Sẽ sớm kết thúc điều tra vụ án trạm cân Dầu Giây

Tuổi Trẻ Online:
Thứ Bảy, 22/01/2011, 04:10 (GMT+7)

Sẽ sớm kết thúc điều tra vụ án trạm cân Dầu Giây

TT - Sáng 21-1 tại buổi gặp gỡ với các cơ quan báo chí, thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai - cho biết vụ án trạm cân Dầu Giây không chỉ là câu chuyện gắn chip điện tử, bắt quả tang nhân viên ở trạm nhận hối lộ, cơ quan điều tra còn phát hiện có những lỗi liên quan đến nhiều ngành. Thiếu tướng Khánh khẳng định việc điều tra vụ án sẽ sớm kết thúc trong quý 1-2011.

Đề cập vấn đề một số cán bộ có liên quan đến các băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen, ông Khánh nói việc 14 cán bộ, chiến sĩ vừa bị xử lý kỷ luật bằng nhiều hình thức là do mất cảnh giác trước tội phạm.

Về tội phạm môi trường, lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai cho biết trong năm 2010 đã phát hiện 276 vụ, hầu hết đều vi phạm dưới các hình thức tinh vi, ngụy trang khéo léo và có sự chuẩn bị để đối phó. Đại tá Nguyễn Phi Hùng, phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, dẫn chứng trường hợp vi phạm của doanh nghiệp tư nhân Tân Phát Tài, coi đây là một vụ rất lớn, phức tạp.

HÀ MI

Thứ Hai, 11/10/2010, 18:37 (GMT+7)

Khen thưởng lực lượng phá án vụ trạm cân Dầu giây

TTO - Ngày 11-10, ông Đinh Quốc Thái - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - đã trao bằng khen, giấy khen và tiền thưởng của UBND tỉnh cho tập thể Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh và bốn cá nhân của PC46 vì đã có thành tích trong việc phá án vụ nhận hối lộ tại trạm cân Dầu Giây.

Trạm cân Dầu Giây hướng từ ngã ba Dầu Giây về TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Như tin đã đưa, trước đó lực lượng PC46 đã phát hiện vụ đặt “thiết bị lạ” tại trạm cân Dầu Giây. Vụ án này sau đó được khởi tố và lực lượng PC46 đã trinh sát nhiều tháng để nắm các phương thức, thủ đoạn nhận tiền của một số nhân viên ở trạm cân để cho xe quá tải qua trạm.

Sáng 10-9, lực lượng PC46 đã bắt quả tang 3 nhân viên ở trạm cân là Nguyễn Quốc Hùng, Diệp Báo Phú, Nguyễn Thái Tuấn đang nhận 1,5 triệu đồng của tài xế và 8,3 triệu đồng của các lái xe khác vi phạm quá tải, để không xử lý buộc hạ tải.

H.MI - A.QUÂN

Chủ Nhật, 12/09/2010, 07:03 (GMT+7)

Trạm cân Dầu Giây: bao giờ mới hết ăn hối lộ?

TT - Chuyện trạm cân Dầu Giây lại tiếp tục nóng lên sau vụ Công an Đồng Nai bắt quả tang một thanh tra viên Thanh tra Cục Đường bộ và hai nhân viên của trạm nhận hối lộ (Tuổi Trẻ ngày 11-9).

Trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) - Ảnh: T.T.D.

Cái giá mà các xe quá tải qua trạm phải chung chi là từ 1-3 triệu đồng/lượt. Trong lúc lương nhân viên của khối hành chính sự nghiệp có tổng thu nhập chưa vượt quá 3 triệu đồng/tháng thì một ca trực ở trạm cân này đến thời điểm bị bắt quả tang đã được mãi lộ 9,8 triệu đồng.

Con số đó thật sự cho chúng ta thấy tình trạng đặc quyền, đặc lợi của một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức nhà nước khi thực thi nhiệm vụ ở các lĩnh vực “nhạy cảm” như ở trạm cân này.

Tại sao có biết bao bài báo với đủ bằng chứng về tiêu cực ở trạm cân Dầu Giây rồi mà việc xử lý của Bộ Giao thông vận tải vẫn giậm chân tại chỗ, dẫn đến tình trạng hết lần này tới lần khác nhân viên của trạm vi phạm pháp luật?

Vấn đề đặt ra là làm sao giải quyết dứt điểm các sai phạm ở trạm cân này nói riêng cũng như ở các lĩnh vực “nhạy cảm” khác, tạo được niềm tin của nhân dân vào bộ máy thực thi pháp luật. Tôi xin có một vài góp ý sau:

Một là, cần nghiên cứu lại việc quản lý trạm cân có nhất thiết phải do Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý như hiện nay hay không? Nếu làm như hiện nay thì việc tham gia quản lý của tỉnh Đồng Nai với trạm cân này phải có cơ chế phối hợp và trách nhiệm thật rõ ràng.

Hai là, cần đầu tư nâng cấp hệ thống đường bộ để đảm bảo tải trọng cho các xe tải lưu thông, nhất là xe kéo container.

Ba là, phải sử dụng cán bộ, viên chức thật sự có đức, có tài và có chính sách lương thưởng để sao cho họ có thể sống bằng thu nhập chân chính từ công sức của mình. Đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh với nhân viên.

Bốn là, cần kết hợp nhiều biện pháp quản lý, giám sát đối với trạm cân. Như việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, quản lý bằng hệ thống camera, kiểm tra bí mật...

Năm là, tích cực vận động những doanh nghiệp vận tải, tài xế chấp hành nghiêm quy định chuyên chở, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị xã hội và người dân. Có chính sách khen thưởng những tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phát hiện sai phạm.

NGUYỄN HẢI NGUYÊN (hainguyen6813@...)

Bắt kẻ nhận hối lộ không khó

Đọc tin trên, tôi không bất ngờ lắm vì những chuyện nhận hối lộ như vậy đã được phóng viên báo Tuổi Trẻ phản ánh nhiều lần trên báo.

Vấn đề được đặt ra lúc này là những người có trách nhiệm có kiên quyết dẹp trừ tình trạng nhũng nhiễu, ăn hối lộ hay không, bởi việc bắt đó sẽ không khó nếu như chịu khó “vi hành” kiểm tra giám sát cấp dưới.

Ai cũng biết nạn nhũng nhiễu đòi ăn hối lộ trong một bộ phận cán bộ viên chức nhà nước đã gây bức xúc trong dư luận.

Mặc dù thiệt hại vật chất do những “con sâu” đó có thể không nhiều nhưng thiệt hại do niềm tin bị giảm sút lại rất nghiêm trọng, do vậy cần bắt cho được “sâu” và xử phạt thật nghiêm minh để răn đe những kẻ khác.

B.H. (bthien_123@...)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét