Mỹ lợi dụng vụ máy bay tàng hình J-20 để chia rẽ nội bộ Trung Quốc

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :4:10 PM, 17/01/2011
Để chia rẽ giới lãnh đạo Trung Quốc, phương Tây đưa tin Chủ tịch Hồ Cẩm Đào không biết quân đội thử J-20; mà chính Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đạo diễn vụ này...

Chia để trị

Theo Wall Street Journal, trong cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, khi phía Mỹ hỏi về vụ thử J-20 thì dường như Chủ tịch Trung Quốc, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Hồ Cẩm Đào tỏ ra bất ngờ.

Phải một lúc sau, ông Hồ Cẩm Đào mới xác nhận là Trung Quốc thử J-20 và khẳng định quân đội Trung Quốc không nhằm vào quốc gia nào.

Chủ tịch Hồ (phải) đón tiếp ông Gates.

Nhận định về việc này, một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ tham gia buổi hội đàm sau đó khẳng định: “Rõ ràng là ông Hồ không biết gì về vụ thử J-20”.

Chủ tịch Hiệp hội quân sự quốc tế Antony Wong Dong khẳng định, chính Phó chủ tịch Tập Cận Bình, người thăm địa điểm thử J-20 hồi đầu tháng, là “đạo diễn” của vụ thử nghiệm J-20.

Tổng biên tập tạp chí Kanwa Asian Defence Monthly là Andrei Chang cũng tuyên bố: “Vụ thử J-20 giống như một show truyền hình của đạo diễn Tập Cận Bình, người có đường lối chính trị khác Chủ tịch Hồ Cẩm Đào”.

J-20 cất cánh mà ông Hồ không biết.

Về bản chất, đây là công việc nội bộ của Trung Quốc. Tuy nhiên, báo giới phương Tây cố tình "xía mũi" vào, rồi đưa tin rầm rộ vì họ muốn tận lực chia rẽ giới lãnh đạo Trung Quốc. Cụ thể, phương Tây muốn kích động sự đối đầu ở Trung Quốc, nơi từ lâu xuất hiện nhiều thông tin cho rằng đã và đang có sự bất đồng sâu sắc trong các phe phái chính trị ở Bắc Kinh mà nổi bật là giữa Chủ tịch và Phó chủ tịch nước.

Theo một số nhà nghiên cứu phương Tây, ông Tập Cận Bình và phe cánh con em lão thành cách mạng đang tập hợp lực lượng, chuẩn bị tiếp quản ghế Chủ tịch. Thậm chí, theo nhiều nguồn tin, ông Tập Cận Bình thu nhận được sự hỗ trợ của nhiều con em các bậc lão thành cách mạng; cũng như những nhà chính trị gạo cội như Tăng Khánh Hồng và Giang Trạch Dân...

Ngược lại, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng quyết tâm củng cố vị thế của phe Đoàn thanh niên Trung Quốc bằng cách đưa nhiều người thân cận thuộc phe Đoàn thanh niên vào vào Bộ chính trị khóa tới. Đồng thời, có khả năng ông Hồ muốn tiếp tục làm Chủ tịch Quân ủy trung ương ít nhất vài năm sau đại hội 18 (diễn ra năm 2012).

Khi đó, ông Tập Cận Bình chỉ làm Chủ tịch nước còn ông Hồ Cẩm Đào vẫn là Chủ tịch Quân ủy trung ương – chức vụ được nhiều người coi là quan trọng nhất ở Trung Quốc.

Chưa rõ liệu ông Tập Cận Bình có "đạo diễn" vụ J-20 hay không nhưng chỉ riêng việc ông Hồ Cẩm Đào không biết vụ bay thử thì chắc chắn, Chủ tịch Trung Quốc sẽ phải điều tra rõ vụ việc. Và rất có thể, với những bất đồng sẵn có, cuộc điều tra chỉ tạo thêm rạn nứt trong giới lãnh đạo Bắc Kinh mà thôi.

Có tin cho rằng ông Tập Cận Bình không vừa lòng với việc ông Hồ Cẩm Đào chậm cho ông vào Quân ủy trung ương.

Chính trị đối đầu quân sự

Một mục tiêu khác của Mỹ khi bình luận về vụ J-20 là nhằm chia rẽ giới chính trị Bắc Kinh với giới quân sự; bởi nếu Chủ tịch Quân ủy trung ương Hồ Cẩm Đào – chức vụ cao nhất của giới quân sự Trung Quốc - không biết vụ thử máy bay mang tầm vóc chiến lược J-20 thì điều đó cũng có nghĩa là quân đội Trung Quốc tự ý hành động.

Trước đây từng xảy ra vụ việc cho thấy có khoảng cách giữa giới chính trị và quân sự Trung Quốc. Đơn cử như hôm 11/1/2007, khi Trung Quốc dùng tên lửa bắn hạ một vệ tinh không còn sử dụng nữa. Khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dường như cũng không được thông báo về vụ việc.

Nói cách khác, lực lượng cứng rắn trong quân đội đang vượt quyền Bắc Kinh, nỗ lực tăng cường ảnh hưởng trước thềm đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm tới, khi Trung Quốc tiến hành chuyển giao quyền lực sang thế hệ mới.

Nay ông Hồ Cẩm Đào đang là Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy trung ương mà còn không biết vụ thử J-20 thì khi chỉ làm Chủ tịch Quân ủy trung ương (có thể là sau năm 2012), thì liệu ông còn kiểm soát được quân đội tới đâu? Do đó, sau vụ J-20, chắc chắn ông Hồ sẽ điều tra kỹ hơn nữa và có những bước đi thích hợp. Quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ có biến động, ít nhất là về nhân sự liên quan tới vụ việc.

Về đối ngoại, mục tiêu của Mỹ là gây hoang mang, lo ngại cho các láng giềng Trung Quốc, nhất là Nhật Bản và đảo Đài Loan.

Nguyên nhân là nếu Bắc Kinh không kiểm soát được giới quân sự thì liệu những động thái tích cực mà Bắc Kinh đưa ra có thực sự bền vững. Thậm chí, trong trường hợp xấu, phe quân sự có thể đơn phương có hành động cứng rắn, đe dọa bên ngoài dù không có sự chấp thuận của Bắc Kinh.

Nói cách khác, Mỹ muốn gây lo ngại cho các láng giềng của Trung Quốc, qua đó gián tiếp buộc các đối tượng này phải tự tăng cường tiềm lực quân sự, cũng như tăng cường quan hệ quân sự với nhau như trường hợp của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhật Bản, Hàn Quốc tăng cường hộp tác quân sự.

Cuối cùng, việc thổi phồng nguy cơ quân sự từ Trung Quốc còn giúp Mỹ củng cố, tăng cường vị thế trong khu vực. Bởi hiện chẳng nước nào ở châu Á – Thái Bình Dương có quân đội mạnh như Trung Quốc và cũng không ai có nhiều tiền của đầu tư cho quốc phòng như Bắc Kinh.

Do đó, trước nguy cơ quân đội Trung Quốc lớn mạnh, tự tung tự tác thì tốt nhất là các nước láng giềng phải tăng cường liên minh với Mỹ, nhờ Mỹ bảo vệ an ninh.

Có thể nói, Mỹ đang sử dụng chiêu bài "chia để trị" nhằm chia rẽ nội bộ Trung Quốc cũng như lôi kéo ác nước láng giềng lại gần mình. Mục đích vẫn là kiềm chế "con rồng châu Á", chỉ có khác biệt so với những lần trước là biện pháp mềm dẻo, tinh vi mà thôi.

Trần Lâm

BAODATVIET.VN
Cập nhật lúc :3:51 PM, 18/01/2011
Lãnh đạo Đài Loan vừa chính thức thừa nhận thất bại hàng loạt trong đợt thử nghiệm 19 tên lửa mới đây của vùng lãnh thổ này.

>> Tàu ngầm Đài Loan khủng hoảng nghiêm trọng

“Kết quả thật đáng buồn. Tôi hy vọng quân đội sẽ nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và khắc phục những thiếu sót trong hệ thống các tên lửa này”, ông Mã Anh Cửu phát biểu sau cuộc tập trận tên lửa.

Những tên lửa khác được thử nghiệm trong cuộc tập trận này là hệ thống tên lửa đất đối không Sky Bow II, với tầm bắn 200 km, tổ hợp tên lửa phòng không MIM - 23 HAWK và tên lửa phòng không FIM-92 Stinger.

Cụ thể, trong cuộc tập trận này, 6 trong tổng số 19 tên lửa đất đối không và không đối không không nhắm trúng mục tiêu, điển hình là loạt bắn “vô hồn” đến hơn 30 giây của tên lửa RIM-7M.

Đây là cuộc thử nghiệm tên lửa công khai đầu tiên của Đài Loan trong vòng một thập kỷ qua. Theo ông Mã Anh Cửu, mục đích của cuộc thử nghiệm công khai này là nhằm minh bạch sức mạnh quân sự của Đài Loan.

Nhiều tên lửa không nhắm trúng đích trong cuộc tập trận này. Ảnh minh họa.

Sau khi Trung Quốc “quảng bá” về máy bay tàng hình J-20, tờ United Daily News của Đài Loan lên tiếng kêu gọi ông Mã Anh Cửu thay đổi trọng tâm nhiệm vụ của quân đội từ tự vệ sang đối phó với kẻ thù bên ngoài.

Theo một số chuyên gia, sự có mặt của ông Mã tại cuộc tập trận tên lửa nhằm tái khẳng định cam kết của ông đối với việc tăng cường khả năng tự vệ của vùng lãnh thổ này.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại cho rằng, mục tiêu thực sự của nỗ lực “phô trương” này chính là để thuyết phục Washington bán cho vùng lãnh thổ này nhiều vũ khí hiện đại hơn.

Chuyên gia quân sự Wang Kao-cheng tại ĐH Tamkang nhận định, thông điệp mà Đài Loan thực sự muốn truyền tải chính là kêu gọi Mỹ bán cho vùng lãnh thổ này 66 máy bay chiến đấu F-16 hiện đại.

“Đài Bắc muốn phát tín hiệu đến Washington rằng, hệ thống phòng không của Đài Loan đang chịu sức ép ngày càng lớn khi Trung Quốc không ngừng phát triển các máy bay chiến đấu thế hệ mới”, ông Wang nhấn mạnh.

Theo ông, giới phân tích Washington cũng nhận thấy sự yếu kém của quân đội Đài Bắc trong việc đối phó với các thách thức từ Bắc Kinh. Giới chức Mỹ cũng đang cân nhắc lời đề nghị này, song thái độ phản đối quyết liệt của Bắc Kinh khiến Washington phải lưỡng lự và trì hoãn hợp đồng này suốt hơn hai năm nay.

Trà My (theo AP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét