Liệu EU có hài lòng vì sự thống nhất mới?

Cập nhật lúc : 8:54 AM, 10/12/2011
(VOV) - Ngày 9/12 đánh dấu sự ra đời của một EU mới với 26 nước thành viên và nước Anh chính thức đứng ngoài cuộc.
Ngày 9/12, kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh tại Brussels, 26 nước châu Âu tuyên bố xem xét ký vào Hiệp ước mới (hay còn gọi là Hiệp ước Ngân sách).
Văn bản mới này liệu có thể cứu đồng Euro chưa ai dám chắc điều này, song có một điều chắc chắn rằng ngày 9/12 đã đi vào lịch sử như một dấu mốc buồn của châu Âu, đánh dấu sự ra đời của một EU mới với 26 nước thành viên và nước Anh chính thức đứng ngoài cuộc.
 Thủ tướng Pháp và Thủ tướng Đức cười mãn nguyện

Một EU với 27 thành viên không còn tồn tại! Dòng tít buồn nhất loạt xuất hiện trên nhiều trang báo mạng tại Pháp và châu Âu. Dường như dư luận châu Âu quan tâm đến điều này nhiều hơn chính việc Hiệp ước mới sẽ được ký kết.
Một giai đoạn mới mở ra trong tiến trình nhất thể hóa châu Âu, hay nói đúng hơn là sự chấm hết của một thời gian dài nước Anh lạnh nhạt với những diễn biến của đồng Euro. Có ý kiến cho rằng người dân châu Âu đã quen với thái độ mà họ cho là “ích kỷ” của nước Anh, nên cũng không mấy muộn phiền về dấu chấm hết chẳng chóng thì chày cũng phải đặt xuống này.
Báo chí Pháp và Đức lên tiếng chỉ trích nặng nề lời từ chối của Anh – nước gia nhập EU từ năm 1973 - đối với Hiệp ước mới. Thủ tướng Anh giải thích rất rõ ràng rằng nước Anh thấy không còn có lợi ích nào trong khu vực và do đó, phải quyết định đứng ngoài, dù rất khó khăn. Giới chính trị gia thì nhẹ nhàng gọi đó là “sự tự loại thải” của nước Anh và bày tỏ đáng tiếc.
Thủ tướng Anh tại hội nghị - phải chăng là lần cuối?

Về phần nước Anh, chắc hẳn việc quyết định đứng ngoài không phải là một tin vui. Tổng thống Pháp N.Sarkozy cho biết: Anh cũng đã có nỗ lực níu kéo nhưng châu Âu không chấp nhận.
Ông Sarkozy nói: "Thủ tướng Anh đã đề nghị điều mà tất cả nước thành viên khác đều cho rằng không thể chấp nhận được là liệu có thể nghĩ ra một nghị định nào đó trong hiệp ước cho phép nước Anh miễn trừ áp dụng một số quy định về tài chính tiền tệ. Nhưng chúng ta không thể chấp nhận điều đó vì chúng ta tin vào những rắc rối hôm nay của châu Âu và thế giới phần lớn xuất phát từ việc một số ít không tuân thủ các quy định tài chính chung”.
Dù tiếc nuối, châu Âu vẫn phải quên dần nước Anh để nói về câu chuyện của hiện tại- là khủng hoảng nợ công và của tương lai – là sự vận hành và khả năng thành công của Hiệp ước Ngân sách mới.
Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đã công khai chúc tụng nhau trước kết quả mà phải vượt qua nhiều khác biệt, hai nền kinh tế hàng đầu khu vực này mới thống nhất được và thuyết phục được các thành viên khác. Tiếp sau đây họ sẽ phải chạy đua với thời gian để có được Hiệp ước mới đúng hạn vào tháng 3/2012 và hy vọng tình hình không diễn biến quá xấu, vượt ngoài mức kiểm soát từ nay đến thời điểm đó.
Phát biểu trong cuộc họp báo kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Đức A.Merkel nói: Chúng tôi đã nói rất rõ rằng châu Âu thực sự hiểu mức nghiêm trọng của tình hình. Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong quá khứ. Với những gì chúng ta đạt được, tôi tin rằng châu Âu đang hướng tới một đồng tiền chung Euro ổn định lâu dài”.
Trên thực tế, ai cũng hiểu rằng khủng hoảng lòng tin đang hoành hành tại châu Âu còn nặng nề hơn so với bản thân khủng hoảng về kinh tế- tài chính. Do đó, riêng việc đạt được thỏa thuận đã có thể coi là một “giải pháp” tinh thần cho các thị trường châu Âu.
Ngay cuối giờ chiều ngày bế mạc Hội nghị, các thị trường tài chính châu Âu đều tăng điểm, đặc biệt là thị trường Paris (Pháp) và Francfurt (Đức). Sức bền của những diễn biến tích cực này ra sao còn phải chờ xem các nước đã cam kết có giữ lời hay không và các nước liệu có thống nhất khi có dịp mổ xẻ chi tiết hiệp ước sâu hơn sau này.
Đằng sau những tuyên bố mang tính ngoại giao tại hội nghị, quan điểm của các nước thành viên EU còn không ít khác biệt như Đức phản đối việc tăng cường năng lực của Cơ chế ổn định châu Âu (MES), rồi vận hành cơ chế này thế nào để tránh chồng chéo với Quỹ ổn định tài chính hiện tại … Đó là chưa kể đến những chi tiết khác sẽ được bàn thảo sau này như mức nợ công so với tổng sản phẩm quốc nội thế nào sẽ bị coi là đe dọa đến nền kinh tế hay vượt qua mức nào sẽ bị áp dụng tự động các hình phạt …
Kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh EU ngày 9/12 có thể nhìn nhận là một bước lùi về nhất thể hóa châu Âu nếu xét đến sự  “tự loại thải” của nước Anh nhưng lại có thể được coi là một bước tiến về thống nhất tiền tệ trong khu vực. Bởi ít nhất tin vui là châu Âu sẽ không còn “chạy với 2 vận tốc nữa”, lúc là EU với 27 thành viên và khi thì lại là khu vực đồng tiền chung với 17 nền kinh tế. Đánh đổi sự có mặt của nước Anh, châu Âu giờ vẫn có thể hài lòng vì sự  “thống nhất” mới của họ./.
Thùy Vân - Đào Dũng/ Từ Paris

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét