Dân chủ hóa: Xu hướng khó cưỡng

VietNamNet
- “Dân chủ hóa đòi hỏi sự phù hợp với những đặc trưng của thế giới Ảrập nhưng đó là xu hướng khó cưỡng lại được của thời đại”, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama nhận định

Phẫn nộ vì tham nhũng

Làn sóng biểu tình chống chính phủ tại các nước Ảrập đang lan rộng sang nhiều nước trong khu vực, theo ông đâu là những lý do chính gây nên điều này?

Tôi tin rằng có những lý do chủ quan và khách quan. Lý do khách quan trước tiên là tình hình hòa bình tại khu vực Trung Đông từ lâu vẫn chưa được thiết lập một cách bền vững và lâu dài.

Vấn đề thứ hai là khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng rất lớn đến các nước Ảrập. Tình hình kinh tế khá tồi tệ, sự phát triển kinh tế hiện nay không giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp của thế hệ trẻ. Trong khi nếu chúng ta nhìn vào thế giới Ảrập thì sẽ thấy số lượng người trẻ khá đông.
Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salam: Những lãnh đạo Ảrập nắm quyền trong một thời gian dài, tạo điều kiện cho con cái và họ hàng có một vai trò trong hệ thống chính trị... gây nhiều bất bình. Ảnh: CN

Vấn đề thứ ba là các hệ thống chính trị như ở Ai Cập đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào hệ thống chính trị. Những nhà doanh nghiệp này chỉ lo cho lợi ích cá nhân của họ, lợi dụng chính quyền, lợi dụng vị trí trong bộ máy nhà nước để tham nhũng.

Như vậy ở đây có vấn đề xung đột lợi ích giữa kinh tế và chính trị, ông hãy giải thích cụ thể thêm?

Việc những lãnh đạo Ảrập nắm quyền trong một thời gian dài, cùng với đó họ còn tạo điều kiện cho con cái và họ hàng của mình có một vai trò trong hệ thống chính trị, tiếp nối họ làm lãnh đạo cầm quyền gây nhiều bất bình.

Điều này cũng phản ánh một cách rõ rệt là các đảng cầm quyền đã có những vấn đề mang tính chất suy thoái, tham nhũng, tất nhiên gây phẫn nộ trong giới thanh niên và người dân.

Chúng ta có thể thấy rõ đảng cầm quyền Tunisia đã hoàn toàn bị gạt ra khỏi hệ thống chính trị ngay lập tức sau khi Tổng thống chạy khỏi đất nước. Hay ngay cả như ông Mubarak của Ai Cập, sau khi giao quyền cho quân đội thì đảng Dân tộc dân chủ cũng đang bị chỉ trích rất nhiều.

"Rất phức tạp"

Mỹ lúc đầu có lập trường khá dè dặt với cuộc cách mạng này, về sau ủng hộ nguyện vọng của người biểu tình. Ông có thể phân tích sâu hơn mối quan hệ giữa Mubarak và Mỹ trước đó và tại sao Mỹ lại có những động thái như vừa rồi?

Từ năm 1973, quan hệ Mỹ và Ai Cập đã phát triển đáng kể, giúp cho Ai Cập có được sự viện trợ lớn của Mỹ. Tuy nhiên, trong thời gian ủng hộ chế độ Mubarak, Mỹ cũng đã có những quan hệ với các nhóm, phe phái chính trị khác tại Ai Cập, trong đó có cả phong trào Anh em Hồi giáo.

Khi cuộc biều tình mới nổ ra, Mỹ đã có lập trường ủng hộ sự đòi hỏi của các phe phái chính trị đó, đồng thời đề nghị chuyển giao quyền lực một cách mềm dẻo nhưng cần cho Ai Cập thời gian để chuyển từ chế độ Mubarak sang chế độ mới.

Nhưng sau đó Mỹ đã thay đổi và có lập trường là có thể thực hiện ngay, không cần phải chờ lâu. Điều này cho chúng ta thấy Mỹ cũng đã có những quan điểm chính trị không nhất quán trong ban lãnh đạo của Nhà Trắng.

Tôi nghĩ rằng bài phát biểu của Obama sau khi ông Mubarak đã giao quyền cho quân đội là một bài phát biểu rất hay và hy vọng bài phát biểu đó không chỉ áp dụng riêng cho Ai Cập mà còn áp dụng cho các dân tộc khác trên thế giới, đặc biệt là Palestine, dân tộc duy nhất đến bây giờ vẫn sống dưới sự chiếm đóng của quốc gia khác.

Còn thái độ của Iran thì sao, có vẻ như họ ủng hộ người dân Ai Cập thực hiện việc lật đổ chế độ của Tổng thống Mubarak?

Iran và Ai Cập có quan hệ không tốt từ hơn 30 năm nay rồi. Vì thế Iran thấy phong trào chống lại chế độ ở Ai Cập có thể có lợi cho Iran. Nhưng có thể việc đánh giá tình hình như vậy không được kỹ càng vì nhân dân Ai Cập có một đặc trưng rất rõ nét là họ không chấp nhận việc để nước họ tuân theo một nước nào khác trong khu vực.

Chính vì thế tôi nghĩ rằng, Iran hiện nay đang ủng hộ phong trào nổi dậy, nhưng ta cũng thấy tại Iran, chính phủ lại đang ra sức khống chế phe đối lập, khống chế những cuộc biểu tình. Đó là điều mâu thuẫn cho thấy tình hình Trung Đông hiện nay rất phức tạp.

Vậy Israel thì sao, theo ông, họ được hay mất, ủng hộ hay phản đối những thay đổi ở Ai Cập?

Tôi nghĩ khó đánh giá theo kiểu được - mất như vậy. Nếu nhìn quan hệ đối ngoại của Ai Cập với thế giới bên ngoài, tôi nghĩ sẽ không có nhiều thay đổi.

Các nước ở Trung Đông, đặc biệt là Ai Cập, có nền văn hóa lịch sử lâu dài. Ai Cập có 7000 năm lịch sử, dù cho chính phủ nào lên thì vẫn có những nét phẩm chất riêng biệt của Ai Cập.

Israel vẫn phải hợp tác với thế giới để giải quyết cuộc xung đột với Palestine thì Trung Đông mới có nền an ninh về lâu dài.

Có hòa bình mới có an ninh

Vậy những cuộc cách mạng vừa rồi ảnh hưởng ra sao đối với lộ trình hòa bình Trung Đông, theo ông?


Tôi nghĩ là sẽ có ảnh hưởng tích cực vì nó thúc đẩy các nước Ảrập có lập trường nhất quán trong vấn đề tạo sức ép đối với Mỹ và các nước nhằm thúc đẩy các nước tìm giải pháp cho vấn đề hòa bình Trung Đông. Các chế độ chính trị mới đó sẽ mang tính chất mới và phải đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân Ảrập.

Để chế độ chính trị của các nước Ảrập ổn định, cần một thời gian không ngắn. Thời gian này sự chú ý đến vấn đề Palestine sẽ ít hơn nhưng chắc chắn nó sẽ không kéo dài quá lâu.

Việc dân chủ hóa tại các nước Ảrập cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các xu hướng chính trị mới có một vai trò lớn hơn. Sẽ ngăn chặn các xu hướng chính trị cực hữu, cực đoan trong thế giới Ảrập vì cực hữu chỉ nảy sinh trong điều kiện xã hội không có nhiều dân chủ.

Vậy để khu vực các nước Ảrập đi vào ổn định, theo đánh giá của cá nhân ông, cần thực hiện những biện pháp nào?


Vấn đề thứ nhất, các nước Ảrập phải giúp đỡ lẫn nhau để đưa nền kinh tế xã hội phát triển, và đồng thời đưa mức sống của người Ảrập ngày càng được nâng lên.

Thứ hai là việc dân chủ hóa, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ có vai trò hơn trong chế độ chính trị của họ. Dân chủ hóa đòi hỏi sự phù hợp với những đặc trưng của thế giới Ảrập nhưng đó là xu hướng khó cưỡng lại được của thời đại.

Thứ ba, để đưa tình hình Trung Đông đi đến ổn định, phải nhanh chóng tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Palestine - Israel. Chỉ có hòa bình mới mang lại an ninh cho các quốc gia trong khu vực. Có hòa bình mới có an ninh chứ không phải có an ninh mới có hòa bình!

Khánh Duy - Cao Nhật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét