Thứ Sáu, 21.1.2011 | 08:41 (GMT + 7)
(LĐO) - Ngày 20.1, Trung tâm BTDTCĐ Huế và Nhóm GCREP (CHLB Đức) đã khánh thành công trình Bửu thành môn và bình phong khu mộ lăng Tự Đức (ảnh), đồng thời trao chứng chỉ đào tạo bảo tồn cho các học viên tham gia dự án.
Lăng Tự Đức được xây vào năm 1864 và hoàn thành vào năm 1867 trên diện tích gần 12ha. Trong cụm di tích này, Bửu thành môn và bình phong khu mộ Vua Tự Đức là một trong những công trình tiêu biểu cho kiến trúc cung đình Huế. Cả hai công trình này được xây bằng gạch vữa, trang trí theo lối truyền thống, các họa tiết được thực hiện bằng các kỹ thuật khảm sành sứ, vẽ màu sống, phù điêu đắp nổi... Theo thời gian và khí hậu khắc nghiệt, những hư hỏng đã xuất hiện nhiều.
Để trả lại vẻ đẹp và giá trị thẩm mỹ vốn có của nó, dự án trùng tu, bảo tồn hai công trình đã ra đời. Trong thời gian từ tháng 11.2009 đến tháng 12.2010, các nhóm chuyên gia bảo tồn GCREP do bà Andreas Teufel phụ trách cùng với 5 thành viên là cán bộ của Trung tâm BTDTCĐ Huế, Cty tu bổ di tích và thiết bị văn hóa Trung ương - Chi nhánh Huế - đã nghiên cứu kỹ lưỡng hiện trạng công trình để tìm biện pháp phục chế đảm bảo tình trạng nguyên gốc. Bà Andreas Teufel - trưởng nhóm trùng tu tôn tạo Bửu thành môn và bình phong mộ Vua Tự Đức - nhận định: “Một trong những nguyên nhân làm cho 2 công trình này bị hư hại chính là do vi khuẩn từ các loại tảo và rêu, ngoài ra hiện tượng hòa tan và vữa vôi đóng rắn trên bề mặt công trình, kết hợp lỗi ở bề mặt mái ngói đã làm cho công trình này mất đi giá trị”.
Đối với bụi bẩn, vôi đóng rắn trên bề mặt công trình và sự phát triển của các tác nhân sinh học, nhóm chuyên gia đã sử dụng dụng cụ chùi rửa và thiết bị phun hơi nước để loại bỏ những phần vữa vôi bị hư hại. Ngay sau đó, vữa vôi được xử lý với một chất kháng khuẩn, chất này góp phần gia cố những phần vữa vôi yếu. Cuối cùng, phần vữa vôi bị mất sẽ được trám bằng phần vữa vôi bổ sung. Riêng các họa tiết ở trên Bửu thành môn và bình phong mộ Vua Tự Đức được chỉnh sửa và phục hồi màu bằng cách sử dụng chất kết dính vô cơ và kháng kiềm, những hư hại trên bề mặt men đã được xử lý thành hai bước. Đầu tiên, được trám vá bằng một vật liệu đặc biệt tìm ra bởi các chuyên gia Đức, sau đó phủ lên một lớp thủy tinh lỏng chuyên dụng cho ngành phục chế được trộn với các loại bột màu. Đối với phần hư hỏng lớn sẽ phục hồi bằng gạch men trang trí mới. Phần ngói dương sẽ được tháo dỡ toàn bộ và thay thế bằng những viên ngói âm dương mới, được nung theo phương pháp truyền thống.
Được biết, các phương pháp này hiện chưa được phổ biến tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là, một kế hoạch thí điểm có thể lặp lại cho các dự án tương tự trong tương lai trên toàn đất nước.
Minh Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét