Qua chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc: Tương lai Mỹ-Trung đan xen trong mối quan hệ kinh tế
Cuộc đối thoại khéo léo
Trong cuộc gặp thượng đỉnh chính thức Trung - Mỹ lần này, hai bên không giấu giếm những điểm xung khắc, bất hòa đôi khi dẫn đến căng thẳng trong quan hệ hai nước- từ quan hệ buôn bán thương mại quốc tế cho đến những căng thẳng trên Biển Đông hay vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc.
Trước chuyến đi Mỹ của ông Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Barack Obma đã phải chịu sức ép từ nhiều phía ở trong nước khi dư luận Mỹ yêu cầu ông phải cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Nhưng rõ ràng, đây là lần đầu tiên nước Mỹ phải đối mặt với một cường quốc muốn cạnh tranh với họ trên mọi mặt trận từ kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật và cả văn hóa. Trung Quốc giờ đây cho thấy họ muốn trở thành một nước lớn có vai trò chiến lược, không chỉ giới hạn trong khu vực.
Trước chuyến thăm, ông Hồ Cẩm Đào thừa nhận hai bên “có những khác biệt và những vấn đề nhạy cảm”. Tại Washington, những “bất đồng và nhạy cảm” này, theo báo giới, được Tổng thống Mỹ nói ra một cách thẳng thắn, bình đẳng với lãnh đạo Trung Quốc, không che đậy bằng những thứ ngôn ngữ ngọai giao, dù hai bên cũng cố gắng không chỉ trích nhau. Tất cả những vấn đề đó đều đã được đề cập đến một cách khéo léo, và đã có những tiến triển từng bước.
Theo Tổng thống Obama, Chủ tịch Trung Quốc đã nhất trí cùng với Mỹ về việc tăng cường cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong các cuộc đàm phán quốc tế.
Về vấn đề bán đảo Triều Tiên, Tổng thống Mỹ khẳng định Bắc Kinh và Washington đã thống nhất yêu cầu Triều Tiên từ bỏ mọi hành động khiêu khích. Ông Obama tuyên bố hai nước Trung - Mỹ sẽ cùng nhau phối hợp trong việc giảm căng thẳng tại khu vực này, với mục đích cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Trên lĩnh vực kinh tế chung, theo một thông điệp Trung - Mỹ chính thức, được công bố bên lề chuyến công của Chủ tịch Trung Quốc, Mỹ ủng hộ các nỗ lực của phía Trung Quốc trong việc đưa đồng Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền mạnh trên thế giới.
Về quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, Tổng thống Mỹ đã ca ngợi những cố gắng của Trung Quốc trong việc thả nổi dần dần tỷ giá đồng Nhân dân tệ, đồng thời khuyến cáo Trung Quốc nên nỗ lực hơn nữa trong việc điều chỉnh đồng Nhân dân tệ theo thị trường, và đặc biệt là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ tham gia vào thị trường Trung Quốc. Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh đến vấn đề nâng cao việc bảo vệ tác quyền là điều đã được hai phía cùng trao đổi.
Tổng thống Obama cũng không quên nhắc đến vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, tuy nhiên ông nhấn mạnh vấn đề này không ngăn cản hai nước hợp tác với nhau và bản thân Mỹ cũng có những lo lắng về vấn đề nhân quyền. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đáp lại bằng việc thừa nhận “còn nhiều việc phải làm” trên vấn đề nhân quyền và Trung Quốc và Bắc Kinh vẫn “mong muốn học hỏi thêm” về vấn đề này.
Đề cập quan ngại của Mỹ về ảnh hưởng của Trung Quốc đang lan rộng tại châu Á, ông Hồ Cẩm Đào nói Trung Quốc không có ý định chạy đua vũ trang hay tìm cách xác lập bá chủ quân sự đối với nước khác. Ông kêu gọi hai nước đẩy mạnh hợp tác về kinh tế và an ninh.
Mục tiêu đã xác định
Tổng thống Mỹ đã tuyên bố tại Nhà Trắng rằng “với chuyến viếng thăm này, chúng ta có thể đặt nền tảng cho 30 năm tới”. Rõ ràng, các lãnh Mỹ muốn khẳng định mục tiêu lâu dài cho mối quan hệ Trung-Mỹ.
Trong diễn văn tại Washington, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nêu rõ “lợi ích chung của hai nước Trung-Mỹ chưa bao giờ rộng rãi như ngày nay và hai nước chưa hề đứng trước trọng trách lớn như ngày nay”. Ông tuyên bố chủ trương hai nước Trung-Mỹ cùng nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác hợp tác tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi cùng thắng; nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì chính sách mở cửa đối ngoại, tiếp tục tranh thủ môi trường hòa bình quốc tế cho phát triển đất nước mình.
Trong khi đó, 21 phát súng đại bác danh dự đón chào vị khách của Nhà Trắng đã thu hút sự chú ý của báo chí Bắc Kinh. Nhật báo Tham Khảo Tiêu Tức nhận định: “Loạt pháo 21 phát này là một thông tin rất rõ ràng: đây là một gặp gỡ giữa hai cường quốc thế giới có vị thế ngang hàng”.
Còn báo chí Mỹ nói Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ, chuyến thăm Mỹ lần này của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có thể nói là một hoạt động ngoại giao quan trọng nhất của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong 30 năm qua đối với Mỹ, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ Trung-Mỹ đã đến.
Báo chí châu Âu thì cho rằng Trung Quốc tìm kiếm vị thế mới trong quan hệ Trung-Mỹ nói riêng và quan hệ Trung-Âu nói chung vào thời điểm đầu tiên của năm mới 2011, không những thể hiện sự coi trọng trong quan hệ ngoại giao của Trung Quốc, mà còn chứng tỏ Trung Quốc sẽ càng chủ động hơn trong việc tham gia xây dựng lại bố cục chính trị -kinh tế quốc tế.
Dư luận đặc biệt chú ý đến chi tiết nổi bật trong hành trình 4 ngày của ông Hồ Cẩm Đào đến Mỹ: đó là và việc Trung Quốc đã ký với Mỹ nhiều đơn đặt hàng trị giá tổng cộng là gần 50 tỷ USD - thông tin do một viên chức cao cấp trong chính phủ Mỹ, yêu cầu giấu tên, cung cấp cho báo giới.
Một phần lớn của các hợp đồng này là đơn đặt hàng mua 200 máy bay Boeing của Mỹ, trị giá khoảng 19 tỷ USD. Các đơn đặt hàng này cho phép bảo vệ 235.000 việc làm tại Mỹ. Bên cạnh hợp đồng mua Boeing, các doanh nghiệp Trung Quốc còn ký kết 70 hợp đồng trị giá khoảng 25 tỷ USD xuất khẩu với 12 tiểu bang Mỹ. Các hợp đồng được ký kết với cả các công ty vừa và nhỏ. Một hợp đồng lớn khác trong gói tiền này được ký kết với nhóm Caterpillar, với trị giá 1,4 tỷ USD. Mặt hàng được Trung Quốc đặt mua mà các máy công cụ dùng trong ngành khai mỏ và xây dựng. Nhóm General Electric cũng ký được nhiều hợp đồng với tổng trị giá 2 tỷ USD...
Cũng qua chi tiết trên và các cuộc thảo luận Obama-Hồ Cẩm Đào, giới phân tích kết luận: chuyến đi của ông Hồ Cẩm Đào đến Mỹ dù chưa thể giải quyết hết được ngay các bất đồng giữa hai nước, nhưng kinh tế hai nước Trung-Mỹ đã đan xen lẫn nhau, tương lai của hai nước cũng như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét