Theo tờ Wall Street Journal, sau khi Bộ trưởng Bộ Đường sắt Trung Quốc, ông Lưu Chí Quân, bị cách chức hồi tuần trước, nhiều người cho rằng, cơ quan này có thể buộc phải điều chỉnh lại các kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc.
Những số liệu thống kê công bố mới đây về tình trạng nợ nần của Bộ Đường sắt Trung Quốc càng củng cố thêm những nghi ngờ này.
Dẫn thông tin từ Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc, tờ Thời báo Hoàn cầu xuất bản hôm thứ Tư tuần trước, cho biết, tính đến năm 2009, Bộ Đường sắt nước này gánh khoản nợ 1,3 nghìn tỷ Nhân dân tệ, trong đó 854,8 tỷ Nhân dân tệ là nợ ngắn hạn và 448,6 tỷ Nhân dân tệ là nợ dài hạn.
Tờ báo dẫn lời ông Zhao Jian, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Giao thông Bắc Kinh cho rằng, số nợ trên “giờ đã lên tới ít nhất 2 nghìn tỷ Nhân dân tệ”, tương đương trên 303 tỷ USD, chưa kể tiền lãi.
Theo các chuyên gia, con số nợ trên là thiếu bền vững, ngay cả đối với một chính phủ đã quá quen với những dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ như Chính phủ Trung Quốc, xét tới các việc các tuyến đường sắt cao tốc của nước này đang gặp khó trong vấn đề tạo ra lợi nhuận.
Số liệu của Bộ Đường sắt Trung Quốc cho thấy, tính tới tháng 11 năm ngoái, hệ thống đường sắt cao tốc của nước này đã đạt tổng chiều dài 7.531 km. Đến năm 2020, Trung Quốc dự kiến sẽ mở rộng hệ thống này lên 16.000 km.
Tuy nhiên, hiện còn chưa rõ nhu cầu đi lại bằng đường sắt cao tốc của người dân Trung Quốc có tới mức đủ lớn cho nguồn cung trên. Đại diện tại Bắc Kinh của một công ty sản xuất tàu cao tốc nước ngoài đã chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc cho biết, trên nhiều tuyến đường sắt cao tốc, chẳng hạn như tuyến Quảng Châu-Vũ Hán, nhiều chuyến tàu gần như không có hành khách.
Bởi vậy, đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh tính thực tế của các dự án tàu cao tốc tại Trung Quốc. Trong đó, có không ít ý kiến cho rằng, những dự án này không đem lại lợi ích cho người dân, chủ yếu vì mức giá vé cao.
Giá vé tàu cao tốc trọn tuyến Vũ Hán-Quảng Châu là 469 Nhân dân tệ, tương đương 70 USD. Mức giá này ngang với giá vé máy bay cùng tuyến đặt trước 1 tuần, và cao gấp đôi giá tàu thông thường cùng tuyến có giường mềm loại đắt nhất. Đó là lý do vì sao nhiều người Trung Quốc xem tàu cao tốc là “tàu của giới cổ cồn trắng” chứ không phải là dịch vụ dành cho người lao động bình dân.
Trao đổi với tờ Thời báo Hoàn cầu, ông Zhao thuộc Đại học Giao thông Bắc Kinh cho rằng, số tiền mà Chính phủ Trung Quốc đổ vào các dự án đường sắt cao tốc “có thể được sử dụng để xây dựng các tuyến đường sắt thông thường để đạt hiệu quả chi phí cao hơn trong việc giảm bớt áp lực về giao thông”.
Theo An Huy
VnEconomy
Hé lộ vụ kỷ luật Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc
Tờ China Business Journal cho biết Lưu Chí Quân, 58 tuổi, đã nhận hối lộ tới 2,5% tổng ngân sách của một số dự án đường sắt cao tốc để ưu ái cho các nhà thầu “biết điều.”
Cũng theo tờ này, nhóm điều tra trường hợp tham nhũng của Lưu Chí Quân đang làm việc ở tỉnh Sơn Tây sẽ hoàn tất việc thu thập thông tin trước khi diễn ra phiên họp thường niên Quốc hội Trung Quốc tháng tới.
Trước đó, theo truyền thông Trung Quốc, việc kỷ luật Lưu Chí Quân có được bằng cớ quan trọng sau khi Đinh Thư Miêu, một nữ doanh nhân tỉnh Sơn Tây, bị bắt giữ và điều tra hồi tháng Giêng. Đây là một nhân vật được cho là đã hối lộ Lưu Chí Quân để giành được các hợp đồng cung cấp rào chắn ồn cho một số tuyến đường sắt cao tốc kể từ năm 2008.
Công ty của Đinh Thư Miêu đến năm 2007 còn thuộc loại “vô danh tiểu tốt” với trụ sở văn phòng vẻn vẹn 48m2 cùng giá thuê chưa đến 600 Nhân dân tệ/tháng. Nhưng năm 2008, sau khi được bán cho Đinh Thư Miêu, công ty này đã có bước phát triển nhảy vọt, liên tiếp giành được hợp đồng cung cấp rào chắn ồn cho nhiều tuyến đường sắt cao tốc quan trọng của Trung Quốc như tuyến Bắc Kinh-Thiên Tân (tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của nước này), tuyến Vũ Hán-Quảng Châu, tuyến Quảng Châu-Hong Kong… Bộ Đường sắt cũng tăng phần đầu tư cho rào chắn ồn của các dự án đường sắt cao tốc thêm 15%, từ 530 tỷ NDT lên 610 tỷ NDT.
Theo tạp chí kinh doanh Caixin, công ty của Đinh Thư Miêu còn đồng sở hữu cả tập đoàn thiết bị đường sắt Zhibo Lucchini, vốn được ưu ái độc quyền cung cấp bánh xe và dịch vụ sửa chữa cho các tàu cao tốc. Ngoài ra, theo truyền thông Trung Quốc, Đinh Thư Miêu còn độc quyền lĩnh vực quảng cáo tại các nhà ga ở Bắc Kinh và nhiều thành phố lớn khác.
Đời tư của Lưu Chí Quân cũng được cho là vi phạm đạo đức nghiêm trọng khi nhiều tờ báo đưa tin quan chức cấp cao này có hàng tá nhân tình. Tờ China Times của Đài Loan cho biết Lưu Chí Quân đã nhận hối lộ hơn 1 tỷ NDT từ các nhà thầu.
Em trai của Lưu Chí Quân, Lưu Chí Tường, cũng là một quan chức Bộ Đường sắt Trung Quốc, hiện đang chịu án tử hình (hoãn thi hành án) sau khi thuê sát thủ “bịt miệng” một người đã công khai việc Lưu Chí Tường tham nhũng.
Đầu tháng 2 vừa qua, Lưu Chí Quân đã bị điều tra và bị cách chức Bí thư đảng ủy Bộ Đường sắt Trung Quốc. Việc chính thức bị cách chức Bộ trưởng Đường sắt được dự kiến công bố trong tháng này./.
Tuoitre.vn
Thứ Bảy, 19/02/2011, 06:53 (GMT+7)
3 nguy cơ cho đường sắt cao tốc Trung Quốc
TT - Sau khi ông Lưu Chí Quân, bộ trưởng đường sắt Trung Quốc, bị cách chức để điều tra, nhiều vấn đề cũng là những nguy cơ được đặt ra cho ngành đường sắt.
Một chuyến tàu cao tốc khởi hành từ vùng duyên hải miền nam Trung Quốc vào trong nội địa - Ảnh: Tân Hoa xã |
Sự phát triển chóng mặt của hệ thống đường sắt được xem là biểu tượng cho phát triển nhanh của Trung Quốc. Sự phát triển nóng này không khỏi tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Nguy cơ an toàn
Ông Lưu Chí Quân - Ảnh: ifeng.com |
Thật ra, ngay tại Trung Quốc đã râm ran dư luận đặt vấn đề về chất lượng xây dựng và an toàn trong các công trình đường sắt. Một quan chức giấu tên trong ngành đường sắt Trung Quốc cho biết những cọc bêtông trong hệ thống đường sắt cao tốc kém chất lượng. Điều này làm cho tàu chỉ chạy được vận tốc 349 km/giờ trong vài năm, sau đó xuống cấp thì tốc độ chỉ còn khoảng 300km/giờ do đường ray có thể bị vênh. Báo cáo của Viện Thiết kế đường sắt Trung Quốc năm 2008 ghi nhận các cọc bêtông sử dụng trong hệ thống đường sắt đã được chế tạo quá nhanh và độ kết dính trong các cọc bêtông này có thể không đảm bảo chất lượng xây dựng.
Thế nhưng, Thời Báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin thân cận chính phủ cho biết việc ông Lưu rơi đài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của ngành đường sắt, nhưng Chính phủ Trung Quốc sẽ không thay đổi kế hoạch phát triển hệ thống đường sắt cao tốc và năng lực vận chuyển của ngành này trong vài chục năm tới. Nhật Báo Đường Sắt Trung Quốc dẫn lời ông Thịnh Quang Tổ - người kế nhiệm ông Lưu - cho biết Trung Quốc vẫn đảm bảo xây dựng các hạng mục của ngành, với khoản đầu tư 3.600-4.000 tỉ nhân dân tệ trong các năm 2011-2015.
Nguy cơ tham nhũng
Báo Quan Sát Kinh Tế (Trung Quốc) cho biết trước khi bộ trưởng Lưu Chí Quân bị bắt, trong tháng 1-2011 cơ quan điều tra đã bắt giữ ông La Kim Bảo, cựu quan chức của Bộ Đường sắt kiêm giám đốc hai công ty, liên quan đến thiết bị hậu cần của ngành này.
Tuy báo chí Trung Quốc không nói rõ ông La có liên quan đến việc mất chức của ông Lưu nhưng báo Quan Sát Kinh Tế dẫn lời một quan chức điều hành ngành khai thác than tỉnh Sơn Tân xác nhận chính ông La là đầu cầu kết nối giữa ông Lưu Chí Quân và bà Đinh Thư Miêu, trùm về ngành giao thông vận tải ở Sơn Tây từ năm 2000, khi ông Lưu còn là thứ trưởng đường sắt. Mối quan hệ đó đã giúp bà Đinh giành được gói thầu bán thanh chắn chống ồn trong hệ thống đường sắt cao tốc từ năm 2003. Báo Quan Sát Kinh Tế còn cho biết thêm số tiền trong vụ tham nhũng của ông Lưu với bà Đinh có thể lên đến 10 tỉ nhân dân tệ.
Bên cạnh đó, tạp chí Doanh Nhân Trung Quốc (ấn phẩm của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc) số ngày 15-2 đã dẫn nguồn từ báo China Times của Đài Loan cho biết ông Lưu Chí Quân còn bị đồn đãi có đến 18 nhân tình và chưa tốt nghiệp đại học. Trước đó, truyền thông Hong Kong đã lật lại vụ án quan tham Lưu Chí Cường - cựu phó giám đốc cơ quan đường sắt Vũ Hán (Hồ Bắc) - đã bị tuyên án tử hình năm 2006 do tội tham nhũng và cố ý giết người tố giác hành vi của ông ta. Đáng lưu ý, vị quan tham này là em trai của ông Lưu Chí Quân.
Nguy cơ vỡ nợ
Trước khi mất chức, ông Lưu đã công bố tham vọng đầu tư kéo dài thêm 13.035km đường sắt cao tốc và khoảng 17.702km đường sắt truyền thống trên toàn Trung Quốc với khoản đầu tư ước tính lên đến 750 tỉ USD, trong đó có 395 tỉ dành cho hạng mục đường sắt cao tốc.
Giới phân tích tài chính từng cảnh báo tiến trình xây dựng hệ thống đường sắt theo lệnh của ông Lưu Chí Quân từ năm 2003 đến nay có khả năng đẩy Bộ Đường sắt vào con đường vỡ nợ. Năm 2010, số nợ của bộ này đã ở mức khó tiên lượng được hậu quả.
Phân tích do Ngân hàng Dân sinh Trung Quốc đưa ra trong tuần này cho biết số nợ của bộ này đã lên đến 56% tổng số tài sản của Bộ Đường sắt Trung Quốc và có khả năng chạm mức 455 tỉ USD, tương đương 70% tổng tài sản của bộ này vào năm 2020. Báo Tài Kinh cho biết trước khi bị cách chức, ông Lưu đã khởi động chương trình bán cổ phần trong ngành đường sắt cho các nhà đầu tư là các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc, động thái được cho là để “chạy” nợ.
Báo cáo của Ngân hàng Dân sinh còn cho rằng mạng lưới đường sắt cao tốc ở Trung Quốc có thể còn thua lỗ trong 20 năm tới do giá vé của loại vận tải này cao hơn nhiều lần so với giá vé truyền thống và có nguy cơ bị người dân tẩy chay. “Chúng tôi không thể với tới giá vé này trong nhiều năm nữa” - một lao động nhập cư ở Bắc Kinh cho biết. Trong khi đó, hệ thống đường sắt cũ lại hoạt động không mấy hoàn hảo. Chẳng hạn trong mùa cao điểm trước tết âm lịch vừa rồi, nhiều hành khách nổi điên trước các chuyến tàu lửa nhồi nhét, giá vé cao cắt cổ.
MỸ LOAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét