zhenhue cũng biểu lộ sự ủng hộ mạnh mẽ với Ấn Độ và nói rằng các nước công nghiệp phát triển không giữ lời hứa của họ trong khi Trung Quốc và các nước đang phát triển đã thực hiện các chương trình xanh đầy tham vọng.
Các tranh cãi đã diễn ra suốt đêm và ngày càng trở nên căng thẳng khi các diễn giả hầu như chia thành hai phe đều nhau. Chủ tịch Hội nghị, bà Maite Nkoana-Mashabane, Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi, đã đề nghị nghỉ giải lao và kêu gọi các phái đoàn châu Âu và Ấn Độ bàn bạc tìm cách giải quyết vấn đề và cuối cùng đã đưa ra được một công thức thỏa hiệp. Dù đã mất cả hai tuần đầy nỗ lực nhưng không thành công trong việc giải quyết vấn đề, bà Nkoana-Mashabane chỉ cho bà Natarajan và bà Connie Hedegaard, Ủy viên phụ trách khí hậu của EU, đúng 10 phút để tìm ra một giải pháp. Mặc dù vậy, họ đã cần tới 50 phút.
Và gói thỏa thuận đạt được đã giúp gia hạn Nghị định thư Kyoto năm 1997, với các mục tiêu về cắt giảm lượng khí thải sẽ hết hạn vào năm tới và chỉ có các ràng buộc đối với các nước công nghiệp phát triển. Một văn bản riêng biệt sẽ bắt buộc các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ, vốn không bị ràng buộc trong Nghị định thư Kyoto, phải chấp nhận những mục tiêu mang tính ràng buộc về cắt giảm khí thải trong tương lai.
Hai văn bản này đã làm thay đổi hoàn toàn một hệ thống được định ra 20 năm trước đây, theo đó thế giới sẽ được chia thành hai nhóm: một nhóm các quốc gia giàu có phải đối mặt với những bổn phận pháp lý về việc giảm phát khí thải, và nhóm thứ hai bao gồm các quốc gia còn lại trên thế giới thì có thể tình nguyện thực hiện các biện pháp kiểm soát khí thải của mình.
Liên minh châu Âu, một nhóm quốc gia có vai trò quan trọng trong các cam kết cắt giảm khí thải của Nghị định thư Kyoto, nói rằng sự gia hạn các mục tiêu kiểm soát phát thải của họ phụ thuộc vào việc các quốc gia đang phát triển lớn cũng phải chấp nhận các hạn chế với trách nhiệm pháp lý tương tự. EU cho rằng sự phân chia theo kiểu Thế kỷ 20, chia thế giới thành hai phần giàu nghèo không đều nhau, không còn phù hợp với thế giới ngày nay.
QUANG MINH
(Nguồn: Theo AP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét