Tham nhũng đất đai ngày càng tăng lên

LAO ĐỘNG:

Thứ Sáu, 21.1.2011 | 17:01 (GMT + 7)

(LĐO) – Bà Lis Rasmussen Rosenholm, phó đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam thì nêu quan điểm, tham nhũng trong đất đai ngày càng tăng lên, làm cho người nghèo càng nghèo, người giàu càng giàu hơn.

Tham nhũng nhiều nhất ở cấp giấy chứng nhận

Theo báo cáo “Nhận diện và giảm thiểu các rủi ro dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam” của Đại sứ quán Đan Mạch, Thụy Điển và Ngân hàng Thế giới vừa mới công bố thì tham nhũng trong việc cấp giấy chứng nhận khá phổ biến. Bởi lẽ, quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phức tạp, mất nhiều thời gian đã kích thích người dân sẵn lòng chi thêm tiền cho cán bộ để lấy được giấy chứng nhận nhanh hơn.

Tham nhũng trong việc cấp giấy chứng nhận khá phổ biến. Ảnh minh họa.
Tham nhũng trong việc cấp giấy chứng nhận khá phổ biến. Ảnh minh họa.

Tại Bắc Ninh, hướng dẫn về “cơ chế một cửa” của thành phố không thống nhất với các phường, nên một số người dân phải nhờ sự giúp đỡ của các lãnh đạo địa phương hoặc trả hoa hồng hay sử dụng “dịch vụ trung gian phi chính thức”. Còn ở Bình Định “thậm chí cán bộ cấp cao nghỉ hưu cũng khó có thể lấy được Giấy chứng nhận nếu không hối lộ”.

Cũng theo điều tra năm 2010, 78% cho rằng có tình trạng tham nhũng liên quan đến quá trình giao, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, tham nhũng còn do mức thu nhập của cán bộ quản lý đất đai còn thấp. Điều này dẫn đến việc họ thà sẵn sàng tham nhũng còn hơn là bị đói. Bên cạnh đó, cơ chế trong quản lý đất đai của Việt Nam còn nhiều điều bất cập. Vị này đưa dẫn chứng, Việt Nam định giá đất bồi thường thấp, người được giao đất sau khi bồi thường một cục tiền cho dân thì hết trách nhiệm. Trong khi đó, nước láng giềng Trung Quốc áp dụng hình thức truy thu hàng năm. “Nhà đầu tư phải trả một khoản thuê đất hằng năm cho người có đất bị trưng dụng. Chính điều này đảm bảo sự công bằng và quyền lợi người mất đất hơn”, ông Võ nói.

Bà Lis Rasmussen Rosenholm, phó đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam thì nêu quan điểm, tham nhũng trong đất đai ngày càng tăng lên, làm cho người nghèo càng nghèo, người giàu càng giàu hơn. Việc chuyển hình thức sử dụng đất với giá đền bù thấp so với giá thị trường khiến những người nông dân càng nghèo, trong khi các nhà đầu tư được lợi.

Tham nhũng đất đai ngày càng phổ biến

Báo cáo Nhận diện và giảm thiểu các rủi ro dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai của Việt Nam chỉ ra rằng, cuộc điều tra năm 2010 tiến hành tại 5 tỉnh nghiên cứu tình huống cho thấy, gần 80% những người được hỏi tin rằng, có tình trạng tham nhũng liên quan đến quá trình giao, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư. Trong đó 38% ý kiến cho rằng hình thức tham nhũng này rất phổ biến.

Theo nhóm chuyên gia nghiên cứu cho rằng, nên hình thành các ủy ban độc lập để xem xét bồi thường và giá đất cấp dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia minh bạch với khung giá đất tham khảo. Điều này giúp giảm các lợi ích kinh tế và dễ phát hiện tham nhũng.

Đối với việc cấp giấy chứng nhận, có 2 cải cách mang lại lợi ích lớn là thực hiện ở tất cả các xã việc đăng ký đất đai, khảo sát bản đồ hiện trạng đồng loạt và tăng cường vai trò cung cấp thông tin của văn phòng đăng ký đất đai.

Ông Võ cho rằng, việc chống tham nhũng đất đai ở Việt Nam còn phải phụ thuộc vào sự hoàn thiện pháp luật và quan trọng là đến lúc đảm bảo được thu nhập mà “cán bộ, người dân không cần tham nhũng”.

Vì thế, ông Võ nhấn mạnh chống tham nhũng là một quá trình dài hơi, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Khó có thể hy vọng trong năm 2011 có một bước nhảy về chống tham nhũng nhưng mỗi năm tình trạng tham nhũng sẽ giảm đi.

Lê Thảo

Thanh Nien Online
19/01/2011 23:29

Giảm thiểu các rủi ro dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai

Hôm qua, Đại sứ quán Đan Mạch, Ngân hàng Thế giới và Đại sứ quán Thụy Điển đã công bố báo cáo “Nhận diện và giảm thiểu các rủi ro dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam”.

Kiểm tra một cách có hệ thống toàn bộ quy trình để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các quy trình khác liên quan đến việc giao đất và thu hồi đất, bản báo cáo xác định, các chính sách hiện tại tạo ra kẽ hở khiến tham nhũng trở nên nghiêm trọng.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, người tham gia xây dựng báo cáo cho biết có hai hình thức tham nhũng chủ yếu trong lĩnh vực này, trong đó có việc cán bộ địa chính cấp xã, cấp huyện tạo ra những khó khăn trong việc giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tìm cách kéo dài thời gian cấp giấy, buộc người dân phải bỏ thêm “phí” ngoài quy định của Nhà nước hoặc nhờ “cò” chạy giúp...

Để cải thiện hiện trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, báo cáo cho rằng công khai minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng liên quan là những khâu đột phá.

Q.Duẩn - T.Sơn


VnExpress: Thứ năm, 20/1/2011, 09:23 GMT+7

'Văn hóa' hối lộ trong đất đai đã trở nên quen thuộc

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng Đặng Ngọc Dinh, nhận định, văn hóa hối lộ trong lĩnh vực đất đai trở nên bình thường giống như việc người dân quen với hiện tượng ngập lụt mỗi khi mưa lớn ở Hà Nội.

Báo cáo "Nhận diện và giảm thiểu các rủi ro dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai của Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới, Đại sứ quán Đan Mạch và Thụy Điển thực hiện đã được công bố ngày 19/1. Tại đây, Đại sứ Đan Mạch John Nielsen cho rằng, tham nhũng liên quan đến đất đai đang là một thách thức của Việt Nam làm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội càng lớn. Theo ông, nguyên nhân làm nảy sinh tham nhũng chủ yếu là độc quyền ra quyết định của một số tỉnh và thiếu minh bạch thông tin.

Theo báo cáo, một số chính sách hiện tại khiến tham nhũng liên quan đến lĩnh vực đất đai trở thành nguồn lợi bất thường. Cụ thể, việc thực hiện cưỡng chế thu hồi và định giá đất thấp hơn giá thị trường tạo ra những khoản lợi nhuận lớn đã góp phần nảy sinh tham nhũng. Thêm vào đó, quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phức tạp, mất nhiều thời gian đã kích thích người dân sẵn lòng chi thêm các khoản “lót tay” cho cán bộ để rút ngắn thời gian chờ đợi. Thậm chí các cán bộ cao cấp về hưu cũng khó có thể nhận được Giấy chứng nhận nhà đất nếu họ không đưa hối lộ. Điều này gây phiền phức cho những người dân nghèo không thể chi cho các dịch vụ kiểu này.

Ông Đào Trung Chính, Phó tổng cục trưởng, Tổng cục quản lý đất đai lý giải nguyên nhân của tham nhũng là mỗi đơn vị có quá ít cán bộ quản lý về đất đai. Ví dụ, Bình Thuận có xã sở hữu tới 20.000-30.000 ha đất nhưng chỉ có một cán bộ làm về lĩnh vực địa chính. Do đó, để khắc phục tình trạng trên cần tăng cường cán bộ cho trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Ảnh: Hoàng Lan
Đất đai của Việt Nam đang trong tình trạng tranh tối tranh sáng. Ảnh: Hoàng Lan.

Giáo sư Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển cộng đồng (CECODES), một thành viên tham gia nghiên cứu cho hay, văn hóa hối lộ trong lĩnh vực đất đai trở nên bình thường giống như việc người dân quen với hiện tượng ngập lụt mỗi khi mưa lớn ở Hà Nội. Chính quyền địa phương cấp tỉnh được tập trung quyền quyết định quá lớn làm nảy sinh những tiêu cực. Những cán bộ cấp tỉnh giữ toàn quyền giao đất thậm chí định ra giá cả. Do đó, theo giáo sư Dinh cần hạn chế quyền quyết định của cấp huyện, tỉnh.

Ông Đặng Hùng Võ, cố vấn cấp cao Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, tham nhũng còn do mức thu nhập của cán bộ quản lý đất đai còn thấp. Điều này dẫn đến việc họ thà sẵn sàng tham nhũng còn hơn là bị đói.

Ngoài ra, theo ông Võ, cơ chế trong quản lý đất đai của Việt Nam còn nhiều điều bất cập. Chuyên gia về đất đai này dẫn chứng, Việt Nam định giá đất bồi thường thấp, người được giao đất sau khi bồi thường một cục tiền cho dân thì hết trách nhiệm. Trong khi đó, nước láng giềng Trung Quốc áp dụng hình thức truy thu hàng năm. “Nhà đầu tư phải trả một khoản thuê đất hằng năm cho người có đất bị trưng dụng. Chính điều này đảm bảo sự công bằng và quyền lợi người mất đất hơn”, ông Võ nói.

Vị chuyên gia này cho rằng, đất đai của Việt Nam đang trong tình trạng "tranh tối tranh sáng" và chống tham nhũng là một quá trình dài hơi, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. “Khó có thể hy vọng trong năm 2011 có một bước nhảy về chống tham nhũng nhưng chúng tôi tin rằng, mỗi năm tình trạng tham nhũng sẽ giảm đi”, ông Võ nói.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam lại lạc quan về vấn đề chống tham nhũng khi Đại hội Đảng vừa có kết quả. “Tôi kỳ vọng những nhân sự cấp cao mới của đất nước có thể đưa ra những hành động để giải quyết các vấn đề thách thức như chống tham nhũng”, bà chia sẻ.

Báo cáo Nhận diện và giảm thiểu các rủi ro dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai của Việt Nam chỉ ra rằng, cuộc điều tra năm 2010 tiến hành tại 5 tỉnh nghiên cứu tính huống cho thấy, gần 80% những người được hỏi tin rằng, có tình trạng tham nhũng liên quan đến quá trình giao, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư. Trong đó 38% ý kiến cho rằng hình thức tham nhũng này rất phổ biến.

Trong câu hỏi: "Không khó tìm thấy tham nhũng trong quản lý đất đai, tỉnh nào cũng có tình trạng bán đất và giao đất trái phép" có tới 92% ý kiến đồng ý hoàn toàn hay một phần với ý kiến trên. Trong đó có tới 41% đồng ý hoàn toàn.

Hoàng Lan



Thứ năm, 25/11/2010, 17:41 GMT+7

'Tham nhũng trong lĩnh vực đất đai ngày càng tinh vi'

Ủy viên thường trực Ủy ban tư pháp Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng tình hình tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Một số công chức coi việc nhận tiền của dân là đương nhiên.

Bên lề buổi đối thoại về phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai sáng nay, tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, Ủy viên thường trực Ủy ban tư pháp đã có cuộc trao đổi ngắn với báo chí.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền. Ảnh: Hoàng Lan
Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền. Ảnh: Hoàng Lan

- Ông nhận định thế nào về tình hình tham nhũng, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai trong những năm gần đây?

- Với hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn tỷ ha đất bị thất thoát, hàng nghìn cán bộ bị xử lý trong những năm qua cho thấy tỷ lệ tham những chưa giảm. Cả nước 63 tỉnh mà mới chỉ có 25-26 đơn vị phát hiện tham nhũng, tôi cho rằng con số đó còn quá ít.

Các địa phương phải xin ngân sách, xin quy hoạch, xin dự án nhiều nên tỷ lệ tham nhũng chủ yếu ở cấp phường xã. Ở các cấp trung ương, không có nhiều vụ tham nhũng nhưng khi phát hiện ra vụ nào thì thường rất lớn và có tổ chức. Riêng trong lĩnh vực đất đai, rất nhiều khâu có tham nhũng kể cả khâu quy hoạch.

- Đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, ở Việt Nam xuất hiện nhiều tình trạng cán bộ tham nhũng vì mức lương của họ thấp, ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Đây là một nguyên nhân làm nảy sinh tham nhũng. Nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận là có những người lương thấp mà vẫn không tham nhũng. Và có những người lương rất cao mà vẫn tham nhũng. Tôi chưa có điều tra cụ thể, nhưng rõ ràng lương thấp là nguyên nhân phát sinh nhũng nhiễu. Những người này tìm cách để người dân tự đưa chứ không trực tiếp đòi.

- Vậy theo ông đâu là nguyên nhân cơ bản để nảy sinh tham nhũng, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai?

- Do người dân chưa được nâng cao nhận thức rằng họ phải tự bảo vệ quyền hợp pháp của mình. Không nhất thiết phải đưa tiền cho cán bộ khi xin cho con nhập học cũng như khám bệnh, hay xin giấy tờ liên quan đến đất đai. Ai cũng nghĩ là người khác "lót tay" cho cán bộ mà mình không thì sẽ gặp khó khăn. Điều này tạo ra một thói quen cho các cán bộ. Hệ quả là một số công chức Nhà nước coi việc nhận tiền người dân đưa là chuyện bình thường và đương nhiên.

- Đại sứ quán Thụy Điển có đưa ra một con số, 86% các hộ gia đình ở Việt Nam nhận biết có tham nhũng trong quản lý sử dụng đất đai. Liệu người dân có giảm lòng tin vào việc chống tham nhũng không thưa ông?

- Chính phủ đã có nhiều cố gắng, đề ra nhiều biện pháp nhưng hiệu quả chưa cao. Khi hiệu quả cao thì người dân sẽ tin, đó là quy luật. Chúng ta không bất lực nhưng rõ ràng hiệu quả chống tham nhũng, đặc biệt là lĩnh vực đất đai chưa đáp ứng được mục tiêu mà người dân kỳ vọng.

Chính phủ cho rằng, đất đai vi phạm pháp luật đều bị thu hồi lại nhưng chúng tôi đề nghị hành vi vi phạm pháp luật đó phải được bóc tách, cái gì liên quan đến tham nhũng và cái gì không liên quan đến tham nhũng. Nhưng điều này chính phủ chưa làm được.

- Được đánh giá là vấn đề nhức nhối, vậy theo ông cần phải làm gì để hạn chế tham nhũng nói chung và trong vấn đề quản lý đất đai nói riêng?

- Vấn đề quản lý đất đai ở Việt Nam rất lớn. Năm 1993, chúng ta mở ra 6 quyền cho tổ chức cá nhân, tôi coi đây là một cuộc cải cách về việc quản lý và sử dụng đất đai. Chúng ta đã kỳ vọng với tài nguyên đất đai quý giá, cả nước sẽ sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả. Nhưng thực tế, tình hình tham nhũng đặc biệt trong lĩnh vực đất đai ngày càng nghiêm trọng, phức tạp và tinh vi hơn.

Khi sửa đổi bộ luật tố tụng hình sự, Chính phủ có đề nghị Quốc hội đưa ra giải pháp trinh sát điều tra như đặt máy nghe trộm, kiểm soát thư tín để theo dõi nhưng Quốc hội không cho phép vì đối với Nhà nước pháp quyền mọi hoạt động tố tụng phải được tiến hành công khai. Nhưng khi tiến hành tố tụng công khai thì các đơn vị tham nhũng có thể phòng ngừa được.

Để ngăn chặn tham nhũng thì cơ quan thanh tra, điều tra, viện kiểm sát, tòa án, giám sát Quốc hội, giám sát Hội đồng nhân dân lại phải có năng lực về nghiệp vụ, bản lĩnh để phát hiện ra vấn đề. Chúng tôi kỳ vọng Trung ương Đảng sẽ có nghị quyết chuyên đề, định hướng chiến lược để hoàn thiện cơ chế quản lý trong lĩnh vực đất đai.

Hoàng Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét