Tùy hứng lý.. trạm cân!

VOVNEWS.VN

Cập nhật lúc : 5:04 PM, 21/01/2011

(VOV) - Câu chuyện hiệu quả của trạm cân Dầu Giây là sự tùy hứng trong việc xây dựng và thực hiện các dự án dân sinh.

Sau hai năm hoạt động, trạm cân Dầu Giây, trạm cân xe điện tử hiện đại nhất Việt Nam mang về cho ngân sách 13 tỷ đồng tiền phạt nhưng tổng số tiền phải chi ra để sửa chữa cầu đường do xe chạy quá tải vẫn lên tới 95 tỷ đồng. Đó là chi tiết được báo Pháp luật TP HCM giật tít trong bài tường thuật hội nghị tổng kết công tác thí điểm trạm cân này. Chỉ chi tiết đó thôi, chưa kể số tiền khổng lồ chi phí để vận hành, bảo dưỡng… cũng đủ thấy việc đầu tư xây dựng trạm cân Dầu Giây không mang lại hiệu quả và là một sự lãng phí lớn.

Về bản chất, việc xây dựng một trạm cân xe điện tử không hề là một sự lãng phí. Đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo những con đường không bị phá hoại bởi các loại xe quá tải, quá khổ, hạn chế tối đa chi phí sửa chữa, bảo dưỡng cầu đường. Song, thực tế quá trình hoạt động thí điểm đã chứng minh ngược lại.

Vì sao chỉ một cái việc xây dựng trạm cân thôi mà từ kết quả từ lý thuyết đến thực tiễn lại cách xa nhau như thế?

Lý do đầu tiên người ta nghĩ đến là năng lực quản lý và bệnh tham nhũng khiến cho trạm cân không

kiểm soát được những chiếc xe quá tải vận hành trên đường. Thực tế tình trạng vượt trạm, bằng cả khổ nhục kế của tài xế như đi tránh, đi vòng, bằng cả tiền kế như làm luật, đút lót để lọt trạm vẫn diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, lý do tham nhũng và yếu kém được nhắc đến quá nhiều, và ở quá nhiều việc, nên trở thành nhàm chán. Câu chuyện hiệu quả của trạm cân Dầu Giây còn có một câu trả lời khác. Đó là sự tùy hứng trong việc xây dựng và thực hiện các dự án dân sinh.

Tại hội nghị tổng kết thí điểm trạm cân Dầu Giây vừa qua, 5 lý do được chính người phụ trách trạm cân này đưa ra để giải thích những bất cập của trạm cân này, gồm: sự thiếu đồng bộ của công nghệ, vị trí đặt trạm không phù hợp; thiếu thực tế trong việc nhận định các quy luật tham gia giao thông; thiếu thực tế trong việc huy động nhân lực; cuối cùng là vận hành mà không có những tiêu chí, tiêu chuẩn chính xác.

Cả 5 yếu tố này đều chứng minh một thực tế là trạm cân Dầu Giây đã được xây dựng nên mà không có một phương án khả thi với những đánh giá chính xác về tác động, hiệu quả, những khó khăn, trở ngại khi vận hành. Như vậy, rõ ràng trước khi xây dựng trạm cân này, người ta đã không hề có những báo cáo nghiên cứu, đánh giá kỹ thuật để đảm bảo tính hiệu quả của dự án. Hoặc nếu có, thì đó cũng chỉ là những bản báo cáo được thực hiện lấy lệ, không hề được phản biện nghiêm túc.

Nếu như cách đây hai năm, trước khi xây dựng trạm cân Dầu Giây, 5 nguyên nhân dẫn đến việc nó hoạt động thiếu hiệu quả như đã đề cập trên đây được đưa ra, chắc chắn câu chuyện đã diễn ra hoàn toàn khác. Và 5 yếu tố ấy, liệu có cần phải trải qua hai năm thất bại người ta mới nhìn ra?

Ông Phan Hiền, Phó Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ 7, đơn vị phụ trách Trạm cân Dầu Giây đã dễ dàng chỉ ra những nguyên nhân thất bại ấy sau 2 năm. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là 2 năm trước, ông đã ở đâu, và tại sao không đưa ra những câu hỏi về các yếu tố này?

Câu trả lời là ông Phan Hiền và những đồng sự của ông có thể vẫn ở đó, thậm chí có thể ông đã nhìn ra những vấn đề bất hợp lý kể trên. Nhưng ông ta không thể hoài nghi một dự án khi nó chưa thực hiện. Bởi phản biện chưa được coi là một hoạt động cần thiết trong quy trình thực hiện một dự án như xây dựng trạm cân Dầu Giây và rất nhiều dự án khác, thậm chí có mức độ quan trọng lớn hơn cả ngàn lần.

Câu chuyện về trạm cân Dầu Giây được nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin ngày hôm qua khiến người đọc giật mình bởi những con số. Song, có lẽ, không ít người trong số những người đang sửng sốt đó đã thực sự biết rằng đó là một hậu quả tất yếu khi mà các dự án, các siêu dự án vẫn cứ được ra đời mà không hề dựa trên những căn cứ khoa học đã được bảo vệ trước những ý kiến phản biện nghiêm túc. Điều này chỉ có thể được chấm dứt khi mà việc phản biện được coi là quyền, và trách nhiệm bắt buộc của mỗi người trước những vấn đề liên quan đến công việc của mình./.

Lão Phạm

20/01/2011 22:58
Trạm cân Dầu Giây bộc lộ hàng loạt bất cập - Ảnh: Bá Dương
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội nghị tổng kết công tác thí điểm trạm cân Dầu Giây (trên QL1) và Quảng Ninh (trên QL18) do Tổng cục Đường bộ (ĐB) VN tổ chức ngày 19.1 tại TP.HCM.

1 năm, thiệt hại 95 tỉ đồng

Ông Nguyễn Văn Điệp - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, nhận xét ngay khi mới hoạt động vào tháng 9.2008, trạm cân Dầu Giây (trạm Dầu Giây) đã kéo theo các vấn đề phức tạp. Cụ thể, chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh xuất hiện lực lượng “cò” dẫn đường và các thủ đoạn dừng xe chờ thời cơ, hoặc chờ móc nối với “cò” dẫn vào các đường nội bộ để né trạm; lập các điểm hạ tải “lậu” tại các cây xăng và các điểm lân cận.

Ngoài ra, tình trạng giao thông cũng lộn xộn hơn vì nhiều xe tìm cách né camera quan sát của trạm cân bằng cách không đi đúng làn đường quy định, cán qua dải phân cách hoặc đi sát dải phân cách để không bị quay phim; xe quá tải đi thành từng đoàn, san sát nhau để camera không nhận diện được biển số hoặc dùng khăn che biển số xe… Nghiêm trọng nhất là tình trạng xe né trạm đã làm hư hỏng các tuyến đường địa phương và ảnh hưởng lớn đến trật tự an ninh, môi trường. Theo thống kê, chỉ trong 1 năm đầu khi trạm cân đi vào hoạt động, thiệt hại về hư hỏng cầu đường của tỉnh Đồng Nai do xe né trạm lên đến 95 tỉ đồng. Công an Đồng Nai đã phải tập trung mỗi ngày 4 ca trực với 105 người phục vụ riêng cho trạm cân, chưa kể các lực lượng phối hợp khác.


Trạm cân Dầu Giây chưa thể là một hình mẫu để triển khai rộng ra cả nước và phải cân nhắc có nên tiếp tục thí điểm nữa hay không
Phan Hiền - Phó tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ 7


Là đơn vị trực tiếp quản lý trạm Dầu Giây, song Phó tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ 7 (Tổng cục ĐBVN) Phan Hiền thẳng thắn nhìn nhận qua gần 2 năm thí điểm, trạm chưa đạt được mục tiêu hạn chế xe quá tải lưu thông. Mặt khác, việc đưa vào sử dụng trạm cân đáng lẽ phải trên nguyên tắc tự động hóa ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tác động của con người song thực tế không làm được. Theo ông Hiền, trạm Dầu Giây kết hợp giữa hệ thống cân động (được tự động hóa) và hệ thống cân tĩnh (do con người vận hành), tức kết hợp giữa hiện đại và cổ lỗ, trở thành một mô hình “không giống ai”. Cũng theo ông Hiền, đến nay có thể khẳng định trạm Dầu Giây chưa thể là một hình mẫu để triển khai rộng ra cả nước và phải cân nhắc có nên tiếp tục thí điểm nữa hay không. “Theo quan điểm của Khu 7, nên ngưng trạm cân để hoàn chỉnh các tiêu chuẩn mới, nâng cấp thiết kế, cân nhắc vị trí… để không lặp lại những thiếu sót này” - ông Hiền nói.

Thiếu sót từ đầu

Theo ông Nguyễn Văn Điệp, chủ trương kiểm soát tải trọng xe là cần thiết, song việc triển khai trạm Dầu Giây đã thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng hiện trạng giao thông khu vực, kéo theo công tác quy hoạch và lựa chọn địa điểm chưa hợp lý. Bởi, tại vị trí đặt trạm có đến 16 tuyến đường nối liên hoàn với các trục giao thông trên địa bàn 5 huyện (Trảng Bom, Thống Nhất, Long Thành, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ), tạo điều kiện cho xe đi vào các đường tránh và vô hiệu hóa hoạt động trạm cân. Thậm chí, khi các lực lượng của tỉnh Đồng Nai chốt chặn trên đường tránh thì xe cộ lại tìm đường tránh khác theo các trục giao thông nối từ tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu… Từ thực tế hoạt động trạm Dầu Giây, ông Điệp cho rằng vị trí đặt trạm là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định hiệu quả của trạm cân.

Ông Đặng Công Chiến - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Tổng cục ĐBVN), chỉ ra những bất cập khác của trạm Dầu Giây. Đó là, trạm hoạt động theo quy trình, trước tiên xe lưu thông qua cân động, nếu có dấu hiệu quá tải thì tiếp tục vào cân tĩnh để đo chính xác tải trọng. Tuy nhiên, độ chính xác của cân động cho phép sai số đến 20% nên lưu lượng xe vào cân tĩnh tăng cao trong giờ cao điểm, gây ùn ứ phương tiện, bên cạnh đó tính đồng bộ, ổn định chưa cao. Đặc biệt, tính an toàn và bảo mật của hệ thống chưa được chú ý nên có hiện tượng kẻ xấu can thiệp vào hệ thống làm sai lệch kết quả kiểm tra. Công tác tuyển chọn nhân sự còn thiếu sót (vừa qua, CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can 3 cán bộ tại trạm cân Dầu Giây vì hành vi nhận hối lộ - PV).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng việc bố trí trạm cân là cần thiết nhằm kiểm soát tải trọng phương tiện, trong đó trạm Dầu Giây và Quảng Ninh thuộc quy hoạch 27 trạm cân trên các tuyến QL đã được Thủ tướng phê duyệt. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ tổng kết, đánh giá toàn diện công tác thí điểm để báo cáo Thủ tướng về việc mở rộng trạm cân trên các tuyến QL cả nước.

Phương Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét