Cụ ông gần 100 tuổi đạp xích lô cảm ơn độc giả VnExpress

VnExpress:
Thứ hai, 17/1/2011, 16:03 GMT+7
“Tôi vô cùng xúc động và cảm ơn các nhà hảo tâm đã quan tâm, giúp đỡ đôi vợ chồng già trong lúc tuổi cao sức yếu. Đã lâu lắm rồi vợ chồng tôi chưa có nhiều tiền để ăn Tết như thế này”, cụ Đặng Huyền, nhân vật trong chùm ảnh "Cụ ông gần 100 tuổi đạp xích lô” tâm sự.

Ngay sau khi VnExpress.net đăng phóng sự ảnh về cụ Đặng Huyền ở thôn Lưu Khánh, xã Phú Dương (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), có rất nhiều độc giả trong và ngoài nước gọi điện đến tòa soạn ngỏ ý muốn được giúp đỡ cụ.

Bạn đọc tại Thừa Thiên - Huế và các tỉnh lân cận đã đến tận nhà thăm hỏi, giúp đỡ vợ chồng cụ Huyền bằng nhiều cách như: tặng tiền mặt, mua cho cụ bộ bàn ghế, chiếc chăn ấm, điện thoại bàn…. với tổng giá trị hơn 20 triệu đồng.

Ngoài ra, một số bạn đọc muốn mở tài khoản để có thể chu cấp tiền thường xuyên cho cụ, nhưng do tuổi quá cao nên cụ Huyền cho biết không thể cầm thẻ đi rút tiền tại các trạm ATM được.

cu huyen
Một bạn đọc đã giúp cụ Huyền chiếc điện thoại bàn để mọi người tiện việc hỏi han vợ chồng cụ. Ảnh: Văn Nguyễn.

Ngày 17/1, trong căn nhà nhỏ của mình, cụ bà Trần Thị Lặc ngồi cạnh chồng cứ rưng rưng nước mắt, nói: “Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm mà mùa đông năm nay hai vợ chồng tôi có áo ấm để mặc, có chăn ấm để đắp. Vợ chồng tôi mang ơn quý ân nhân nhiều lắm!”.

Còn cụ Huyền cho biết sẽ dùng số tiền bạn đọc VnExpress giúp đỡ để lo thuốc thang cho hai vợ chồng mỗi khi đau ốm và sắm sang ít đồ ăn Tết. “Tết năm nay tôi sẽ tìm cách liên lạc với đứa con trai xa xứ để gia đình có một cái Tết sum vầy vì vợ chồng tôi đã ở tuổi gần đất xa trời rồi”, cụ Huyền nói.

Cụ Đặng Huyền (người địa phương vẫn thường gọi là cụ Huần) năm nay 99 tuổi nhưng vẫn đạp xích lô. Hai năm trở lại đây, do sức khỏe yếu nên cụ Huyền không chở khách và hàng thường xuyên nữa nhưng mỗi khi có khách nhờ chở đồ nhẹ, cụ ông vẫn nhận lời cốt để có thêm tiền lo cho bữa cơm của hai vợ chồng già.

Bén duyên với nghề đạp xích lô từ khi 30 tuổi, đến nay cụ Huần đã có 69 năm làm nghề này. Con trai bỏ quê vào Nam làm ăn, hơn 30 năm nay mất liên lạc, cuộc sống gia đình cụ chỉ biết nhờ vào đồng công đạp xích lô ít ỏi và sự đùm bọc của làng xóm.

Văn Nguyễn

Ý kiến bạn đọc ()

Cảm ơn các nhà hảo tâm!

Nhờ những người tốt, những nhà hảo tâm như vậy mà thế giới này còn trở nên tốt đẹp hơn. Cảm ơn mọi người.

(tuananhth89)


Gửi cụ lời chúc năm mới

Năm mới, con chúc cụ sức khoẻ như hồi thanh niên, chúc cụ một cái Tết đầm ấm, hạnh phúc.

(xixon)


Cảm ơn VnExpress

Cảm ơn toàn soạn VnExpress đã là cầu nối cho các nhà hảo tâm đến với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Hy vọng trong năm mới này tòa soạn sẽ càng ngày phát triển, giới thiệu được nhiều hơn những trường hợp như cụ Đặng Huyền đến với bạn đọc.

(Nguyễn Đình Dinh)


Cầu mong cho cụ tìm được người con

Tôi và tất cả bạn đọc gần xa luôn cầu mong cho cụ tìm lại được người con để an ủi tuổi già của 2 cụ, và mong anh con trai của cụ đọc được những lời này mà quay về báo hiếu cho 2 cụ nhé.

(Khánh Ngọc)


Thật cảm động!

Tôi cảm thấy thật xúc động khi nghe câu chuyện của gia đình cụ Đặng Huyền. Tôi biết cũng có nhiều những cụ già có hoàn cảnh giống như vậy và xin chân thành cảm ơn các nhà hảo tâm đã chung tay giúp đỡ gia đình cụ. Chúc các cụ luôn sống mạnh khoẻ, hạnh phúc.

(Nguyễn Long Thành1992)


VnExpress:
Chủ nhật, 19/12/2010, 10:21 GMT+7

Cụ ông gần 100 tuổi đạp xích lô

Sáng sáng, người dân xã Phú Dương (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đều thấy cụ Đặng Huyền (98 tuổi) đạp xích lô xuống chợ kiếm sống. Cụ đã được vinh danh là người đạp xích lô có tuổi nghề nhiều nhất tại Huế.
>Cụ bà sống qua 3 thế kỷ
98 tuổi, cụ Đặng Huyền vẫn được người dân quen gọi là cụ Huần, ngày ngày vẫn đạp xích lô chở khách kiếm sống. Cụ thường bắt đầu một ngày làm việc từ khi trời còn mù sương.
Bén duyên với nghề đạp xích lô từ khi 30 tuổi, đến nay cụ Huần đã có 68 năm làm nghề. Chỗ đứng bắt khách quen thuộc của cụ là bên quầy thuốc ở chợ Nọ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang.
Ai thuê gì cụ Huần chở nấy, ai trả mấy tiền cũng được, nợ cũng chẳng sao, miễn là vui vẻ.
Nửa thế kỷ làm nghề đạp xích lô, cụ Huần có rất nhiều đồng nghiệp chỉ ngang tuổi con cháu mình. Mỗi lần gặp họ, cụ lại trò chuyện vui vẻ.

Con trai duy nhất bỏ quê vào Nam làm ăn, hơn 30 năm nay mất liên lạc, giờ cuộc sống gia đình cụ chỉ biết nhờ vào đồng công đạp xích lô và sự đùm bọc của làng xóm.
Dùng đôi bàn tay chai sần kiểm tra chiếc xe cũ kỹ, cụ Huần tâm sự: “Tui còn sức còn đạp xích lô chứ bây giờ nghỉ thì vợ chồng già không biết nương tựa vào ai”.
Đôi bàn chân thô kệch nay đã mỏi.
Do tuổi cao, sức yếu nên nhiều khi không ai dám thuê cụ Huần chở. Cụ lại lặng lẽ những vòng xe, thui thủi một mình ra về.
Ngoài kiếm tiền nuôi bản thân, cụ Huần còn nuôi cụ bà Trần Thị Lặc, 86 tuổi, thường xuyên đau ốm.
Cụ Huần tâm sự gần cả đời mình gắn với chiếc xích lô, cụ mang ơn "người bạn đời thứ hai" của mình đã giúp cụ và gia đình sống qua ngày.
Trong hội thi diễu hành xích lô ở Festival làng nghề truyền thống Huế 2007, cụ Huần được vinh danh là người lái xích lô có tuổi nghề nhiều nhất tại Huế.
Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc xin gửi về theo đường bưu điện, địa chỉ ông Đặng Huyền, thôn Lưu Khánh, xã Phú Dương (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế).

Văn Nguyễn

Ý kiến bạn đọc ()

Bền bỉ dẻo dai

Cụ Huấn thực sự là người đáng khâm phục vì sức khỏe, sự bền bỉ và dẻo dai của mình. Cuộc sống thêm lần nữa được minh chứng rằng không cần sự giàu sang phú quý, nghèo mà vẫn bền bỉ lao động vẫn tạo ra cuộc sống có ý nghĩa, sức khỏe niềm tin và hạnh phúc cho riêng mình.

(le thu hien)


Cảm động quá

Xin toà soạn hãy cho tôi biết địa chỉ của cụ để tôi có thể ủng hộ một chút cho cụ.

(Nguoi Viet tre)


Xin địa chỉ cụ Đặng Huyền

Sau khi đọc tin về cụ Đặng Huyền tôi thật xúc động và muốn được giúp đỡ cho cụ có cuộc sống ổn định hơn, vậy kính nhờ quý báo cho tôi địa chỉ của cụ để tôi có thể liên lạc trực tiếp với cụ. Thành thật cảm ơn và kính chúc quý báo có nhiều thành công trong công tác chuyển tải tin tức đất nước mình đến tất cả đồng bào trong và ngoài nước.

(Thuý Nguyễn)


Chúc hai cụ luôn mạnh khỏe

Cháu thật khâm phục và cảm động trước sức khỏe và nghị lực của cụ, cầu chúc cho hai cụ luôn mạnh khỏe và trường thọ. Đề nghị nhà nước, chính quyền địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm để giúp đỡ hai cụ.

(văn tiến thành)


Thương cụ

Thật xúc động khi thấy một cụ ông đáng tuổi ông mình vẫn còn đạp xích lô, hy vọng có một nhà hảo tâm nào đó đọc được bài báo nào có thể cưu mang ông bà. Cảm ơn VnExpres!

(Lê Hoàng Thịnh)


Giúp đỡ cụ

Một câu chuyện bằng hình ảnh thực sự cảm động về con người. Sự bền bỉ và nghị lực của cụ làm tôi thực sự xúc động và ngưỡng mộ. Tòa soạn cho hỏi nếu muốn giúp đỡ cụ thì tôi có thể làm như thế nào (ví dụ địa chỉ nhà cụ chẳng hạn). Chân thành cảm ơn!

(Trần Nguyên Linh)


Khâm phục người lao động chân chính

Tôi thật khâm phục cụ Huyền, một người lao động chân chính, trách nhiệm với gia đình và xã hội. Năm ngoái tôi đi công tác tại Đà Nẵng cũng được gặp và đi xe xích-lô của một cụ ông đã 87 tuổi, cụ thật là pho bách khoa toàn thư về Đà Nẵng. Khâm phục người lao động chân chính!

(Hoàng Hải)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét