Chủ Nhật, 26.12.2010 | 08:48 (GMT + 7)
(LĐO) - Tên lửa mang vệ tinh viễn thông tiên tiến của Ấn Độ bốc cháy và nổ tung trên bầu trời hôm 25.12, ngay sau khi rời bệ phóng.
Ấn Độ thử thành công tên lửa đạn đạo hạt nhân
Tàu vũ trụ mang vệ tinh GSAT-5P nổ tung. |
Những cảnh quay trực tiếp phát đi trên truyền hình cho thấy tên lửa phát cháy và bốc khói dữ dội chỉ vài phút sau khi rời bệ phóng ở trung tâm vũ trụ Sriharikota, cách thành phố Chennai, miền Nam Ấn Độ khoảng 80km.
AFP dẫn lời Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) - ông K. Radhakrishnan - cho biết, tên lửaGSLV-F06 bị chệch hướng nên đã nổ tung chỉ 47 giây sau khi được phóng ở độ cao 8km, các mảnh vỡ rơi xuống vịnh Bengal.
Theo ông Radhakrishnan, nhiều khả năng nguyên nhân vụ tai nạn là do trục trặc kỹ thuật điện tử. Tuy nhiên, ISRO chưa đưa ra bình luận chính thức và cho biết vụ việc đang được điều tra.
Hãng thông tấn UNI của Ấn Độ cho hay, hôm 20.12, Ấn Độ đã buộc phải lùi thời điểm phóng tên lửa GSLV mang vệ tinh viễn thông GSAT-5P sang ngày 25.12 vì các kỹ sư phát hiện một vết rò rỉ ở động cơ của GSLV do Nga sản xuất.
Đây là lần thứ hai trong năm nay, Ấn Độ gặp trục trặc khi phóng vệ tinh. Vào tháng 4, một tàu vũ trụ khác của nước này cũng bị nổ sau khi rời bệ phóng. Tuy nhiên, hồi tháng 7 vừa qua, Ấn Độ đã phóng thành công 5 vệ tinh vào quỹ đạo.
Ấn Độ bắt đầu triển khai chương trình vũ trụ từ năm 1963 và đã tự phát triển vệ tinh riêng của mình nhằm giảm bớt phụ thuộc vào các nước khác. Tham vọng của Ấn Độ là phóng tàu vũ trụ đầu tiên của mình lên mặt trăng vào năm 2016 và dần dần chiếm lĩnh thị trường béo bở hàng tỉ USD bằng việc phóng vệ tinh thương mại. Chính phủ Ấn Độ đã chi khoảng 2.8 tỉ USD cho dự án phóng vệ tinh lên mặt trăng.
Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn còn một khoảng cách rất xa so với Trung Quốc, Nga, Mỹ và Châu Âu trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ thương mại.
Song Minh (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét