'Sẽ kiến nghị nhân rộng mô hình trạm cân Dầu Giây'

VnExpress:
Thứ năm, 20/1/2011, 10:03 GMT+7

Thừa nhận hoạt động ở trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) có nhiều khuyết điểm, tuy nhiên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông vẫn khẳng định chủ trương thí điểm ở trạm cân này là đúng và sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền nhân rộng trên cả nước.

Ngày 19/1, tại Hội nghị tổng kết công tác thí điểm trạm Kiểm tra trọng tải xe Dầu Giây và Quảng Ninh, đại diện cho đơn vị đang quản lí trạm cân Dầu Giây, ông Phan Hiền, Phó Tổng Giám đốc Khu Quản lí đường bộ VII nêu lên nhiều khuyết điểm như: Các phương tiện chở quá tải thường đi đường vòng né trạm, dùng thủ thuật bôi bẩn biển số để qua mặt camera giám sát, trang thiết bị còn hạn chế (mỗi trạm chỉ có một cân tĩnh), một số cán bộ, nhân viên lợi dụng hạn chế về mặt kỹ thuật để thông đồng với lái xe trục lợi bất chính... đặc biệt là tiêu chuẩn thiết kế.

Phó Tổng Giám đốc Khu quản lý đường bộ VII Phan Hiền phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tá Lâm.
Phó Tổng Giám đốc Khu quản lý đường bộ VII Phan Hiền phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tá Lâm.

"Tiêu chuẩn cuối cùng để thiết kế chốt lại là bao nhiêu? Qua thí điểm, tiêu chuẩn này chưa rõ ràng thì làm sao xây dựng các trạm khác? Như thế đánh giá trạm cân Dầu Giây là hình mẫu liệu có đúng chưa?", ông Hiền băn khoăn.

Sau khi đưa ra các câu hỏi, vị Phó tổng này khẳng định chưa thể xem thí điểm trạm cân Dầu Giây là hình mẫu để nhân rộng ra cả nước. Ông đề nghị đình lại để sữa chữa, nâng cấp tránh tình trạng mắc phải những sai sót như ở trạm cân Dầu Giây.

Đề cập về cơ chế quản lý, ông Hiền nói: "Khu VII chúng tôi thân phận chỉ là công nhân, mang tiếng chỉ huy 5 lực lượng phối hợp nhưng trong thực tế chúng tôi không chỉ huy được ai". Ông cho rằng cơ chế quản lý còn chồng chéo là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Không đồng tình với ý kiến "khai tử" trạm cân này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Ngô Quang Đảo cho rằng: “Việc đình chỉ là việc của Bộ GTVT và của Chính phủ. Nếu chưa đạt tiêu chuẩn và chưa hợp lý chỗ nào thì sẽ tìm cách thay đổi chỗ đó”, ông Đảo nói.

Trạm trưởng trạm cân Dầu Giây Phan Mậu Khởi thừa nhận phẩm chất đạo đức của một số cán bộ ở đây yếu kém, trạm thường xuyên thiếu người tuần tra kiểm tra, thiết bị hoạt động chưa ổn định kéo dài...

Vị Trạm trưởng kiến nghị bổ sung đúng và đủ cán bộ tốt cho trạm cân Dầu Giây. Đồng thời, phải đưa các trang thiết bị tiên tiến để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người nhằm ngăn chặn tiêu cực.

Xe tải khi đi qua trạm cân sẽ chạy qua hệ thống cân tự động để cân sơ bộ, nếu phát hiện quá tải biển báo yêu cầu xe vào trạm cân để kiểm tra lại chính xác hơn. Ảnh: Tư liệu.
Xe tải khi đi qua trạm cân sẽ chạy qua hệ thống cân tự động để cân sơ bộ, nếu phát hiện quá tải biển báo yêu cầu xe vào trạm cân để kiểm tra lại chính xác hơn. Ảnh: Tư liệu.

Đại diện cho địa phương nơi đặt trạm cân Dầu Giây, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, ngân sách tỉnh đã phải bỏ ra 95 tỉ đồng khắc phục, sửa chữa, tái lập mặt đường của 20 tuyến trên địa bàn do các xe quá tải né trạm cân gây ra.

Vị Phó chủ tịch nhất trí ủng hộ thí điểm trạm cân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ông Vĩnh chưa nhất trí việc đặt vị trí trạm cân ở Dầu Giây do nhiều tài xế có thể đi vòng các đường tỉnh lộ để né trạm. Do đó, ông kiến nghị tại Hội nghị này hủy bỏ địa điểm cũ là Dầu Giây thay bằng địa điểm khác cụ thể hơn.

Sau khi nghe báo cáo tham luận của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định chủ trương thí điểm trạm cân là đúng và trong thời gian tới sẽ báo cáo lên cấp có thẩm quyền nhân rộng đại trà mô hình này. Tuy vậy, vị thứ trưởng này cũng nhìn nhận nhiều sai phạm dẫn đến việc hơn 30 cán bộ, viên chức bị khởi tố hoặc vi phạm kỷ luật bị luân chuyển công tác.

"Công nghệ lạc hậu dùng cân tĩnh và sự lệ thuộc quá nhiều vào yếu tố con người đã gây ra tiêu cực như thời gian qua", ông Đông lí giải.

Ông Đông cho biết sẽ kiến nghị qui hoạch lại 27 điểm kiểm tra tải trọng, chọn vị trí phù hợp không để xẩy ra tình trạng như trạm Dầu Giây.

Tá Lâm

thanhnien.com.vn:
19/01/2011 16:27


(TNO) Những hạn chế của trạm kiểm tra tải trọng xe (gọi tắt là trạm cân) Dầu Giây (Đồng Nai) và Quảng Ninh sẽ được rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng.

Khiếm khuyết

Tại hội nghị tổng kết thí điểm hoạt động trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) và Quảng Ninh vào ngày 19.1, nhiều đại biểu thống nhất cao với chủ trương triển khai rộng rãi các trạm cân trên cả nước nhằm bảo vệ mạng lưới đường bộ. Nhiều ý kiến cũng chỉ thẳng những khiếm khuyết trong thời gian vận hành thí điểm hệ thống hai trạm cân nói trên.

“Nên đình lại hoặc dời đi và khi làm cái khác không lặp lại như trạm Dầu Giây. Đã đến lúc dừng lại để nhìn nhận thiếu sót. Không có trạm cân nào trên thế giới như trạm cân Dầu Giây cả”, với tư cách đại diện cho đơn vị đang quản lý trạm cân Dầu Giây, ông Phan Hiền, Phó tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ 7 (QLĐB 7) nêu ý kiến.


Ông Phan Hiền, Phó tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ 7 (trái) tranh luận với ông Ngô Quang Đảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ về việc bỏ hay không bỏ trạm thu phí Dầu Giây - Ảnh: Trần Duy

Theo ông Phan Hiền, trạm cân Dầu Giây chưa đạt mục đích hướng tới. Đó là chi phối thực sự hoạt động vận tải mà không để xảy ra tình trạng quá tải; tự động hóa ở mức cao nhất, hạn chế tối đa hoạt động của con người.

“Trạm kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây còn là sự kết hợp tự động hóa với hệ thống cân tĩnh cũ. Đây là sự kết nối của hiện đại với cái cổ lỗ (có tính cải thiện). Sự kết hợp này không cho ra ngay một mô hình mong muốn. Vị trí của trạm Dầu Giây chưa giải quyết được yêu cầu khống chế một cách cao nhất phương tiện quá tải đi qua”, ông Hiền thẳng thắn.

Lãnh đạo của Khu QLĐB 7 nêu lên hàng loạt khiếm khuyết của trạm cân Dầu Giây như: các phương tiện quá tải dễ dàng “né trạm”; dùng thủ thuật (bẻ cong, bôi bẩn biển số) để qua mặt camera giám sát; thiết bị, phần mềm liên tục “dở chứng”; một số cán bộ biến chất, “bắt tay” với tiêu cực… và đặc biệt những tiêu chuẩn thiết kế trạm cân đang được làm theo kiểu “mày mò”.

Ông Phan Hiền cũng nêu ra những bất cập trong quá trình kết hợp với các lực lượng chức năng khác tại trạm cân Dầu Giây: “Chúng tôi mang tiếng chỉ huy 5 lực lượng phối hợp nhưng trong thực tế quyền hạn và cái “uy” trong hành xử không có. Khu 7 thân phận chỉ là những người công nhân làm sao chỉ huy CSGT, Công an, lực lượng quân sự? Thử tổ chức một kiểu như thế ở đâu thì kết quả cũng vậy”. Chính vì những bất cập trên, ông Phan Hiền nói “không quản lý nổi” và đặt ra vấn đề: “Có nên tiếp tục triển khai 27 trạm cân như thế trên cả nước không?’.

Đại diện của trạm cân Quảng Ninh cũng đưa ra những bất cập tương tự. Theo đó, quyền hạn của nhân viên trạm cân không đủ khiến tài xế vi phạm chấp hành nghiêm túc yêu cầu của cơ quan thi hành. Có trường hợp tài xế vi phạm không chịu xuống xe mà cố thủ trong cabin, chờ cho nhân viên của trạm cân xuống ca liền nổ máy cho xe chạy thẳng.

Triển khai trên diện rộng

Ông Ngô Quang Đảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ không đồng tình với ý kiến “dẹp bỏ” trạm cân của đại diện Khu QLĐB 7. “Việc đình chỉ là việc của Bộ GTVT và của Chính phủ. Dở chỗ nào, chưa hợp lý thì tìm cách thay đổi”, ông Đảo nói.

Đại diện cho địa phương nơi đặt trạm cân Dầu Giây, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, ngân sách tỉnh đã phải bỏ ra 95 tỉ đồng khắc phục, sửa chữa hệ thống đường trên địa bàn tỉnh do các xe quá tải né trạm cân gây nên.


Thời gian qua, trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) được nhắc đến nhiều vì liên quan đến những sai phạm của nhân viên tại trạm và thiết bị thường xuyên trục trặc - Ảnh: T.P

Ông Vĩnh thừa nhận một số sự cố tiêu cực xảy ra trong quá trình trạm cân Dầu Giây hoạt động. Theo ông Vĩnh, trong quá trình thí điểm hoạt động trạm cân Dầu Giây có những việc chưa được hoàn thiện nhưng chắc chắn đấy không phải là cố ý, không vì thế mà phủ nhận, bỏ đi vì xe quá tải không những phá hỏng đường sá mà còn không đảm bảo an toàn giao thông, gây tai nạn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, không chỉ ở VN đang “loay hoay tìm giải pháp” mà trên thế giới, nhiều nước cũng vấp phải tình trạng lúng túng trong việc kiểm soát, hạn chế xe quá tải lưu thông trên đường.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, ông Đông khẳng định chủ trương thí điểm trạm cân Dầu Giây và Quảng Ninh là đúng và sẽ nghiên cứu, rút kinh nghiệm để báo cáo với cấp có thẩm quyền triển khai trên diện rộng trong thời gian tới.

Theo ông Đông, giải pháp chủ trương công nghệ tiên tiến, tách sự can thiệp quá sâu của con người trong quá trình vận hành là phù hợp. Ông Đông cũng cho biết sẽ kiến nghị sửa đổi những bất cập tại các văn bản pháp quy của ngành giao thông gây khó khăn cho các doanh nghiệp, người dân và cơ quan thực thi.

Khu Quản lý đường bộ 7 (QLĐB 7) cho biết, trong thời gian qua, hoạt động tại trạm cân Dầu Giây xảy ra một số tồn tại.

Cụ thể trong tháng 8.2009, Khu QLĐB 7 đã xử lý các trường hợp nhân viên trạm vi phạm nội quy, quy chế của trạm dẫn đến kết quả cân có sai sót.

Ngày 10.9.2010, Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang hiện tượng tiêu cực xảy ra tại 3 ca và tạm giam 3 nhân viên (2 nhân viên thuộc trạm và 1 nhân viên thuộc Ban thanh tra Đường bộ 4).

Khu QLĐB 7 đã tạm đình chỉ công tác phó trưởng trạm phụ trách, 1 ca trưởng và 1 nhân viên theo yêu cầu của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai. Trong giờ làm việc còn có nhân viên có tác phong làm việc chưa tốt.

Việc quản lý theo dõi thiết bị chưa chặt chẽ, đặc biệt là quyền chủ động của nhà thầu trong công tác bảo hành thiết bị.

Ngày 26.1.2010, trong lúc kiểm tra thiết bị, trạm đã phát hiện một thiết bị lạ đấu nối vào thiết bị vòng từ (một bộ phận của hệ thống cân) có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống này. Sự việc được Khu QLĐB 7 chủ động báo cáo và đề nghị công an tỉnh Đồng Nai làm rõ. Hiện nay, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đang điều tra, chưa có kết luận nguyên nhân.

Khu QLĐB 7 đã tạm đình chỉ công tác trưởng trạm và 2 nhân viên theo yêu cầu của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai để phục vụ điều tra.

Trần Duy

tuoitre.vn:
Thứ Năm, 20/01/2011, 01:01 (GMT+7)

Trạm cân Dầu Giây: Tiếp tục hay tạm dừng?

TT - Ngày 19-1, Tổng cục Đường bộ VN đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thí điểm hoạt động hai trạm cân kiểm tra tải trọng xe, gồm trạm cân Quảng Ninh và trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai).

Xe tải đi qua trạm cân Dầu Giây - Ảnh: T.T.D.

Tổng cục Đường bộ cho biết qua hai năm thí điểm, trạm cân Dầu Giây đã phát hiện 27.000 xe vi phạm chở hàng quá tải hoặc chất hàng trên xe không đúng quy định (chiếm 19,17% tổng số xe vào trạm cân), thu tiền phạt 13,3 tỉ đồng.

Còn ở trạm cân Quảng Ninh, sau sáu tháng đưa vào hoạt động đã phát hiện 1.523 xe vi phạm (chiếm 36,4% tổng số xe vào trạm cân), thu tiền phạt hơn 3 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ cho biết việc thí điểm trên vẫn còn nhiều hạn chế như việc lựa chọn địa điểm xây dựng trạm cân Dầu Giây chưa hợp lý vì có nhiều đường nhánh nên xe quá tải dễ né trạm. Hệ thống thiết bị kỹ thuật trạm cân chưa ổn định. Tính an toàn và bảo mật của hệ thống kỹ thuật chưa được chú ý thích đáng nên có hiện tượng kẻ xấu can thiệp và làm sai lệch kết quả kiểm tra cân xe. Công tác tuyển chọn nhân sự còn có thiếu sót khiến những phần tử xấu chui vào đội ngũ, cán bộ, nhân viên trạm cân gây ra hành vi tiêu cực.

Đó là chưa kể việc xây dựng trạm cân Dầu Giây còn phát sinh nhiều tiêu cực khác.

Đồng Nai thiệt hại nặng vì trạm cân Dầu Giây

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết kể từ khi trạm cân Dầu Giây hoạt động tháng 8-2008 đến tháng 9-2009, đường sá ở địa phương xuống cấp nhanh vì xe quá tải né trạm. Tỉnh đã bỏ ra 95 tỉ đồng để sửa chữa các con đường bị hư hỏng do xe né trạm. Hiện nay mỗi ngày chính quyền Đồng Nai phải sử dụng 105 người làm việc ngày và đêm để kiểm tra xử lý xe quá tải né trạm cân Dầu Giây.

Ông Phan Hiền - phó tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ 7 - bày tỏ băn khoăn về việc có nên tiếp tục hay tạm dừng thí điểm trạm cân Dầu Giây.

Theo ông Hiền, khi xe né trạm hoặc vượt trạm thì lực lượng kiểm tra trên đường xử phạt rồi cho đi tiếp. Trong khi đó, cán bộ Khu Quản lý đường bộ không thể chỉ huy được công an, thanh tra...

Đại diện trạm cân Quảng Ninh phản ảnh có hiện tượng chở hàng quá trọng tải diễn ra phổ biến và nhiều xe có hành vi vượt trạm không chấp hành hiệu lệnh vào trạm kiểm tra.

Thanh tra đường bộ 4 cho biết quy trình xử phạt xe vi phạm ở trạm cân Dầu Giây rất khó khăn vì phải fax các dự thảo quyết định xử phạt ra cho Thanh tra Cục Đường bộ ở Hà Nội, từ Hà Nội lại phải chuyển fax nhanh các quyết định xử phạt xe vi phạm vào trạm, quá trình này mất 7-10 ngày.

Ông Lương Hoàng Trung - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - bày tỏ ý kiến không đồng tình về phương án lập thêm các trạm cân trên quốc lộ (phương án 3), đồng thời cho rằng cần triển khai nhiều phương án (trong đó có phương án lập trạm cân tại các đầu mối tập kết hàng hóa như nhà ga, cảng biển, sân bay, các khu công nghiệp lớn) để kiểm tra trọng tải xe.

Theo Cục Đường bộ, các xe không bị phạt ở trạm cân thì cũng bị cảnh sát giao thông phạt khi qua cầu yếu. Hệ thống cầu trên quốc lộ 1 có tải trọng thấp, xe có vào trạm cân và kiểm tra đúng trọng tải cũng bị phạt khi xe đến cầu vì quá tải trọng cầu.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông ghi nhận các ý kiến đóng góp về trạm cân và cho biết sẽ rà soát để điều chỉnh quy hoạch xây dựng 27 trạm cân trong cả nước.

NGỌC ẨN

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

>> Khen thưởng lực lượng phá án vụ trạm cân Dầu giây
>> Bắt một vụ nhận hối lộ tại trạm cân Dầu Giây
>> Trạm cân Dầu Giây: bao giờ mới hết ăn hối lộ?
>> Khởi tố 3 nhân viên trạm cân Dầu Giây nhận hối lộ
>> Thiết bị trạm cân Dầu Giây lại “cà giật”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét