Hạ mức tín nhiệm

Thanh Nien Online:
26/12/2010 0:44

Bên ngoài, các tổ chức nước ngoài liên tiếp hạ bậc tín nhiệm; bên trong, hàng loạt các vụ thụt két, chi khống... xảy ra tại nhiều ngân hàng. Chưa bao giờ bức tranh tài chính trong nước rơi vào tình trạng ảm đạm như hiện nay. Việc này gây ảnh hưởng lớn tới việc huy động vốn quốc tế của cả Chính phủ và doanh nghiệp.

Cuối tháng 7, lo ngại về chính sách kinh tế, dự trữ ngoại hối và sức khỏe của hệ thống ngân hàng là lý do Hãng định mức tín nhiệm Fitch quyết định hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Việt Nam từ BB- xuống B+. Đến giữa tháng 10, Moody's cũng quyết định hạ một bậc tín nhiệm của trái phiếu Chính phủ Việt Nam từ Ba3 xuống B1. Nguyên nhân là do những quan ngại liên quan đến cán cân thanh toán, lạm phát trong năm 2010 khiến Việt Nam bị liệt vào nhóm các nền kinh tế “có rủi ro tín dụng cao”. Chưa kịp nguôi ngoai thì cách đây vài ngày, Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) tiếp tục hạ xếp hạng đối với các khoản vay ở cấp độ chính phủ. Cụ thể, xếp hạng tín nhiệm dài hạn đối với các khoản vay dài hạn (bao gồm cả nội và ngoại tệ) đều bị hạ một bậc, xuống BB và BB-, với triển vọng tiêu cực. Cùng với việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia. S&P cũng điều chỉnh xếp hạng của 3 ngân hàng thương mại lớn là BIDV, Techcombank và Vietcombank.

Việc liên tiếp bị hạ bậc tín nhiệm trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế sẽ khiến chi phí huy động vốn của Chính phủ, các ngân hàng, các doanh nghiệp Việt Nam đội lên. Nói một cách đơn giản, khi bị đánh giá là rủi ro cao hơn thì mức lợi tức chi ra để vay vốn cũng tỷ lệ thuận. Nghĩa là Việt Nam sẽ phải trả lãi nhiều hơn khi phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, các vụ hạ mức tín nhiệm nói trên đều do chất lượng tín dụng. Mặc dù các tổ chức này không nói đến tình trạng rủi ro hệ thống tài chính ngân hàng sau hàng loạt những vụ xảy ra tại nhiều ngân hàng trong nước nhưng qua đó họ cũng mạnh tay hạ mức tín nhiệm của các ngân hàng và cả nền kinh tế.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp đang coi phát hành trái phiếu quốc tế là kênh huy động vốn, các ngân hàng, các công ty lớn cũng lên kế hoạch tìm đối tác chiến lược nước ngoài thì việc này lại càng ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Tóm lại, con đường ra nước ngoài huy động vốn để tránh phụ thuộc duy nhất vào các ngân hàng thương mại trong nước của các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước đang bị kéo dài ra với nhiều khó khăn hơn.

Nguyên Khanh

VnExpress.net
Thứ bảy, 25/12/2010, 10:43 GMT+7

Vạ lây vì Vinashin

Xếp hạng tín nhiệm quốc gia bị hạ bậc, vị trí của các nhà băng lớn theo đánh giá của Moody’s hay Standard & Poor’s cũng giảm theo. Chưa hết, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu quốc tế cũng bị ảnh hưởng vì Vinashin.
> Việt Nam tiếp tục bị Standard & Poor’s hạ bậc tín nhiệm

Trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch một quỹ đầu tư cho biết, vụ Vinashin mới vỡ lở ở Việt Nam thời gian gần đây nhưng dân trong ngành tài chính thì dự đoán trước đó khá lâu. Năm 2008, trái phiếu quốc tế của Vinashin đã được mua bán trên thị trường với lợi tức từ 24-27% một năm, thể hiện mức độ rủi ro rất cao mà các nhà đầu tư nhận định về tập đoàn này. Cũng từ đó, ông này nhận định, chi phí huy động vốn quốc tế nói chung của Việt Nam (bao gồm cả Chính phủ và các doanh nghiệp) cũng sẽ bị gia tăng.

Chi phí huy động vốn quốc tế của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng sau sự kiện Vinashin xin hoãn nợ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Chi phí huy động vốn quốc tế của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng sau sự kiện Vinashin xin hoãn nợ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định, khó khăn nhất sẽ là các ngân hàng đang có trái phiếu phát hành trên thị trường quốc tế. Lợi tức đối với các trái phiếu này sẽ tăng cao khi nhà đầu tư lo ngại hơn về rủi ro trả nợ. Trong trường hợp các ngân hàng nội địa chào bán cổ phiếu cho đối tác nước ngoài, thị giá của chứng khoán cũng sẽ bị ảnh hưởng do uy tín tài chính của các ngân hàng Việt Nam nói chung bị giảm sút.

Tuy nhiên, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lớn lưu ý, việc hạ bậc tín nhiệm của Moody’s và Standard & Poor’s đối với một số nhà băng như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Techcombank, Vietcombank được thực hiện theo yêu cầu của chính những tổ chức này. Vị này nói: “Mức đánh giá của họ cũng phản ánh tình hình chung của ngành chứ không phải một ngân hàng cá biệt nào”.

Trong khi đó, một lãnh đạo của BIDV thì cho rằng, không chỉ có các ngân hàng, các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu quốc tế hay việc phát hành công cụ nợ của Chính phủ cũng sẽ bị đội chi phí.

Ông này nói, khi các hãng xếp hạng tín nhiệm đánh giá mức độ rủi ro cao hơn thì lợi tức đưa ra cũng phải cao hơn. Điều này càng gia tăng sau sự kiện Vinashin không trả được nợ trái phiếu quốc tế đợt đầu tiên. Tuy nhiên, chi phí huy động vốn trong nước thì không bị ảnh hưởng.

Trong số các doanh nghiệp nội địa có khả năng bị ảnh hưởng từ việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm, với nguyên nhân quan trọng từ Vinashin, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là cái tên đứng đầu. Tổ chức này vừa tổ chức đại hội cổ đông và thông qua phương án phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai cho biết, đơn vị này đã mời một hãng xếp hạng tín nhiệm vào đánh giá và trong tháng 1/2011 mới biết kết quả. Vì thế, vào thời điểm hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai chưa thể biết chính xác về chi phí huy động vốn quốc tế cho đợt phát hành sắp diễn ra.

Làm gia tăng chi phí huy động vốn nước ngoài của các doanh nghiệp nội địa, giá trái phiếu quốc tế của Vinashin cũng chịu những tác động từ việc tập đoàn này không trả được khoản nợ đợt đầu. Một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề “buôn vốn” cho biết, năm 2009, giá trái phiếu Vinashin có mức lợi tức khoảng 20% một năm. Sau khi các thông tin về việc Vinashin không trả được khoản nợ đầu tiên được loan đi, trái phiếu của Vinashin sẽ bị giảm giá thêm nữa (mức lợi tức cao hơn 20%).

Tuy nhiên, việc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy xin hoãn trả nợ không đồng nghĩa với việc trái phiếu quốc tế của Vinashin không có ai mua hay doanh nghiệp Việt Nam không thể huy động được vốn từ nước ngoài, chuyên gia này khẳng định.

“Nếu nhà đầu tư nào chào bán trái phiếu Vinashin với lợi tức đủ cao thì tất yếu sẽ có người mua, bởi sẽ có người chấp nhận rủi ro khi mức giá hời. Tất nhiên, doanh nghiệp khác cũng phải huy động vốn quốc tế với chi phí cao hơn trước đây”, ông này nói.

Nhật Minh – Hoàng Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét