VnExpress:
Thứ tư, 19/1/2011, 09:08 GMT+7
9h30 sáng nay, gần 1.400 đại biểu đã vỗ tay chúc mừng ông Nguyễn Phú Trọng (67 tuổi, Chủ tịch Quốc hội) trúng cử Tổng bí thư khóa XI. Danh sách 14 Ủy viên Bộ Chính trị cũng được xác định với 5 người mới, bên cạnh 9 vị tái cử.
Báo cáo trước đại hội, ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban bí thư cho biết, tại phiên họp đầu tiên (chiều 18/1) Ban chấp hành trung ương khóa XI đã bầu ông Nguyễn Phú Trọng, làm Tổng bí thư.
9h20 sáng nay Tổng bí thư khóa X Nông Đức Mạnh đã tặng hoa chúc mừng tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
|
Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận bắt tay chúc mừng của người tiền nhiệm Nông Đức Mạnh. Ảnh: Lê Hà. |
Trong bài diễn văn chúc mừng tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư khóa X Nông Đức Mạnh có kiểm điểm những mặt chưa làm được của mình trong nhiệm kỳ vừa qua. “Mặc dù có nhiều cố gắng, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng bản thân tôi vẫn còn những việc thực hiện chưa như mong muốn của Đảng và nhân dân. Ban chấp hành trung ước khóa X đã có báo cáo kiểm điểm trước đại hội, những hạn chế, khuyết điểm nêu trong báo cáo có phần trách nhiệm của tôi”, ông Mạnh nói.
Ông Nông Đức Mạnh cũng bày tỏ sự kỳ vọng ở người kế nhiệm: “Đại hội với tinh thần đoàn kết, dân chủ đã đề ra đường lối cho chặng đường mới, với đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư sẽ đem lại sức sống mới cho toàn Đảng, toàn dân. Tôi có niềm tin mãnh liệt vào điều đó”.
Ngay sau phần phát biểu của ông Nông Đức Mạnh, toàn bộ đại biểu đã vỗ tay chúc mừng tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phát biểu với tư cách tân Tổng bí thư - ông Trọng đánh giá rất cao người tiền nhiệm. Ông cho rằng, những thành tựu đạt được của đất nước ta trong thời gian qua gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có sự đóng góp quan trọng của Ban chấp hành trung ương khóa X và công lao của ông Nông Đức Mạnh.
Tân Tổng bí thư cho rằng, trên cương vị công tác mới, ông có nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức đang ở phía trước. “Chúng tôi ý thức được rằng, những thành tựu và kinh nghiệm quý báu có được trong những nhiệm kỳ trước đây, đặc biệt là trong những năm đổi mới sẽ là nền tảng vững chắc cho bước phát triển kế tiếp của đất nước”, ông nói.
Thay mặt Ban chấp hành mới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hứa trước Đại hội, sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, phấn đấu tạo nền tảng để đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
|
Ông Nguyễn Phú Trọng điều hành một phiên họp tại Đại hội XI. Ảnh: TTXVN |
Ông Nguyễn Phú Trọng là Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng) và từng 20 năm làm việc tại Tạp chí Cộng sản, trong đó 5 năm giữ chức Tổng biên tập. Sau đó ông làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, phụ trách công tác tư tưởng – văn hóa và khoa giáo của Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương. Đầu năm 2000, ông làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tháng 7/2007 ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.
Trong danh sách 14 Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI có 9 người tái cử, gồm các ông: Nguyễn Phú Trọng (Chủ tịch Quốc hội), Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng), Trương Tấn Sang (Thường trực Ban Bí thư), Nguyễn Sinh Hùng (Phó thủ tướng), Phùng Quang Thanh (Bộ trưởng Quốc phòng), Lê Hồng Anh (Bộ trưởng Công an), Phạm Quang Nghị (Bí thư Thành ủy Hà Nội), Lê Thanh Hải (Bí thư Thành ủy TP HCM), Tô Huy Rứa (Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương).
5 vị lần đầu vào Bộ Chính trị là các ông Đinh Thế Huynh (Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo), Ngô Văn Dụ (Chánh văn phòng Trung ương Đảng), Nguyễn Xuân Phúc (Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), Trần Đại Quang (Thứ trưởng Bộ Công an) và bà Tòng Thị Phóng (Phó chủ tịch Quốc hội).
Trong số Ủy viên Bộ Chính trị có gần 10 người mang học vị tiến sĩ. Ủy viên nhiều tuổi nhất là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (67), ít tuổi nhất là Thứ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (55).
Bộ Chính trị khóa XI có một phụ nữ là bà Tòng Thị Phóng (57 tuổi dân tộc Thái), Phó chủ tịch Quốc hội. Bà Phóng là người phụ nữ thứ hai từ trước đến nay được bầu vào Bộ Chính trị. Trước đó, tại khóa VIII (năm 1996) bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cũng trúng cử Bộ Chính trị.
Ban bí thư trung ương Đảng gồm ông, bà: Ngô Xuân Lịch, Trương Hòa Bình, Hà Thị Khiết, Nguyễn Thị Kim Ngân.
Ủy viên Kiểm tra trung ương gồm 21 vị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương là ông Ngô Văn Dụ.
Cách đây 5 năm, tháng 4/2006, Ban chấp hành trung ương khóa X cũng bầu 14 Ủy viên Bộ Chính trị (sau đó đầu năm 2009 bầu thêm ông Tô Huy Rứa).
Trong phiên bế mạc sáng nay, ông Đinh Thế Huynh - ủy viên của đoàn thư ký đã công bố kết quả biểu quyết một số vấn đề trong các văn kiện trình Đại hội XI. Trong phần biểu quyết liên quan đến đặc trưng kinh tế của xã hội xã hội chủ nghĩa, 895 đại biểu tương ứng với 65,04% số phiếu đồng ý với phương án 2. Theo đó, đại hội đã nhất trí về đặc trưng “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” (như tinh thần Đại hội X, có bổ sung thêm từ “tiến bộ”). Phương án 1 như dự thảo, với đặc trưng “có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” đã bị phủ quyết. Về việc Đảng lãnh đạo Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, 1.103 phiếu biểu quyết (chiếm 80,16%) thông qua phương án bổ sung 2 nội dung vào khoản 1, Điều 25, chứ không giữ như Điều lệ Đảng hiện hành. Theo sửa đổi, sự lãnh đạo của Đảng được tập trung thống nhất vào Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Đảng quyết định những vấn đề cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Nhà nước thống nhất quản lý đối với Quân đội, Công an và sự nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đại hội cũng biểu quyết thông việc sửa đổi một số khoản của Điều 26, Điều 27 của Điều lệ Đảng về việc nêu rõ các chức danh, như: Tổng Bí thư là Bí thư Quân uỷ Trung ương; bí thư cấp uỷ địa phương trực tiếp làm bí thư đảng uỷ quân sự cùng cấp. Có 1.166 phiếu đồng ý, chiếm 84,74% với phương án này. |
Nhóm phóng viên
Nguyễn Phú Trọng (1944-) là một chính khách Việt Nam. Ông giữ chức Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ ngày 26 tháng 6 năm 2006. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 19 tháng 1 năm 2011. Ông cũng là một Giáo sư, Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng), Cử nhân Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội
.
Tiểu sử
Ông sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944 tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Từ năm 1957 đến năm 1963, ông học trường cấp II rồi cấp III Nguyễn Gia Thiều đóng tại Gia Lâm, Hà Nội.
Năm 1963, ông học Khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (từ năm 1965 đến năm 1967, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán lên huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái - nay là Thái Nguyên). Ông tốt nghiệp bằng Cử nhân Văn chương.
Năm 1967, ông trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông công tác tại tạp chí
Học tập (tiền thân của tạp chí
Cộng sản), một trong ba cơ quan tuyên truyền quan trọng và chuyên chính nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam (cùng với báo
Nhân Dân và
Quân Đội Nhân Dân).
Năm 1973, ông được cử đi học lớp nghiên cứu sinh về kinh tế chính trị tại Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Năm 1981, ông được cử sang Liên Xô làm thực tập sinh, học tập và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô (thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô).
Tháng 8 năm 1983, ông về nước, tiếp tục công tác ở Ban Xây dựng Đảng của tạp chí
Cộng sản. Được đề bạt làm Phó trưởng ban (tháng 10 năm 1983), Trưởng ban (tháng 9 năm 1987), Uỷ viên Ban biên tập (tháng 3 năm 1989), Phó tổng biên tập (tháng 5 năm 1990) rồi Tổng biên tập tạp chí
Cộng sản (tháng 8 năm 1991).
Năm 1992, ông được phong học hàm Phó giáo sư và 10 năm sau (2002) ông được phong học hàm Giáo sư.
Từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 1 năm 1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam, họp tại Hà Nội, ông cùng với 19 người khác được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII.
Tháng 8 năm 1996, ông làm Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội, kiêm Trưởng Ban Đại học
[1], phụ trách công tác tuyên giáo của Thành ủy.
Tháng 2 năm 1998, ông phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Hiệu phó trường KHXH và Nhân Văn.
Từ tháng 8 năm 1999 cho tới hết nhiệm kì của Đại hội VIII, ông tham gia Thường trực Bộ Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII; trực tiếp chỉ đạo việc biên soạn Văn kiện Đại hội IX của Đảng.
Tháng 1 năm 2000, ông làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Tháng 11 năm 2001, ông kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng. Từ đầu năm 2003, ông trực tiếp chỉ đạo công tác tổng kết 20 năm đổi mới, chuẩn bị và biên soạn văn kiện Đại hội X của Đảng.
Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, IX, X; Uỷ viên Bộ Chính trị khoá VIII, IX, X, [Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI|XI]]; Đại biểu Quốc hội khoá XI, XII.
Ngày 26 tháng 6 năm 2006, ông đảm nhận chức vụ Chủ tịch Quốc hội thay ông Nguyễn Văn An, xin từ nhiệm.
Trong bài phát biểu của mình trước khi Quốc hội bỏ phiếu bầu, ông Trọng thừa nhận "chưa hiểu biết nhiều về công tác lập pháp và hoạt động nói chung của Quốc hội".
Tại kì họp đầu tiên của Quốc hội khóa XII, ông tái đắc cử chức Chủ tịch Quốc hội. Trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI, một số thông tin của giới truyền thông quốc tế (BBC,RFA...) dự doán ông sẽ lên làm tổng bí thư, bên cạnh những lời dự đoán về các ứng cử viên sáng giá khác. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam XI, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 19 tháng 1 năm 2011.
Người kế nhiệm
Cuối tháng 6 năm 2006, Bộ Chính trị đã phân công ông Phạm Quang Nghị, người vừa được Quốc hội miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin ngày 28 tháng 6, làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay ông Nguyễn Phú Trọng.
Việc này đã được tiên liệu từ Đại hội Đảng hồi tháng 4 cùng năm. Khoảng một tháng trước việc bổ nhiệm trên, một vài tờ báo chính thức trong nước đã đưa tin ông Phạm Quang Nghị sẽ đảm nhiệm một chức danh tại Thành ủy Hà Nội.
Chú thích
- ^ Trong 3 nhiệm kì Đảng bộ Thành phố Hà Nội gần đây nhất, người nắm chức danh Trưởng ban Đại học Thành ủy luôn được bầu vào Thường vụ Thành ủy. Trưởng ban Đại học đương nhiệm của Thành ủy là ông Nguyễn Đình Tân, nguyên Hiệu trưởng trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét