AU cân nhắc khả năng can thiệp quân sự vào Bờ Biển Ngà

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 5:25 PM, 21/01/2011

(VOV) - Khi triển vọng về tháo gỡ cuộc khủng hoảng chính trị tại Bờ Biển Ngà vẫn rất mờ nhạt thì Liên minh châu Phi (AU) đã đề cập tới khả năng can thiệp quân sự

Sau thất bại trong vai trò trung gian hoà giải cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Bờ Biển Ngà, Thủ tướng Kenya Raila Odinga cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Tổng thống mãn nhiệm Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo.

Thủ tướng Kenya nhấn mạnh, tình thế bế tắc này có thể buộc các quốc gia liên quan thực thi biện pháp trừng phạt tài chính bổ sung hoặc biện pháp quân sự chống lại ông Gbagbo. Đây là tuyên bố mạnh nhất của đặc phái viên Liên minh châu Phi (AU) từ trước đến nay.

Ông Ouattara, ứng cử viên được cộng đồng quốc công nhận đắc cử trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 11/2010 cũng khẳng định, AU đang cân nhắc các lựa chọn khác, kể cả một sự can thiệp quân sự. Ông Ouattara nhấn mạnh: “Các biện pháp trừng phạt kinh tế là cần thiết, song phải nghiên cứu kỹ thời điểm cũng như đối tượng áp dụng nhằm đảm bảo không gây hại cho người dân. Và khi mọi nỗ lực hòa giải thất bại, tất cả đều cho rằng, giải pháp duy nhất buộc ông Gbabagbo từ chức là kết hợp với các giải pháp khác nhau, bao gồm cả sử dụng sức mạnh quân sự hợp pháp”.

Thủ tướng Kenya Raila Odinga cho biết: AU đang tính đến việc can thiệp quân sự đối với tình hình chính trị tại Bờ Biển Ngà (Ảnh: Getty)

Ông Gbagbo đã khẳng định sẽ bác bỏ mọi đề nghị từ chức, kể cả khi những đề nghị này kèm theo quyền lưu vong và quyền miễn trừ truy tố. Còn ông Ouattara vẫn nêu điều kiện tiên quyết để đối thoại là ông Gbagbo phải từ chức. Hiện nay, ông Gbagbo vẫn là người kiểm soát Phủ Tổng thống và quân đội.

Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục gia tăng sức ép với ông Laurent Gbagbo. Tiếp sau Mỹ và châu Âu, Chính phủ Thụy Sĩ thông báo sẽ phong tỏa tài khoản của ông Gbagbo tại các ngân hàng của nước này. Lãnh đạo các quốc gia Tây Phi dự định nhóm họp ngày mai tại Bamacco của Mali để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Bờ Biển Ngà.

Trước đó, ngày 20/1, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết cho phép tăng cường ngay lập tức 2.000 quân và 3 máy bay lên thẳng vũ trang cho Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Bờ Biền Ngà nhằm bảo vệ dân thường./.

Thu Hoài (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét