Thứ Ba, 18/01/2011, 11:41 (GMT+7)
TTO - Ngày 17-1, Bộ trưởng quốc phòng Ehud Barak kiêm chủ tịch Công đảng cầm quyền ở Israel đã tuyên bố rời khỏi đảng này và thành lập một đảng mới, kéo theo nhiều đề nghị từ chức từ các bộ trưởng khác.
Ehud Barak và Benjamin Netanyahu được cho là đã bàn bạc trước về việc ông Barak từ bỏ Công đảng. Ảnh: Whale |
AFP đưa tin đảng mới của ông Barak mang tên Đảng Độc lập, theo đường lối “trung dung, dân chủ và tư tưởng phục quốc Do Thái". Đảng mới vẫn nằm trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Ông Barak kéo theo những người khác gia nhập đảng mới, gồm có Bộ trưởng nông nghiệp Shalom Simhon, thứ trưởng quốc phòng Matan Vilnai, hai nghị sĩ Einat Wilf và Orit Noked.
Bộ trưởng xã hội Isaac Herzog là người đầu tiên tuyên bố từ chức nhưng nhấn mạnh rằng ông vẫn ở lại Công đảng. Sau đó, Bộ trưởng thương mại - công nghiệp Ben-Eliezer cũng tuyên bố từ chức. Ông tỏ ra giận dữ với Barak và cho rằng Barak “phỉ nhổ vào đảng đã bầu chọn ông làm thủ lĩnh”.
“Chia tách để ổn định hơn”
Trước đó, người Palestine từ chối đàm phán cho đến khi Israel hoàn toàn ngừng xây dựng khu định cư cho người Do Thái ở Bờ Tây và đông Jerusalem. Nội bộ Công đảng chia rẽ sâu sắc giữa chiến tranh và hòa bình khiến các cuộc đàm phán đang rơi vào ngõ cụt.
Barak cho rằng việc bỏ Công đảng là một động thái “nghiêng sang cánh tả”, chấm dứt “mâu thuẫn nội bộ không ngớt” và tuyên bố việc đó là nhằm mục tiêu giúp Chính phủ Israel mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng Netanyahu ngay lập tức ca ngợi động thái của ông Barak, cho rằng việc này làm chính phủ có sức mạnh hơn, nhất là trong vấn đề đàm phán với người Palestine. “Hôm nay chính phủ chúng ta thực sự mạnh mẽ - ông Netanyahu nói trong cuộc họp các nghị sĩ thuộc Đảng Likud cánh hữu của ông - Việc điều hành tốt hơn và sự ổn định cũng vững bền hơn”.
Truyền thông Israel cho rằng việc làm của ông Barak đã được bàn tính từ trước với ông Netanyahu và do đó ông Barak cùng hai người khác sẽ tiếp tục giữ vị trí bộ trưởng mà họ vừa tuyên bố rời bỏ. Các nhà báo Israel bình luận rằng quyết định của Barak là một chiến thuật, vừa bảo vệ được ghế bộ trưởng, vừa vẫn nằm trong liên minh cầm quyền.
Barak từng hạ bệ Netanyahu trong cuộc bầu cử nghị viện năm 1999 nhưng là đồng minh trong hai năm qua, hai nhân vật này tỏ ra có mối quan hệ tốt đẹp. Họ biết nhau từ những năm 1970, khi ông Barak là tư lệnh trong một đơn vị tinh nhuệ của ông Netanyahu. Barak mang lại cho liên minh một thái độ ôn hòa để xử lý các vấn đề của quốc tế và Netanyahu hỗ trợ Barak trong việc ra các quyết định.
Einat Wilf, một thành viên Công đảng vừa gia nhập Đảng Độc lập của ông Barak, cho rằng động thái mới sẽ gia tăng cơ hội cho hòa bình Trung Đông.
PHAN ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét