Mối quan hệ Mỹ-Trung đang ở vào một khúc quanh quan trọng và cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước diễn ra tới đây phải hướng đến các biện pháp thật sự, những vấn đề thật sự như thương mại, thay đổi khí hậu và vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên – Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố cuối tuần qua.
.Nhà nghiên cứu Guo Jiping từ tờ People's Daily (Trung Quốc) nhấn mạnh, quan hệ Trung - Mỹ, một trong những mối quan hệ có ảnh hưởng nhất trên thế giới, đang đứng trước thời cơ phát triển lớn. Mối quan hệ này rất có thể được nâng lên tầm cao mới và mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân hai nước nói riêng và thế giới nói chung.
Hai bên đều cần đến nhau
Vào lúc nguyên thủ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chuẩn bị gặp nhau thứ Tư tuần này tại Washington, mọi người hiểu rằng mỗi bên đều cần đến nhau để đạt tiến bộ.
Trong buổi nói chuyện mới đây tại khoa quan hệ quốc tế thuộc đại học Johns Hopkins, Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner nhấn mạnh đến mối quan hệ đôi bên đều có lợi: "Trung Quốc cần Mỹ nhưng Mỹ cũng có lợi rất nhiều nếu quan hệ kinh tế với Trung Quốc phát triển nhanh chóng".
Bộ Thương mại Mỹ cho biết mục tiêu đầu tiên vẫn là tiếp tục xúc tiến kế hoạch xuất khẩu hơn 100 tỉ đôla hàng hóa và dịch vụ sang Trung Quốc trong năm nay, một tiến độ cao hơn gấp đôi so với số xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới.
Bộ trưởng Geithner ca ngợi nỗ lực của Trung Quốc phát triển các cơ hội thương mại giữa hai quốc gia nhưng nói rằng Trung Quốc cần có thêm những bước đi để tạo sân chơi bình đẳng:
"Mục tiêu cốt lõi thứ hai của Mỹ là hô hào cải cách để giảm bớt sự tùy thuộc của Trung Quốc vào xuất khẩu để tăng trưởng, và khuyến khích để chuyển sang mặt tiêu dùng và đầu tư nội địa. Trong hướng này, dĩ nhiên, tỷ giá trao đổi ngoại hối của Trung Quốc cần được củng cố để đáp ứng với các lực lượng của thị trường."
Ngoại trưởng Hillary Clinton đọc diễn văn nói về tương lai bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc, tại trụ sở Bộ Ngoại Giao ở Washington D.C. hôm Thứ Sáu tuần trước, nhân buổi khai mạc chương trình hội thảo hằng năm lần đầu tiên mang tên cố Ðại sứ Richard C. Holbrooke. Ảnh: Mark Wilson/Getty Images. |
Trong một diễn biến liên quan, ngày 15/1 khi phát biểu về chính sách của Bắc Kinh đối với Washington tại trụ sở Bộ Ngoại giao, ngoại trưởng Hillary Clinton chỉ rõ: "Ðây là điều tùy thuộc vào cả hai nước để biến những hứa hẹn ở cấp cao trong các kỳ họp thượng đỉnh và các chuyến công du thành hành động. Hành động thật sự, về những vấn đề thật sự".
Những khúc nhạc dạo đầu
Những phát biểu của bà Clinton và ông Geithner là một phần trong các bài diễn văn về chính sách liên quan đến Trung Quốc do các giới chức trong chính quyền Obama đưa ra gần đây.
Cùng theo hướng này, chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates tuần trước cũng nhằm nói lên quan điểm của Mỹ trước cuộc gặp cấp cao giữa Tổng Thống Obama và chủ tịch nhà nước Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào ở Washington vào ngày 19/1 tới.
Một số nhà phân tích coi chuyến đi của ông Hồ Cẩm Ðào sang Mỹ là chuyến viếng thăm quan trọng nhất của một nguyên thủ quốc gia tại Washington từ 30 năm nay, khi nguyên thủ hai nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới tìm cách vượt qua các bất đồng về quan điểm để nhìn về tương lai.
Tuy nhiên, có ý kiến không tán thành nhận định nói trên, khi lập luận rằng cả ông Hồ lẫn ông Obama đều đang lo củng cố cái ghế để chuyển giao quyền lực (ông Hồ) hoặc tiếp tục tranh cử (ông Obama). Họ cũng không phải là cặp bài trùng như Mao Trạch Đông/Nixon hay Chu Ân Lai/Kissinger thuở nào.
Tính cách và hoàn cảnh của hai vị nguyên thủ này khó có thể tạo nên bước đột phá như thập kỷ 70, cho dù tình thế hiện nay đang thực sự cần một bước ngoặt hay đột phá giống như trước đây.
"Mỹ và Trung Quốc đang ở vào khúc quanh quan trọng, ở thời điểm mà những chọn lựa của chúng ta, dù nhỏ hay lớn, đều sẽ góp phần định hướng cho mối quan hệ này." Bà Clinton kỳ vọng như vậy.
Cũng như Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner và Bộ trưởng Thương mại Gary Locke từng phát biểu trước đó, bà Clinton kêu gọi Trung Quốc hãy sớm để đồng nhân dân tệ của mình tự định giá hối suất theo thị trường, chấm dứt sự kỳ thị đối với các công ty Mỹ và mở rộng thị trường cho các sản phẩm từ bên ngoài.
Về các vấn đề quốc tế, Mỹ muốn Trung Quốc phải đứng ra nhận thêm các trách nhiệm của mình và cộng tác tích cực hơn với Washington để giải quyết các vấn đề chung.
Bà Clinton kêu gọi: "Trung Quốc phải bước tới trong việc thực hiện nghĩa vụ toàn cầu của mình bao gồm đối phó với suy thoái, vũ khí nguyên tử, khủng bố, hải tặc là những mối đe dọa chung cho toàn thể mọi quốc gia chúng ta, kể cả Trung Quốc".
Cộng sinh hay chiến tranh lạnh?
Theo mạng dự báo chiến lược (Stratfor), sự kiện địa-chính trị nổi bật nhất của thập kỷ qua chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo công ty tư vấn/nghiên cứu rủi ro chính trị toàn cầu (Canada), phần lớn các nguy cơ đe dọa ổn định thế giới trong thời gian tới đều liên quan đến bang giao Trung-Mỹ.
Dư luận Nga gần đây cũng cho rằng, nay là lúc Mỹ phải có chính sách thứ hai về Trung Quốc, bởi chính sách thứ nhất đã không mấy thành công. Hiện nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang lâm vào tình thế giống như của Mỹ và Liên Xô vào những năm 1970.
Tổng thống Obama tin rằng quan hệ Mỹ-Trung sẽ định hình thế kỷ 21. Thách thức của mối bang giao này là thực hiện sự quá độ chuyển sang mối quan hệ bình đẳng. Các chuyên gia hoài nghi tiến trình để dẫn tới mối quan hệ cộng sinh giữa hai nước khó có thể diễn ra một cách êm thắm.
Hệ quả tồi tệ nhất cho châu Á và cho quan hệ Mỹ-Trung nếu xu hướng cộng sinh giữa hai đại cường bị thất bại. Những cám dỗ đeo đuổi xu hướng đối đầu Trung-Mỹ có thể gây ra không khí chiến tranh lạnh khi mỗi nước phải đối mặt với khó khăn nội bộ.
Những áp lực là có thật. Mỹ chịu sức ép của công cuộc "tái cấu trúc toàn diện" do cái giá của cuộc chiến tranh lạnh cũ và do sao nhãng suốt 20 năm qua đối với các vấn đề nội trị.
Việc vực dậy nền kinh tế Mỹ trong hai năm còn lại sẽ là điều kiện cần để ông Obama tái đắc cử vào năm 2012. Tuy nhiên, trên vũ đài quốc tế ông đang còn nhiều việc dang dở do vị thế và uy tín của ông bị lung lay. Để giải quyết vấn đề ông cần phải tốn rất nhiều công sức.
Trung Quốc thì đang chật vật để quản lý một nền kinh tế quá nóng trong một hệ thống chính trị mà chính lãnh đạo cấp cao của nước này cũng thấy là cần phải cải cách. Từ 2011 này, Trung Quốc buộc phải đối mặt với nhiều nguy cơ lớn.
Việc Mỹ «trở lại châu Á» rõ ràng tăng cường lực ly tâm tách các nước ngoại vi khỏi Trung Quốc, làm suy giảm sự tin tưởng giữa Trung Quốc với các nước đó. Ngoài ra các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới sự ổn định của Trung Quốc cũng như quan hệ giữa Trung Quốc với thế giới.
Những căng thẳng bất ngờ trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2010 nhiều khi bị đẩy tới nguy cơ vượt tầm kiểm soát của các bên liên quan.
Các tranh chấp trên biển Đông Hải, Hoàng Hải, Nam Hải và những động thái tăng cường các tuyến liên minh cũ, tạo dựng đồng minh mới, đối tác mới ở châu Á-Thái Bình Dương..., tất cả khiến nhiều người nghĩ đến sự trở lại của chiến tranh lạnh với trật tự hai cực Mỹ-Trung ở Đông Bắc Á.
Tiến trình này được phóng đại thêm bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Các nước châu Á điều chỉnh chính sách
Công bằng mà nói, trước khi bùng nổ cuộc khủng hoảng này, giữa Trung Quốc và Mỹ đã hình thành nên các quan hệ đối ứng đặc biệt: Trung Quốc sản xuất, Mỹ tiêu thụ, Trung Quốc xuất khẩu, Mỹ nhập khẩu, Trung Quốc là chủ nợ, Mỹ là con nợ.
Trải qua khủng hoảng, Trung Quốc trở thành đối thủ của Mỹ nhưng không phải là kẻ thù như thời chiến tranh lạnh trước đây.
Tuy nhiên, theo quan điểm của một số chuyên gia ở Washington, Trung Quốc không phải là đồng minh của Mỹ dù đang vươn lên vị trí lãnh đạo thế giới và được gợi ý cùng Mỹ tạo thành nhóm G2.
Ngược lại, Trung Quốc trên phương diện công khai, tuyên bố không bao giờ muốn thay Mỹ làm siêu cường thống trị thế giới như khẳng định của Ủy viên quốc vụ Đới Bỉnh Quốc. Phát biểu của ông Đới được coi là để đối phó với các chỉ trích về thái độ ngày càng mạnh bạo của Bắc Kinh trong chính sách đối ngoại, không chỉ trong liên hệ Trung-Mỹ.
Các nhà phân tích cho rằng có một "mô hình" trong quan hệ Mỹ-Trung mà các đời tổng thống Mỹ phải đối mặt.
Giai đoạn đầu là nỗ lực tạo dựng bầu không khí thân thiện. Giai đoạn hai có những va chạm xuất hiện, khiến quan hệ song phương căng thẳng. Giai đoạn ba, hai bên phải chấp nhận khác biệt và tìm cách hợp tác để bước vào giai đoạn thứ tư mang tính thực tế hơn.
Trong các thập niên gần đây, quan hệ Mỹ-Trung đều diễn ra dưới "mô hình" này, kể từ thời Bill Clinton, tiếp theo là George Bush và giờ đây Barack Obama cũng không phải ngoại lệ.
Các nước châu Á cảnh giác nhưng không bị rúng động trước những mặc cả có thể có giữa hai đại cường.
Một mặt, các nước muốn Mỹ «trở lại» và tiếp tục can dự tích cực vào khu vực này; mặt khác, vẫn nương theo đầu tàu kinh tế Trung Quốc, đi nước đôi để đề phòng ảnh hưởng của Mỹ bị lu mờ do phải đổi chác hay tình thế bắt buộc.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốtxtrâylia, Ấn Độ và Indonesia cũng như một số nước trong ASEAN đều ý thức ngày càng rõ về sự hiện diện của Mỹ như một đối trọng, nhưng vẫn thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong tình thế có các can dự mới của Mỹ.
Việt Nam có vị trí địa-chính trị rất nhạy cảm đối với những mối quan hệ và can dự ấy. Đúng là sự thỏa hiệp giữa các nước lớn chưa hẳn đã diễn ra vào một thời điểm nhất định, mà là cả một quá trình.
Trong quá trình này, để các nước lớn không thể mặc cả, đổi chác trên lưng mình, chúng ta phải có kế sách đối trọng và cân bằng. Vị thế của nước nhỏ trong cuộc chơi lớn là tư thế độc lập, tự cường, xây dựng quốc gia thành một thực thể chính trị-kinh tế-văn hóa có bản sắc.
Đó chính là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong hoàn cảnh mới!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét