Đẩy lùi tình trạng học sinh hư hỏng ngày càng nhiều

Diễn đàn - bạn đọc - Dân trí:
Thứ Sáu, 21/01/2011 - 10:08

(Dân trí) - Loạt bài và video clip về các vụ nữ sinh hành hung bạn tại một số trường THCS và THPT trên cả nước mà các báo đã nêu trong thời gian qua khiến cho xã hội phải lo lắng, nhất là các bậc phụ huynh và các nhà giáo dục.

Tình trạng đáng báo động

Trước hết là người trong ngành, chúng tôi thật sự trăn trở về sự thờ ơ lãnh đạm, xem nhẹ luân thường đạo lý của một bộ phận không nhỏ học sinh (HS) thanh niên hiện nay, đồng thời rất bất bình trước những hành vi thô bạo, tàn ác, mất nhân tính trong giới HS đã làm xôn xao dư luận cả nước thời gian qua. Số HS vi phạm pháp luật, thiếu lễ độ với người lớn, nói tục, gây gổ đánh nhau, không trung thực, ích kỷ, ham chơi, đua đòi ngày càng nhiều. Thực tế làm công tác chủ nhiệm nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy hiện nay công tác chủ nhiệm nói riêng và công tác giáo dục đạo đức HS nói chung ngày càng khó khăn và phức tạp. Chuyện HS cầm cắm xe đạp, trộm cắp, xin đễu bạn bè lấy tiền đi Internet, cầm đồ khắp nơi, trộm cướp tài sản lấy tiền tiêu xài ngày càng nhiều và có xu hướng ngày càng gia tăng


Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn
…Một học sinh mới chỉ lớp 7 Trường THCS An Châu – Châu Thành – An Giang đánh gục thầy giáo ngay trên bục giảng lớp học khiến dư luận hết sức phẫn nộ, một thầy giáo vì cho điểm kém đã bị nhóm HS đón đường hành hung và hàng loạt vụ trộm cắp, hành hung bạo lực của một bộ phận HS có tính “xã hội đen” ngày càng nhiều đã và đang thực sự trở thành tiếng chuông cảnh báo về tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận không nhỏ học sinh hiện nay. Một nữ sinh ở trường THPT Trần Nhân Tông – Hà Nội xích mích với bạn vì bạn vô tình dẫm lên chân mình mà không xin lỗi cũng bị đám bạn kéo nhau, đánh đập, kéo tóc, quay video tung lên mạng và làm nhục bạn giữa thanh thiên bạch nhật đã làm hoang mang lo sợ trong phụ huynh học sinh; một nhóm học sinh vì cần tiền chơi bời lêu lỏng mà sẵn sàng rủ nhau đột nhập nhà dân ăn trộm; một học sinh vì tức thầy giáo vì đã ghi mình vào sổ đầu bài đã lẻn vào nhà trường đốt Sổ đầu bài làm cháy trường gây thiệt hại nghiêm trọng. Gần đây. Một vụ diễn ra ở ngay vùng đất học Nghệ An của nhóm 3 học sinh lớp 9 đã dày công lên mạng xem cách khoét máy ATM của bọn trộm ở thành phố Hồ Chí Minh để tự “học nghề” bất lương này khiến dư luận không khỏi bàng hoàng sửng sốt….

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở một vài con số như vây, đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm! nhiều học sinh ngày càng tỏ ra vô lễ, thiếu tôn trọng thầy cô giáo; học sinh càng lớn lên, càng được học lên bao nhiêu thì đạo đức lại càng đi xuống bấy nhiêu, nhiều học sinh khi ra đường cũng chẳng thèm chào hỏi thầy cô giáo xem như không quen biết. Anh bạn đồng nghiệp kể cho tôi rằng: Có lần bắt gặp 2 học sinh trèo tường để trốn học, anh đã gọi và nhắc nhở nhưng chẳng những không nghe mà 2 học sinh này vẫn tiếp tục hành vi của minh và ra lời thách thức. Nhiều HS được bố mẹ nuông chiều quá đáng cũng dẫn đến hư hỏng, một số khác do nhận thức hạn chế, thiếu bản lĩnh, lập trường không vững vàng nên dễ bị bạn bè và các đối tượng xấu ngoài xã hội lôi kéo cũng dẫn đến hư hỏng. Sự thờ ơ vô cảm, xuống cấp đạo đức trong một bộ phận học sinh còn biểu hiện ở việc thường xuyên văng tục, chửi thề, nói dối thầy cô, bố mẹ; một số khác khi bố mẹ cho tiền đóng nạp thì cố tình không thực hiện mà dành tiền để hút thuốc, chơi game và đua đòi cho nhiều nhu cầu không chính đáng.

Thử tìm nguyên nhân

Tôi nghĩ rằng tình trạng hư hỏng của học sinh có những nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Thứ nhất: Sự thiếu quan tâm của bố mẹ, gia đình và người thân, một số bậc phụ huynh cũng vì lo toan cuộc sống mưu sinh mà quên bẵng đi việc giáo dục con cái, và vì thế họ thường có tâm lý phó mặc cho Nhà trường; bạo lực còn bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc sống gia đình không êm ấm. Nhiều HS quậy phá có nguyên nhân từ tâm lý không ổn định, ở nhà không được quan tâm nhiều. Chỉ đến khi có thông báo về gia đình họp kỷ luật HS lúc đó phụ huynh mới ngã ngữa ra vì bất ngờ cho rằng ở nhà con cháu ngoan lắm!!!

Thứ hai: Sự phát triển của kinh tế xã hội và mặt trái của cơ chế thị trường cũng đang đặt ra một thực tế là: Nhiều học sinh, do gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, được nuông chiều thái quá; khi con bảo cần tiền là cha mẹ sẵn sàng cho mà không cần biết con dung làm gì, từ đó dẫn đến việc dùng đồng tiền vào những mục đích không lành mạnh.

Thứ ba: Sự bùng nổ của thông tin: Thuở chúng tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, các phương tiện sinh hoạt còn hết sức hạn chế nên việc tiếp xúc với “thế giới bên ngoài” cũng hết sức khó khăn, do đó nhận thức và hành động của HS lúc bấy giờ không “đua đòi” như hiện nay. Còn ngày nay, dưới sự bùng nổ của thông tin, của Điện thoại di động, của Internet, của phim ảnh, của các Website đen đã tác động không nhỏ đến nhận thức, lối sống và cách hành xử của HS. Việc sử dụng ĐTDĐ của HS dẫn đến một thực tế là lợi bất cập hại, vì mục tiêu học tập thì ít mà cho chát chít, yêu đương thì nhiều. Mạng Internet, phim ảnh, hệ thống chức năng thẻ nhớ trên Điện thoại di động cũng là những phương tiện gián tiếp tác động làm hư hỏng học sinh bởi bản tính tò mò, hiếu động của tuổi teen…. và nhiều kênh thông tin khác cũng khiến cho nhiều học sinh lao vào như con thiêu thân. Việc HS mê game, chát ảnh hưởng từ phim: thích quen "hoàng tử" trong phim, có trang phục giống trong phim, thích chơi đô vật kiểu Mỹ… thường xuyên vô lễ với thầy cô. Nhiều HS chỉ chào thầy cô trong trường, còn ra đường thì không quen biết cũng diễn ra như cơm bữa.

Thứ tư: Đó còn là tấm gương và cách hành xử của một số người lớn, một số cán bộ giáo viên chưa mẫu mực, chưa có tính giáo dục cao; nghiệp vụ sư phạm của một bộ phận cán bộ giáo viên còn chưa đổi mới, đặc biệt là đối với HS cá biệt vẫn còn cứng nhắc, chưa lôi cuốn và thuyết phục được học sinh. Khoảng cách vô hình giữa thầy cô và HS còn quá lớn. Có nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống, học tập, HS không thể tâm sự chia sẽ với thầy cô của mình, để lâu ngày bị dồn nén, bột phát thành nhiều hành động xấu.

Lời giải nào cho bài toán về đạo đức HS

Thiết nghĩ, để ngăn chặn các hiện tượng vô cảm trong học sinh, sự xuống cấp trong đạo đức học sinh, nhất là khi ngành đang dương cao ngọn cờ: “Trưng học thân thiện, học sinh tích cực”. Muốn vậy, cần giải quyết vấn đề từ cả nhiều phía.

Thứ nhất: Cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa 3 lực lượng giáo dục là Gia đình, Nhà trường, Xã hội, trong đó gia đình giữ vai trò nền tảng quan trọng trong việc giáo dục con em mình. Các tổ chức Đoàn, Hội, Đội cũng cần phối hợp, theo dõi, nắm bắt những diễn biến tâm lý, nhận thức của HS , nhất là HS cá biệt để có biện pháp uốn nắn, xử lý kịp thời. Đoàn thanh niên trường học cần có sự phối hợp thường xuyên với các đoàn xã – nơi có con em học sinh địa phương theo học để cùng giáo dục.

Thứ hai: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, giáo viên và HS, đặc biệt chú trọng vào các văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác để uốn nắn học sinh.

Thứ ba: Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng cần thường xuyên liên lạc với Nhà trường để phối hợp, nắm bắt thông tin và tình hình diễn biến đạo đức HS. Chính quyền địa phương nơi có con em học sinh cư trú cũng cần có những hành động cụ thể để gánh vác trách nhiệm với nhà trường. Những cuộc họp phụ huynh, ngoài chuyện học hành, Nhà trường cần trao đổi với phụ huynh lợi ích của những hoạt động rèn kỹ năng sống. Cần có những sân chơi lớn cho HS tham gia để các bạn không còn thu mình vào chuyện học hành, vào những chuyện riêng của bản thân như các câu lạc bộ Tiếng Anh, câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên,câu lạc bộ Bạn yêu thơ, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các sân chơi rèn luyện kỷ năng sống cho các em.

Thứ tư: Phía HS cũng cần chủ động, tự điều chỉnh lời ăn tiếng nói; biết nói lời cảm ơn và xin lỗi nhiều hơn giúp cho những mâu thuẩn nhỏ có thể tự giải quyết êm thấm, không gây thêm xích mích, “chuyện bé không xé ra to”. Các em cũng nên hạn chế xem phim hành động, phim chưởng, phim bạo lực vì đây là nguồn cội của nhiều thói hư, tật xấu mà HS thường “làm theo”. HS cũng cần đi thăm các trại trẻ em mồ côi, khuyết tật, thăm nghĩa trang liệt sỹ… để có những suy nghgĩ và hành động hướng thiện nhiều hơn. Cha mẹ cũng cần thường xuyên theo dõi nắm bắt những thay đổi trong tư duy nhận thức, trong tâm lý, tình cảm của con em mình để có những tư vấn, những lời khuyên răn mang tính giáo dục chứ không được gò ép một cách vô cảm.

Thứ năm: Bộ GD&ĐT cũng cần điều chỉnh cách đánh giá xếp loại HS ở các bậc học sao cho phù hợp với thực tiễn rèn luyện đạo đức của từng HS.Trước đây, khi đánh giá xếp loại HS có 5 bậc là: Tốt, Khá, Trung bình, Yếu và Kém, nay theo chuẩn mới chỉ còn lại 4 bậc là: Tốt, Khá, Trung bình, Yếu và hầu như, sau mỗi học kỳ , mỗi năm học, việc đánh giá xếp loại học sinh cũng ít nhiều vẫn còn mang căn bệnh cố hữu “thành tích”. Một số học sinh bị xếp hạnh kiểm loại yếu, thường phải rèn luyện thêm trong hè, nhưng rốt cuộc sau vài tháng hè, số HS đó đều được chính quyền, đoàn thể địa phương nhận xét rèn luyện tốt, giúp cho đối tượng HS này có đủ điều lên lớp. Vì thế việc giáo dục uốn nắn đạo đức HS cũng gặp thêm khó khăn. Đặc biệt việc Bộ GD&ĐT quy định chỉ HS nghỉ quá 45 ngày/năm học (mà không phân biệt nghỉ học vì lý do gì) mới bị ở lại cũng tạo ra kẻ hở cho những đối tượng HS lười biếng trốn học có những hành động bê tha mà vẫn đủ tư cách lên lớp (Miễn là không quá 45 ngày /năm học).

Thực hiện đồng bộ những giải pháp nêu trên chắc chắn sẽ góp phần to lớn trong việc giáo dục đạo đức nhân cách HS, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi bệnh vô cảm, bạo lực ở một bộ phận không nhỏ HS. Đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động:“Trường học thân thiện, học sinh tích cực” mà Bộ GD&ĐT phát động./.
Phan Anh Tú
Trường THPT Hà Huy Tập – Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh
LTS Dân trí-Tình trạng học sinh hư hỏng ngày càng nhiều là một hiện tượng có thật, cần được nghiêm túc nhìn nhận để tìm ra biện pháp khắc phục.

Đấy cũng là một chủ đề mà diễn đàn Dân trí và các báo khác đã bàn đến nhiều. Bài viết trên đây đóng góp thêm ý kiến với sự nhìn nhận khá toàn diện và thấu đáo về những nguyên nhân đưa tói hiện trạng đáng buồn này. Trong đó, phải nhấn mạnh những nguyên nhân thiếu quan tâm chăm sóc và giáo dục của gia đình cũng như sụ thiếu nền nếp quản lý học sinh của ngành giáo dục và mỗi nhà trường; sự thiếu gương mẫu của phụ huynh học sinh và thầy cô giáo về lối sống và đạo đức.

Môi trường xã hội ngày nay đã thay đổi rất nhiều, nội dung giáo dục cũng như phương pháp giáo dục học sinh và con cái phải đổi mới để thích ứng với tình hình mới, vừa phát huy được lợi thế của các phương tiện thông tin hiện đại vừa chủ động ngăn chặn những ảnh hưởng xấu ngoại lai thâm nhập bằng con đường Internet và nhiều phương tiện thông tin khác.


Thứ Năm, 20/01/2011, 04:01 (GMT+7)
TT - Thông tin “Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP.HCM đề nghị thực hiện chế độ phụ cấp cho giáo viên đang giảng dạy môn giáo dục công dân trong trường phổ thông” đã khiến tôi - một giáo viên từng giảng dạy môn giáo dục công dân hơn 30 năm - không khỏi bất ngờ.
Cảm xúc đầu tiên là tôi cảm thấy mừng vì được cấp trên quan tâm. Chúng ta vẫn thường cho rằng công tác chính trị tư tưởng là hàng đầu nhưng dường như đội ngũ những nhà giáo làm công tác này lại có mức sống chênh lệch khá xa với những thầy cô giáo dạy các môn học khác, đặc biệt là những môn có khả năng thi tốt nghiệp.
Chúng tôi vẫn thường đùa với nhau rằng giáo viên giáo dục công dân là giáo viên đa hệ bởi khi cần thiết thêm các hoạt động xã hội vào chương trình giảng dạy, bộ và sở GD-ĐT thường yêu cầu lồng ghép vào môn giáo dục công dân như giáo dục an toàn giao thông, phòng chống ma túy, phòng chống AIDS, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục hướng nghiệp và mới nhất là phòng chống tham nhũng.
Dạy môn giáo dục công dân chúng tôi còn không được “quyền” cho học sinh điểm dưới trung bình. Có trường còn quy định nếu giáo viên có học sinh điểm dưới trung bình sẽ không được xếp loại thi đua tiên tiến.
Ngay cả giáo viên bộ môn khác và giáo viên chủ nhiệm cũng hay phàn nàn với ban giám hiệu khi học sinh lớp mình bị điểm thấp môn giáo dục công dân. Vì như vậy lớp họ khó đạt được chỉ tiêu học sinh khá giỏi, đồng nghĩa với việc thành tích lớp không như ý muốn, ảnh hưởng đến việc xếp loại thi đua của lớp và của bản thân.
Trở lại việc đề nghị của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc phụ cấp cho giáo viên giáo dục công dân, thoạt nghe qua thì mừng nhưng ngẫm lại thấy tự ái bởi lý do của lời đề nghị này là vì đời sống giáo viên giáo dục công dân đang rất khó khăn, có vẻ như một hình thức xóa đói giảm nghèo?
Tôi mong muốn có được sự tôn trọng của xã hội đối với bộ môn giáo dục công dân. Đừng nghĩ rằng môn này mà cũng cho điểm dưới trung bình dù môn nào cũng vậy, học không nghiêm túc đều phải nhận điểm yếu thế thôi! Tôi mong muốn có được sự bình đẳng thật sự với các giáo viên dạy các bộ môn khác, tôi không thích nhận trợ cấp bởi lòng thương hại!
HỒNG CHI (TP.HCM)

Ý kiến bạn đọc (2)
Điểm số môn học - là trách nhiệm và lương tâm của người Thầy
Không chỉ bộ môn GDCD là một môn học được coi là phụ trong quan điểm của nhiều tầng lớp xã hội, thậm chí trong ngành, mà các môn như địa, sử cũng "đồng chung số phận". Thậm chí, đã có phụ huynh vào trường chất vấn BGH: Tại sao lại giao lớp 9 giỏi nhất của Trường cho một giáo viên dạy môn GDCD làm chủ nhiệm?
Cho đến khi tiếp xúc với giáo viên đó và sau một năm con em họ được nhận sự dìu dắt của giáo viên, các phụ huynh khi chia tay với Trường đều nói lời cảm ơn chân thành... từ một sự việc có thật mà tôi chứng kiến, tôi cho rằng việc các môn GDCD, Sử, Địa "bị" coi là môn phụ trong tập hợp các môn học ở nhà trường không thể không có phần trách nhiệm của giáo viên.
Bản thân nhà giáo khi có trách nhiệm với môn mình dạy, làm hết sức mình, trau chuốt và truyền tải được sự trân trọng môn học từ mình đến học sinh, tôi tin, không có em học sinh nào dám coi thường môn hoc đó. NHà trường lại càng không. Bởi thiếu một môn học thì chắc chắn sẽ không thể có một học sinh phát triển toàn diện được.
Thế nhưng trên thực tế, đã có không chỉ một số ít, mà rất nhiều thầy cô các bộ môn GDCD, Sử, Địa, không rõ vì lý do gì đã rất chểnh mảng trong chuyên môn của mình và torng một vài trường hợp lại chểnh mảng cả phần tư cách nhà giáo. Chểnh mảng và chưa bao giờ thấy có lỗi với học trò vì những chểnh mảng đó.
Trong một lần trò chuyện với các thầy cô bộ môn còn trẻ, tôi đã hỏi: Khi em thi vào sư phạm, có bị ép buộc không? có bị ép chọn các môn này thi không? có bị chuyển khoa không? Câu trả lời đều là "Không". Và tôi ngạc nhiên: Nếu đều là do tự mình chọn lựa, tại sao các em lại làm việc với phong cách như thế?
Các em phải biết vào sư phạm đã nghèo, dạy các môn này thì còn nghèo hơn vì không thể dạy thêm. Nhưng lúc nào cũng nghe các em ca thán về tiền bạc thiếu hụt, bộ môn bị coi thường, học sinh không chịu học, BGH không chấp nhận điểm kém... nhưng ngoài những ca thán đó, lại chưa bao giờ thấy các thầy cô tự hỏi: Ta dạy dỗ làm sao mà chỉ là môn học thuộc bài, bài học lại rất ngắn mà các em lại không chịu học cho thuộc để có điểm?
Nhà giáo đứng trước học sinh cũng là đứng trước trách nhiệm của mình, con điểm trong tay nhà giáo là một minh chứng cho trách nhiệm và lương tâm của người thầy. Để cho ai đó "không chế" việc cho điểm của mình mà không phản kháng lại thì tôi e đó không chỉ là việc sai của phía người áp đặt mà còn cả ở phía người chịu những áp đặt đó. Đưa ra những ý kiến này, tôi chỉ mong được nhìn nhận vấn đề ở cả hai mặt của nó.
Ngành giáo dục hiện nay tuy còn nhiều bất cập, nhưng mỗi thầy cô giáo, trong nhận thức của mình, cố làm được cho tốt chức trách đối với trẻ, thì chúng tôi tin, sự bất cập đó không thể trở thành nhiễu nhương như ta nhìn thấy từ hiện tượng...

Lâm Minh Trang
Mầm non tương lai của chúng ta
Bộ môn giáo dục công dân là môn đào tạo ra một công dân có đạo đức, tinh thần trách nhiệm,.. theo như ngày xưa tôi đã học. Muốn xã hội có những công dân tốt thì đây chính là tác nhân đầu tiên cho các mầm non dương lai. Việc không được "quyền" cho điểm dưới trung bình như thế thì tương lai của thế hệ mới sẽ như thế nào? Tôi tự hỏi liệu chính sách của Bộ Giáo dục chúng ta là đào tạo có chất lượng, đạo đức của học sinh, một thế hệ tương lai có thực hiện được không khi mà có những quyết định như thế... Một khi cấp lãnh đạo không tôn trọng người đạo tạo ra con người thì được đào tạo có tôn trọng họ không?
Bạch Yến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét