Cập nhật lúc : 9:38 PM, 18/01/2011
(VOV) - Dấu hiệu của việc bùng phát khủng hoảng khi ngày 18/1, 3 Bộ trưởng đã rút khỏi Chính phủ đoàn kết dân tộc của nước này.
Cả 3 Bộ trưởng này đều là thành viên của Tổng Liên đoàn Công nhân Tunisia, lực lượng đối lập đóng vai trò chủ đạo trong các cuộc biểu tình chống Chính phủ trước đó, khiến Tổng thống Ben Ali phải rời bỏ quyền lực.
Thủ tướng Tunisia Mohammed Ghannouchi đã khiến nhiều người biểu tình tức giận khi đầu tuần này ông công bố một Chính phủ mới, trong đó vẫn giữ lại một số Bộ trưởng của Chính phủ cũ là thành viên của đảng cầm quyền, bên cạnh những Bộ trưởng là thành viên của các lực lượng đối lập.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Tunisia chưa có hồi kết (Ảnh: Getty) |
Hiện chưa rõ nguyên nhân khiến 3 Bộ trưởng trong Chính phủ mới rút lui. Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng Tổng Liên đoàn Công nhân Tunisia đã quyết định sẽ không công nhận Chính phủ mới.
Thông tin mới nhất cho thấy, những cuộc biểu tình đi kèm với bạo động đang xuất hiện trở lại trên cả nước Tunisia./.
VOV: Cập nhật lúc : 11:30 AM, 15/01/2011
Bài học từ cuộc khủng hoảng ở Tunisia
Một người biểu tình bị thương trong cuộc bạo loạn ở thành phố Tala, Tunisia (Ảnh: AFP)
(VOV) - Người dân, trong đó chủ yếu là thanh niên xuống đường phản đối tình trạng giá cả leo thang, tương lai bất trắc và thể hiện sự bất bình đối với chính quyền.
Từ ngày 19/12, quốc gia Bắc Phi Tunisia phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng.
Tối 14/1, khi tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát, Tổng thống Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali đã rời thủ đô Tunisia để ra nước ngoài, để lại phía sau một quốc gia với nguyên vẹn những vấn đề chưa được giải quyết.
Tunisia từng được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tán dương là một mô hình kinh tế điển hình mà các nước châu Phi phải học tập. Nhưng “điều thần kỳ Tunisia”, một cách gọi tốt đẹp dành cho quốc gia này, đã nhanh chóng bộc lộ những bất cập của mình.
Là quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, Tunisia phải chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Tăng trưởng của Tunisia liên tục sụt giảm, từ 6,3% năm 2007 còn 3,8% năm 2009, xuất khẩu giảm 17%. Bên cạnh đó, Tunisia cũng phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế và nguồn đầu tư này đã giảm do khủng hoảng kinh tế thế giới. Năm 2009, đầu tư nước ngoài vào Tunisia đã giảm khoảng 1/3. Ngoài ra, vấn đề của của Tunisia là chính sách phát triển không đồng đều, ưu tiên phát triển các vùng du lịch ở duyên hải và sao nhãng những vùng sâu bên trong.
Mô hình kinh tế lung lay, Tunisia không đủ khả năng tạo ra đủ việc làm cho người lao động, đặc biệt là đông đảo giới thanh niên mới ra trường. Trong một báo cáo của mình, Quỹ Tiền tệ quốc tế báo động rằng, tỷ lệ thất nghiệp ở Tunisia lên đến 13,3%. “Hoạ vô đơn chí”, đúng vào thời điểm khó khăn này, giá nông phẩm thế giới lại tăng, làm cho đời sống càng trở nên vô cùng đắt đỏ.
Trong bối cảnh xã hội bất an, nạn tham nhũng hoành hành, chỉ một giọt nước nhỏ cũng làm chàn ly. Thanh niên Tunisia đã đồng loạt xuống đường biểu tình sau khi một thanh niên mới tốt nghiệp đại học phải đi bán hoa quả rong, nhưng đã bị cảnh sát tịch thu tài sản. Người thanh niên này sau đó đã tẩm xăng và tự kết liễu đời mình vì quá tuyệt vọng.
Các cuộc biểu tình của thanh niên, sinh viên sau đó đã kéo dài và thường xuyên biến thành các cuộc bạo động, xung đột với cảnh sát, làm hàng trăm người thiệt mạng hoặc bị thương.
Chỉ trong mấy ngày gần đây, Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali đã có hành loạt động thái nhằm xoa dịu dư luận như tuyên bố giảm giá các loại mặt hàng lương thực chủ yếu, ra lệnh ngừng bắn vào lực lượng biểu tình… Nhưng những cam kết muộn màng của ông Ben Ali là không đủ đối với người biểu tình và ông Ben Ali đã buộc phải rút lui.
Hiện tại, Tunisia tạm thời do Thủ tướng nắm quyền trong khi chờ đợi tổ chức các cuộc bầu cử trước thời hạn. Nhưng dù là lực lượng nào lên nắm quyền, Tunisia cũng cần phải xem xét lại và rút ra những bài học cho mình.
Trước tiên, Tunisia phải tìm ra một mô hình tăng trưởng ổn định hơn. Mô hình đó không thể dựa quá nhiều vào bên ngoài và không thể chỉ ưu tiên một số khu vực để rồi bỏ rơi những khu vực khác. Một mô hình kinh tế hợp lý sẽ giúp Tunisia tạo ra việc làm cho đại bộ phận người lao động, chứ không phải cho một nhóm người và ở một số khu vực nhất định.
Cuộc khủng hoảng của Tunisia cũng cho bài học về tầm quan trọng của nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực và các chính sách an sinh xã hội. Có thể cuộc khủng hoảng ở Tunisia đã không nghiêm trọng đến như vậy nếu như Nhà nước hỗ trợ để hàng hoá không quá đắt đỏ và đời sống của người dân không quá khó khăn.
Cuối cùng là bài học về hợp lòng dân. Có thể giới thanh niên, sinh viên ở Tunisia đã không hành động vượt quá tầm kiểm soát nếu như những nguyện vọng của họ được lắng nghe.../.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét