TP - Kết quả khảo sát chất lượng dịch vụ các mạng di động tại Việt Nam được công bố ngày 19- 1 đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhà mạng. Kết quả này được cho là không chính xác, phương pháp khảo sát không chất lượng và không nên công bố ở thời điểm nhạy cảm cuối năm.
Dịch vụ mạng di động ngày càng được nhiều người sử dụng . Ảnh: Hồng Vĩnh |
Mạng nào nhất?
Theo công bố của báo Bưu điện Việt Nam (đơn vị tổ chức cuộc khảo sát), người dùng dịch vụ di động cả hình thức thuê bao trả trước và trả sau đều đánh giá chất lượng dịch vụ của mạng di động MobiFone cao nhất, với điểm số tương ứng của thuê bao trả trước là 3,92/5 điểm và thuê bao trả sau là 3,95/5 điểm. Tiếp đến là các mạng di động Viettel (điểm tương ứng là 3,85 và 3,88 điểm), VinaPhone (điểm tương ứng là 3,83 và 3,72 điểm)…
MobiFone cũng là mạng được người dùng lựa chọn nhiều nhất để tư vấn, giới thiệu cho người khác sử dụng, với tỷ lệ là 28,3%. Viettel đứng thứ hai với tỷ lệ 25,6%. Với câu hỏi người dùng lựa chọn mạng nào khi họ có nhu cầu sử dụng thêm một số thuê bao khác, Viettel dẫn đầu, theo sau là MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile, Beeline... Thứ tự lần lượt là Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile với câu hỏi người sử dụng chọn mạng nào nếu họ được giữ nguyên số thuê bao đang dùng và đổi sang nhà cung cấp khác.
Đây cũng là cuộc khảo sát đầu tiên về cảm nhận của người dùng đối với chất lượng dịch vụ 3G được cung cấp tại thị trường Việt Nam. Theo đó, MobiFone dẫn đầu ở các yếu tố liên quan đến chất lượng sóng, tốc độ đường truyền và mức độ an toàn, bảo mật thông tin. Viettel dẫn đầu ở yếu tố chi phí, giá cả dịch vụ hợp lý. VinaPhone đứng đầu theo cảm nhận của người dùng về khả năng tính cước chính xác.
Tiêu chí nhỏ, mất uy tín lớn?
Ngay sau khi kết quả nói trên được công bố, nhiều nhà mạng không đồng tình. Theo đại diện của Viettel, cuộc khảo sát này chỉ tiến hành ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, nên không thể đại diện cho chất lượng “mạng di động Việt Nam”.
Đại diện Vietnamobile cũng đồng tình với ý kiến trên và cho rằng, mỗi mạng có một mục tiêu và kế hoạch kinh doanh khác nhau. “Với doanh nghiệp của tôi thì 2 thành phố trên không phải thị trường chính. Cho nên phải xem xét lại kết quả trước khi công bố”.
Cuộc khảo sát được thực hiện tại Hà Nội và TPHCM trong tháng 11 và 12- 2010 với 50 câu hỏi và 3.200 đối tượng được phỏng vấn. Một phần kết quả cuộc khảo sát sẽ được sử dụng như một tiêu chí phục vụ cho việc xét chọn giải thưởng VICTA 2010 do báo Bưu điện Việt Nam là cơ quan thường trực tổ chức. |
Lý giải này lập tức vấp phải sự phản đối với lý lẽ, người dân ở các địa phương khác, thậm chí ở vùng nông thôn, càng có nhu cầu sử dụng dịch vụ chất lượng tốt và kết luận nói trên là không có cơ sở. Đại diện VNPT cho rằng, nếu công bố kết quả dựa trên một cuộc khảo sát như vậy, lại ở vào thời điểm kinh doanh cuối năm, thì sẽ rất thiệt thòi cho các nhà mạng. “Có nên công bố con số này vào thời điểm này hay không?” – Vị này đặt câu hỏi.
Không bình luận kết quả cuộc khảo sát này đúng hay sai song ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho rằng, cần phải có phương pháp luận khi khảo sát và phải trình bày cho mọi người hiểu phương pháp đó như thế nào. Khảo sát phải có đại diện của mỗi địa bàn chứ không chỉ ở 2 thành phố nói trên.
“Nếu khảo sát ở các huyện miền núi, chẳng hạn như Lào Cai thì chắc chắn Viettel sẽ được sử dụng nhiều nhất” - Ông Trung nêu ví dụ.
Đại diện báo Bưu điện Việt Nam cho biết, cuộc khảo sát chỉ tập trung vào “cảm nhận của người dùng” chứ không mang tính kỹ thuật như những cuộc khảo sát trước đó của Cục Quản lý chất lượng Công nghệ thông tin và Truyền thông.
Kết quả khảo sát chỉ là “một tiêu chí rất nhỏ” để xét chọn doanh nghiệp viễn thông di động có chất lượng dịch vụ tốt nhất (thuộc Giải thưởng Công nghệ thông tin- Viễn thông Việt Nam 2010 - VICTA 2010).
Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng, số liệu khi đã công bố phải chính xác, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của các nhà mạng.
Mỹ Hằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét